Cà Mau: Cấp thiết ứng phó với hạn, mặn, bảo vệ vùng sản xuất
(ĐCSVN) - Cà Mau là tỉnh duy nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông. Tình trạng nắng hạn kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, giao thương hàng hóa của người dân trong vùng.
Nhiều tuyến kênh nội đồng tại Cà Mau đã khô kiệt nước. Ảnh: Nhật Hồ |
Thiếu nước ngọt ngày càng nghiêm trọng
Cà Mau là nơi có địa hình thấp, ba mặt tiếp giáp với biển, hệ thống sông, rạch, kênh mương chằng chịt. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô như các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nước mưa được điều tiết trữ lại trên hệ thống kênh, rạch, không có nguồn nước bổ sung từ nơi khác đến, khi có hạn hán xảy ra rất khó xử lý khắc phục. ‘‘Điệp khúc’’ thừa nước trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô xảy ra hằng năm tại tỉnh, gây nhiều lãng phí nhưng chưa thể khắc phục trong một sớm, một chiều.
Mức độ gay gắt và kéo dài của tình hình hạn hán đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân, nhất là vấn đề thiếu nước sinh hoạt. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 3.742 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt.
Mùa khô, lượng nước ngọt trên các kênh rạch trở nên khan hiếm, lượng mưa không đáng kể, một số khu vực xa hoặc không có nguồn tiếp nước ngọt như: cuối kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, ven biển Bạc Liêu - Cà Mau, Nam Cà Mau, U Minh… làm cho nhiều diện tích rau màu, cây công nghiệp và lúa Đông Xuân ảnh hưởng nghiêm trọng. Nước sinh hoạt cho người dân vùng nuôi thủy sản cũng luôn bị thiếu hụt. Đầu mùa mưa thường xảy ra hạn "Bà Chằn", gây thiệt hại cho hàng nghìn ha lúa Hè Thu mới gieo sạ, đặc biệt là các khu vực đất thấp, nhiễm phèn ven kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp do hệ thống công trình thủy lợi vùng Bán đảo Cà Mau và vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp chưa hoàn thiện.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, hằng năm, tỉnh đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống kênh, rạch, các tuyến đê để khép vùng giữ ngọt nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Nguyên nhân là do phần lớn diện tích sản xuất lúa hiện nay lệ thuộc nhiều vào diễn biến thời tiết, hệ thống thủy lợi chưa được khép kín để chủ động trong việc điều tiết, trữ và kiểm soát nguồn nước.
Một số biện pháp ứng phó mà tỉnh Cà Mau đã áp dụng là xây dựng các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, tăng cường lưu trữ nước mặt, sử dụng các công nghệ tưới tiêu hiệu quả, sử dụng cây trồng có khả năng chịu hạn tốt. Trong đó, mô hình trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt đang được sử dụng, phổ biến ở các vùng ven biển, những nơi có nguồn nước mặt, nước dưới đất bị nhiễm mặn, phèn, chưa có hệ thống cấp nước tập trung.
Qua rà soát của cơ quan chức năng, người dân ở một số huyện như Năm Căn, Ngọc Hiển, U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời phụ thuộc nhiều vào nước mưa. Người dân sử dụng nước mưa cho nhu cầu sinh hoạt cấp thiết hằng ngày (để uống, nấu ăn, tắm giặt...), sau đó mới đến lượng nước dưới đất. Nước mưa được thu và dự trữ chủ yếu trong các bể chứa bằng gạch xây hoặc bể đúc bằng bê tông cốt thép, một số hộ gia đình trữ nước mưa trong các lu chứa có thể tích nhỏ.
Theo Dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng El Nino (từ tháng 1 đến tháng 6/2024), khả năng hạn hán gay gắt, nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ đời sống của người dân tiếp tục diễn ra. Tại Cà Mau sẽ còn xuất hiện thêm nhiều điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường lộ giao thông trong vùng ngọt hóa, làm hư hỏng kết cấu, mặt đường giao thông, gây khó khăn cho giao thương hàng hóa, thiệt hại tài sản và đi lại của người dân, đặc biệt là ở huyện Trần Văn Thời. Tính đến ngày 11/3, có 131 tuyến kênh tại huyện Trần Văn Thời bị sụt lún, sạt lở với tổng chiều dài 14.504m, gồm 550 điểm, ước tính thiệt hại khoảng 19,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, mực nước trên các kênh, rạch trong vùng ngọt hóa tiếp tục xuống thấp, có thêm nhiều kênh, rạch sẽ cạn khô, gia tăng nguy cơ sụt lún đất, xảy ra cháy rừng trong thời gian tới.
Giải pháp bảo vệ, giảm thiểu thiệt hại cho vùng sản xuất
Trước tình hình trên, tỉnh đã chủ động xây dựng Phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt theo cấp độ rủi ro thiên tai giai đoạn 2023 – 2025, quyết liệt tập trung thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ cho toàn vùng sản xuất. Theo đó, cơ quan chủ quản thường xuyên rà soát, kiểm tra các vị trí đê xung yếu, cống, đập, đường giao thông; kịp thời xử lý các sự cố sụt lún, sạt lở, tránh để nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt hóa; thực hiện cắm biển cảnh báo sạt lở ở những điểm có nguy cơ; triển khai các biện pháp phù hợp để giảm thiểu sụt lún, sạt lở đất do hạn hán gây ra.
Lòng kênh khô cạn nước tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ |
Đề cập phương án khắc phục cho toàn vùng ngọt hóa, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, địa phương đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi; trong đó, đầu tư mới hệ thống đập thép, trạm bơm dã chiến nhằm chia nhỏ các vùng có diện tích từ 500 ha đến 1000 ha. Đây cũng là một trong những giải pháp bảo vệ công trình trọng yếu, đường trục. Tỉnh thực hiện giảm tải trọng xe lưu thông trên tuyến đê biển Tây từ 8 tấn xuống 5 tấn nhằm giảm nguy cơ sụt, lún tuyến đê biển Tây do hạn hán, thiếu nước.
Cà Mau kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí chống hạn phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2023 – 2024. Dự kiến, tỉnh sẽ đầu tư 5 hệ thống thủy lợi, kinh phí thực hiện khoảng 197.040 tỷ đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lên phương án xin hỗ trợ khẩn cấp 39,2 tỷ đồng. Trong đó, Sở sẽ cấp phát 758 bồn nước cho 1.344 hộ dân cư sinh sống phân tán, không có dụng cụ chứa nước; thiết lập 46 điểm cấp nước tập trung. Đối với 997 hộ dân cư sinh sống gần công trình cấp nước tập trung, nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng, Sở sẽ kéo dài mạng đường ống tại 6 công trình cấp nước tập trung, tổng chiều dài tuyến ống khoảng 83,5 km.
Tỉnh tiếp tục đầu tư Dự án “Công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn”, nguồn vốn đầu tư 180 tỷ đồng, cấp nước tập trung cho hơn 14.000 hộ dân, đáp ứng một phần nhu cầu người dân (chiếm khoảng 6% số hộ dân nông thôn).
Mặt khác, tỉnh đang chỉ đạo xây dựng Dự án nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2024 – 2027; đề xuất xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau thông qua hệ thống trạm bơm. Việc tiếp ngọt sẽ thực hiện vào thời điểm cuối tháng 12 năm trước, đầu tháng 1 năm sau cho vùng U Minh Hạ - Tiểu vùng II và III Bắc Cà Mau, trên địa bàn các huyện U Minh, Trần Văn Thời với diện tích là 90.000 ha.
Tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương quan tâm xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, đấu nối với dự án Quản lộ - Phụng Hiệp, mục tiêu là chậm mặn, bổ sung nguồn nước ngọt về Cà Mau, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phòng, chống cháy rừng vào mùa khô; điều tiết nước trong nội vùng từ vùng trũng sang vùng gò và ngược lại theo yêu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất, tránh tiêu quá nhiều nước ngọt ra Sông Đốc và biển Tây.
Trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn, tỉnh Cà Mau chú trọng việc tăng cường đào tạo nhân lực và nhận thức cộng đồng để hiểu rõ hơn về tình hình biến đổi khí hậu, áp dụng các biện pháp hạn chế tác động xấu; đồng thời tái cấu trúc kinh tế bền vững, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác như du lịch và năng lượng tái tạo.