Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng dài hạn về khí đốt

Thứ Tư, 04/01/2023 15:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 3/1, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận dài hạn, cho phép công ty khí đốt nhà nước của Bulgaria tiếp cận mạng lưới trung chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một động thái nhằm đảm bảo nguồn cung thay thế sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt từ tháng 4/2022.

Thỏa thuận giữa công ty khí đốt Bulgargaz của Bulgaria và công ty khí đốt Botas của Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài 13 năm. (Ảnh: aa.com.tr)

Thỏa thuận giữa công ty khí đốt nhà nước Bulgargaz của Bulgaria và công ty khí đốt nhà nước Botas của Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài 13 năm sẽ cho phép Bulgargaz sử dụng mạng lưới của Botas để vận chuyển khí đốt.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez, thỏa thuận này sẽ cho phép Bulgaria vận chuyển khoảng 1,5 tỷ m3 khí đốt mỗi năm và sẽ giúp tăng cường an ninh nguồn cung khí đốt ở khu vực Đông Nam châu Âu.

Về phần mình, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Rosen Hritov cho biết: “Với thoả thuận này, Bulgaria đang đảm bảo cơ hội mua khí đốt từ tất cả các nhà sản xuất trên thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi phù hợp nhất với Bulgaria về mặt hậu cần”.

Bulgaria, một thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU), gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga, nhưng đang tìm kiếm các giải pháp thay thế sau khi Moskva cắt nguồn cung cho Bulgaria vào tháng 4/2022 sau khi Sofia từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble.

Trước đó, hồi tháng 3/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga sẽ không chấp nhận thanh toán khí đốt bằng các loại tiền khác ngoài đồng Ruble để trả đũa các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Moskva sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra.

Bộ trưởng Năng lượng Hristov cho biết, Bulgaria muốn dự trữ công suất khoảng 1 tỷ m3 khí đốt mỗi năm tại các cảng LNG của Thổ Nhĩ Kỳ và mong muốn ký kết các thỏa thuận nhập khẩu với các nhà sản xuất LNG khác của Châu Âu và Mỹ.

Hiện tại, quốc gia EU này nhập khẩu 1 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Azerbaijan và đáp ứng phần còn lại cho nhu cầu của mình, khoảng 3 tỷ m3 mỗi năm, thông qua nhập khẩu LNG từ nước láng giềng Hy Lạp./.

H.Hà (Theo Reuters, AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN