Cà Mau chuẩn bị Tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer
(ĐCSVN) – Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer ở Cà Mau luôn giữ được những giá trị truyền thống, mối gắn kết, sống chan hòa, nghĩa tình trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần tô điểm thêm cho nền văn hóa đầy màu sắc của cộng đồng văn hóa 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các Dân tộc Việt Nam.
Cà Mau hiện có gần 30 nghìn người dân tộc Khmer sinh sống; trong quá trình lao động sản xuất, hội nhập và phát triển, đồng bào Khmer tỉnh Cà Mau vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tết Chôl Chnăm Thmây hay (Lễ Chịu tuổi) là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer đã và đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị.
Chôl Chnăm Thmây có nghĩa là vào năm mới, là Tết cổ truyền hằng năm của đồng bào dân tộc Khmer, thường diễn ra vào trung tuần tháng 4 dương lịch. Đây là thời gian khô ráo, mùa màng đã thu hoạch xong, người dân trong giai đoạn nông nhàn có thêm điều kiện vui Tết. Ăn Tết xong, bà con chuẩn bị đón mùa mưa, mừng mùa vụ mới.
Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer ở Cà Mau luôn giữ được những giá trị truyền thống. |
Đồng bào dân tộc Khmer đa số theo Phật giáo Tiểu thừa (Phật giáo Nam tông Khmer) nên các hoạt động lễ, hội của Tết Chôl Chnam Thây của đồng bào dân tộc Khmer đều diễn ra tại chùa. Vào dịp này, bà con đồng bào Khmer chuẩn bị sắm sửa, ăn mặc gọn đẹp, chuẩn bị nhang, đèn, gạo, rượu, thịt, bánh, hoa, quả…để phục vụ cho việc ăn uống, đãi khách và dâng lễ tại các chùa. Tết Chôl Chnăm Thmây thường diễn ra trong 3 ngày.
Ngày thứ nhất, bà con chuẩn bị vật phẩm như: nhang, đèn, hoa quả mang đến chùa để làm lễ đón chào năm mới, làm lễ rước Đại lịch Maha Sangkran (Maha Sangkran được hiểu như vị hành khiển trong ngày Tết năm mới). Cứ mỗi năm, đồng bào Khmer lại đón một vị Maha Sangkran cai quản và trông coi mọi việc của năm đó.
Ngày thứ hai, bà con dâng cơm cho sư sãi vào buổi sáng và buổi trưa ở chùa. Buổi chiều, mọi người đến chùa làm lễ đắp núi cát để mong gặp nhiều điều may mắn, tốt lành trong năm mới và cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Ngày thứ ba của Tết Chôl Chnăm Thmây, sẽ diễn ra nghi lễ tắm tượng Phật. Đây là nghi lễ quan trọng và thiêng liêng đối với đồng bào Khmer. Nghi lễ tắm tượng Phật liên quan nhiều đến tâm thức ứng xử với nước của người Khmer, với ý nghĩa rửa sạch hết muộn phiền trong năm cũ để sang năm mới được thanh sạch, vui vẻ hơn. Nước thơm sau khi tắm Phật xong, đồng bào Khmer mang về nhà tắm cho người lớn tuổi để cầu chúc sức khỏe, bình an, mong một năm mới tất cả gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.
Hòa chung với 3 dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa ở Cà Mau, bà con đồng bào Khmer luôn giữ được những giá trị truyền thống, mối gắn kết, sống chan hòa, nghĩa tình trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer đã góp phần tô điểm thêm cho nền văn hóa đầy màu sắc của cộng đồng văn hóa 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các Dân tộc Việt Nam.
Chương trình văn nghệ cho bà con trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây. |
Để Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm nay diễn ra tốt đẹp, ngày 21/3, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 1874/UBND-KGVX về việc tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm 2023.
Theo đó, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer diễn ra từ ngày 14, 15, 16/4/2023. UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo tổ chức những ngày Tết diễn ra tốt đẹp, phù hợp với truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer; tạo điều kiện cho đồng bào Khmer trong tỉnh đón Tết theo tinh thần “Đoàn kết, vui tươi, an toàn và tiết kiệm”.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Khmer đón Tết trong không khí vui tươi, đầm ấm, an toàn và tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu lao động sản xuất, học tập, thực hành tiết kiệm; phát huy tính tự lực, tự cường vượt khó vươn lên thoát nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.