Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới với tinh thần thi đua mới

Thứ Sáu, 30/09/2016 17:21 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sáng 30/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020 tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới và phát động phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng đông đảo đại diện các bộ, ngành, địa phương.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tính đến ngày 15/9/2016, cả nước đã có 2.045 xã (23%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 515 xã (5,9%) so với cuối năm 2015; dự kiến đến hết năm 2016 sẽ có khoảng 25% số xã đạt chuẩn. Còn 300 xã dưới 5 tiêu chí (3,36%), giảm 26 xã so với đầu năm 2016. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,1 tiêu chí/xã.

Cùng với đó, đã có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 9 đơn vị so với cuối năm 2015. Hiện nay, Hội đồng thẩm định Nhà nước đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận đạt chuẩn NTM đối với huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), huyện Đông Anh (TP. Hà Nội). Dự kiến đến hết năm 2016, cả nước sẽ có khoảng 30 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.

Trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình NTM đạt 851.380 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước bố trí được 98.664 tỷ đồng, chiếm 11,6%; 88,4% số vốn đã huy động được từ nhiều nguồn lực khác nhau, bao gồm từ người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, tín dụng tham gia thực hiện chương trình. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2016, cả nước huy động được 332.475 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 7.374 tỷ đồng (2,2%), ngân sách địa phương 23.193 tỷ đồng (7%) và các nguồn vốn huy động khác.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị, đại diện các tỉnh như Điện Biên, Thái Bình, Nghệ An,… đã chỉ ra những khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng NTM. Trong đó có thể kể đến một số khu vực nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao và có sự chênh lệch về mức sống giữa khu vực thành thị và nông thôn; chất lượng hiệu quả xây dựng NTM ở các xã biên giới còn nhiều hạn chế, vấn đề an ninh biên giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Cùng với đó là nhận thức của một bộ phận cán bộ về xây dựng NTM chưa sâu sắc, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nguồn lực của nhà nước, chưa thực sự chủ động tham gia xây dựng NTM. Đồng thời, một số mục tiêu đã được các địa phương đề ra nhưng chưa có nguồn lực và nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện. Hiện nay, một số tiêu chí xây dựng NTM chưa thực sự phù hợp giữa các vùng, miền.

Theo kế hoạch triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, đến năm 2020, mục tiêu số xã đạt tiêu chuẩn NTM khoảng 50%. Trong đó, miền núi phía Bắc đạt khoảng 28%, Đồng bằng sông Hồng 80%, Bắc Trung bộ 59%, duyên hải Nam Trung bộ 60%, Tây Nguyên 43%, Đông Nam bộ 80%, Đồng bằng sông Cửu Long 51%. Bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã, cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn về giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, tăng mức thu nhập ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.

Để đạt được các mục tiêu trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng NTM thông qua việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng NTM từ Trung ương đến cơ sở. Đẩy mạnh công tác truyền thông, thường xuyên cập nhật đưa tin các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng NTM trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, rất cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu trong xây dựng NTM. Các Bộ, ngành đưa vào chương trình công tác hàng năm các nhiệm vụ của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đồng thời thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn. Huy động nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai chương trình, từ năm 2017, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định để lại ít nhất 80% cho ngân sách xã số tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã. Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp, nhất là đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; cam kết hỗ trợ doanh nghiệp được hưởng các chính sách về tín dụng, ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: BT)

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể, địa phương thời gian qua; góp phần giúp chương trình xây dựng NTM đạt được những kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương có nhiều khởi sắc rõ rệt.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện nay, một số nơi vẫn chưa quan tâm đến công tác tổ chức sản xuất của người dân. Trong khi đó, đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao thu nhập và mức sống cho người nông dân. Bên cạnh đó, đời sống văn hóa tinh thần ở một số khu vực nông thôn vẫn còn nghèo nàn, nhất là văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một. Các vấn đề về môi trường tự nhiên, xã hội còn nhiều bất cập, đặc biệt là về vấn đề ô nhiễm rác thải, môi trường sông, hồ. Ở một số đơn vị địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác triển khai xây dựng NTM.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, NTM là nhiệm vụ chính trị cần kiên trì tổ chức thực hiện. Trong đó, cần xem bản chất của xây dựng NTM là nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Cần xây dựng kết cấu hạ tầng tốt, xây dựng cơ cấu kinh tế phù hợp, tổ chức sản xuất hợp lý, đồng thời giữ vững bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn.

Để làm tốt công tác xây dựng NTM, Thủ tướng cho rằng, công tác quan trọng đầu tiên là cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu, cần xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên. Bên cạnh đó, các ngành từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, các ngân hàng thương mại, tổ chức có liên quan cần chung sức tạo điều kiện để hành động phục vụ xây dựng NTM.

Thủ tướng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, các Bộ, ngành, xây dựng lộ trình, bước đi cụ thể, hỗ trợ các xã khó khăn có chỉ tiêu còn thấp. Đồng thời quan tâm đến tiêu chí giảm nghèo,  có cơ chế khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức đào tạo nhân lực, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp và có chính sách đặc thù cho các vùng khó khăn.

Đặc biệt, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đi lên sản xuất lớn, cần tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, việc triển khai xây dựng NTM cần chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch cho người dân, quan tâm đến vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời chú trọng quy hoạch các yếu tố như tỷ lệ sử dụng internet, doanh nghiệp đầu tư, thương mại điện tử,… trong chương trình xây dựng NTM để thúc đẩy phát triển sản xuất ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020./.

Bùi Thủy

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN