Cá chết, dưới biển và trên cạn đều lo!
(ĐCSVN) – Trong khi Chính phủ và các địa phương đang tìm mọi nguồn lực, mọi giải pháp để khắc phục hậu quả đợt hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống người dân đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, thì người dân các tỉnh miền Trung đang oằn mình trước tình trạng cá biển... tự nhiên chết.
Người dân miền Trung đang thu gom cá chết. (Ảnh: Trần Tuấn).
Dù các Bộ, ngành liên quan và chính quyền 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) đã vào cuộc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, nhưng chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân dẫn đến cá chết. Rất nhiều giả thiết được đặt ra, từ hiện tượng ô nhiễm nguồn nước, biển đổi khí hậu... đến chất thải ở khu kinh tế, khu công nghiệp lớn.
Cá chết, ngư dân không dám ra khơi, còn trên bờ, không ít khu du lịch ở 4 tỉnh miền Trung... “ vắng như chùa bà đanh”.
Cá chết, cũng là lúc người dân các tỉnh lân cận thêm lo sợ. Nếu cá biển chết tràn về các chợ quê nghèo, thì sẽ được bán với giá rất rẻ. Người nghèo thường thiếu thông tin và sự hiểu biết hạn chế, nên cứ thấy rẻ là mua, không lường được hết hậu quả.
Trong khi chờ kết luận về nguyên nhân dẫn đến cá chết, các cơ quan quản lý và báo chí cần đưa ra những khuyến cáo nhanh nhất, hiệu quả nhất để người dân không ăn các loại cá chết dạt vào bờ biển; đồng thời, chính quyền 4 địa phương cần tổ chức thu gom và tiêu hủy để hạn chế ô nhiễm môi trường.
Nhìn lại đợt hạn hán, xâm nhập mặn và hiện tượng cá biển chết, càng thấy vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, biến đổi khí hậu... đã và đang đe dọa sự bình yên của mỗi người, mỗi địa phương, trở thành “đại sự” của quốc gia.
Việt Nam đã và đang xây dựng các giải pháp, kịch bản để hạn chế những tác động của thiên tai, nhưng vẫn thiếu những giải pháp khoa học, thực tiễn, lâu dài và bền vững.
Thứ nhất, năng lực phân tích, dự báo, cảnh báo về biến đổi khí hậu, thiên tai còn hạn chế.
Thứ hai, nguồn lực đầu tư cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu còn ít, thậm chí việc đầu tư chưa có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ ba, chưa có giải pháp gắn việc ứng phó biến đổi khí hậu với phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đẩy mạnh phối hợp liên ngành, liên vùng, với từng dự án.
Chống chọi với thiên tai là quyết tâm chính trị của cả hệ thống, là nguồn lực kinh tế, là những giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Vẫn biết đây là việc khó, nhưng khó mấy cũng phải làm vì sự an toàn cuộc sống!