Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Buôn bán động vật hoang dã trái phép bị xử 6 năm tù

Thứ Năm, 17/06/2021 17:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo Hệ thống dữ liệu quốc gia vi phạm về ĐVHD của ENV thiết lập từ năm 2005, đối tượng Đặng Hoàng Phúc đã nhiều lần sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải, quảng cáo bán nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm như hổ, rái cá.

06 cá thể rái cá được giải cứu khi đang bị buôn bán trái phép tại TP. Hồ Chí Minh.

(Ảnh: ENV)

Thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) chiều ngày 17/6 cho biết:  Ngày 15/6/ 2021, Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh) vừa mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Đặng Hoàng Phúc (sinh năm 1997, trú tại Tây Hòa, phường Phước Long A, quận 9, TP. Hồ Chí Minh) 6 năm tù giam về hành vi “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Trước đó ngày 03/12/2020, sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân về mối đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, rao bán động vật hoang dã (ĐVHD), Trung tâm ENV đã hỗ trợ, phối hợp cùng Công an quận Phú Nhuận tiến hành kiểm tra, bắt giữ đối tượng khi đang có hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép 06 cá thể rái cá vuốt bé (Aonyx cinerea) với giá 4,5 triệu đồng/ cá thể. Tất cả số rái cá sau đó đã được chuyển giao tới Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Theo ENV, rái cá vuốt bé là loài ĐVHD thuộc lớp thú được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP, cấp độ bảo vệ cao nhất theo pháp luật Việt Nam. Hành vi phạm tội của bị cáo Đặng Hoàng Phúc đã đáp ứng cấu thành tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại Khoản 2, Điều 244, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo Hệ thống dữ liệu quốc gia vi phạm về ĐVHD của ENV thiết lập từ năm 2005, đối tượng Đặng Hoàng Phúc đã nhiều lần sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải, quảng cáo bán nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm như hổ, rái cá.

Với tính phổ biến cao và tiếp cận nhiều người, ngày càng có nhiều đối tượng buôn bán ĐVHD trái phép lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm pháp của mình. Chỉ trong tháng 5/2021, ENV đã tiếp nhận và xử lý thành công hơn 200 vụ vi phạm về ĐVHD trên Internet, chủ yếu là các hành vi quảng cáo, rao bán trái phép. Tình trạng buôn bán ĐVHD diễn biến phức tạp trên nền tảng mạng xã hội đặt ra yêu cầu xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm này nhằm răn đe, phòng ngừa tội phạm về ĐVHD.

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN