Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” - Kỳ tích của nền Mỹ thuật Việt Nam

Thứ Năm, 02/05/2024 15:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã được tái hiện lại một cách chân thực, sống động và hùng tráng thông qua ngôn ngữ hội họa của bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - tác phẩm không chỉ thu hút đông đảo du khách tham quan mà nó còn là niềm tự hào “Lịch sử của Việt Nam là phải do người Việt Nam thể hiện”.

Ảnh chụp một phần tác phẩm panorama "Trận chiến Điện Biên Phủ"

Kỳ tích của nền Mỹ thuật Việt Nam

Thuật ngữ “panorama” có thể hiểu là toàn cảnh, "tranh panorama" là tranh toàn cảnh. Trên thế giới có hai bức panorama nổi tiếng của F.Roubaud, là: “Trận chiến Borodino” được trưng bày tại Bảo tàng ở Moscow (Liên bang Nga) và bức “Sevastopol panorama” trưng bày tại Bảo tàng ở Sevastopol (Ukraine). Với Việt Nam, bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là bức tranh toàn cảnh đầu tiên tái hiện lịch sử chiến trường.

Được biết, ngay từ khi xây dựng Bảo tàng, ý tưởng về một bức tranh panomara diễn tả tổng thể Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được thiết kế. Chính vì vậy, các kiến trúc sư đã tạo hình chiếc nón cụt ở vị trí trung tâm để “có đất” cho một bức tranh tròn cỡ lớn được thể hiện trên toàn bộ bề mặt phía trong Bảo tàng. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có tổ chức, cá nhân nào trong nước đủ năng lực, tự tin đứng ra đảm nhận thực hiện một bức tranh quy mô và kích thước lớn như vậy. Tỉnh Điện Biên cũng đã từng mời cả chuyên gia nước ngoài đến khảo sát và lên phương án, nhưng cuối cùng cũng không thực hiện được, bởi họ không hiểu hết được những đặc điểm lịch sử của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Với mong muốn “Lịch sử của Việt Nam là phải do người Việt Nam thể hiện”, năm 2014,  họa sĩ Nguyễn Văn Mạc, Giám đốc Công ty Bảo tồn di sản văn hóa, đơn vị thiết kế trưng bày cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đã đề xuất vẽ phác thảo bức tranh này. Đến đầu năm 2019, sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, bức vẽ phác thảo đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trải qua hơn 2 năm miệt mài và tâm huyết, đến năm 2021 tác phẩm đã được hoàn thành. Đó là kết quả lao động sáng tạo của tập thể bao gồm rất nhiều thành phần: Họa sỹ, Kiến trúc sư, Điêu khắc, Nhạc sỹ, chuyên gia kỹ thuật...

Ông Nguyễn Văn Mạc - Người chủ trì vẽ bức tranh toàn cảnh, tái hiện lại những khoảnh khắc tiêu biểu của chiến dịch Điện Biên Phủ. Nguồn ảnh: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, độc đáo được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, trên nền vải toan, trong không gian 360 độ, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m với tổng diện tích là 3.225m² tái hiện sống động hơn 4.500 nhân vật, khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ kết hợp với phần nghệ thuật sắp đặt, trưng bày các hiện vật. Các giai đoạn của Chiến dịch Điện Biên Phủ được tái hiện liên hoàn, kết hợp với các khối nổi và nhiều dụng cụ trong chiến tranh như súng ống, đạn dược, xe pháo, lều bạt và cả hình nộm được sắp đặt chuyển tiếp một cách ăn nhập với hình ảnh trong tranh, đã tạo nên một không gian vừa thực lại vừa ảo, gây ấn tượng mạnh với thị giác người xem.

Bức tranh gồm 4 trường đoạn: Trường đoạn 1 “Toàn dân ra trận”: với hình ảnh những đoàn xe đạp thồ vận chuyển hàng cung cấp cho chiến dịch; hình ảnh hàng trăm chiến sĩ kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ… được tái hiện hết sức sinh động và chân thật. Trường đoạn 2 “Khúc dạo đầu hùng tráng”: với điểm nhấn là trận Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thắng trận mở màn đã giáng một đòn nặng nề vào tinh thần của quân Pháp đồng thời cổ vũ các chiến sỹ của ta có thêm sức mạnh, củng cố niềm tin vào những trận đánh tiếp theo. Trường đoạn 3 “Cuộc đối đầu lịch sử”: với những hình ảnh hầm hào, dây thép gai, trận đánh giáp lá cà… phản ánh sự khốc liệt của chiến trường. Kết thúc trường đoạn bằng hình ảnh cột khói từ quả bộc phá trong lòng đồi A1. Trường đoạn 4 “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng”: Đối lập với hình ảnh thất bại của quân Pháp là hình ảnh quân ta vùng lên đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và điểm nhấn là lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries - Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.

Việc bố trí ánh sáng trong không gian panorama cũng là một trong những yếu tố mang tính nghệ thuật cao. Để tạo hiệu ứng tối đa cho bức tranh, hệ thống chiếu sáng hàng trăm bóng đèn led được rải đều nằm ẩn phía dưới các bục chiếu hắt lên, phía trên trần được bố trí chuyển tiếp từ bầu trời mang sắc thái chiến tranh thời điểm trận đánh diễn ra, đến bầu trời mang màu xanh của hòa bình tại thời điểm hiện tại được nâng thành 3 cấp trần, hệ thống đèn chiếu sáng được khéo léo bố trí giữa các các khe của các cấp trần này vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa chiếu sáng cho toàn bộ không gian.

Bởi vậy, bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật mỹ thuật, hội họa, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc. Tác phẩm đã khẳng định được đỉnh cao của nghệ thuật hội họa Việt Nam và làm nên một tác phẩm nghệ thuật có giá trị về đề tài lịch sử.

Ông Nguyễn Văn Mạc - người chủ trì thực hiện bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" từng xúc động chia sẻ: Để thực hiện tác phẩm đồ sộ này, Công ty Bảo tồn di sản văn hóa đã mời các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực: Lịch sử, quân sự, mỹ thuật, các nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, các đạo diễn phim, nhà điêu khắc có chuyên môn và kinh nghiệm tham gia tư vấn trong quá trình nghiên cứu, thu thập tranh ảnh, phim tư liệu lịch sử tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, các Trung tâm lưu trữ quốc gia, Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ... “Đặc biệt, chúng tôi cũng đi nhiều nơi để tìm gặp các cựu chiến binh, đến nhiều gia đình có thân nhân hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ để thu thập thông tin, hình ảnh, đặc biệt là chân dung các cựu chiến binh, anh hùng liệt sĩ giai đoạn tham gia chiến dịch. Do đó, phần lớn chân dung các “Chiến sĩ Điện Biên” xuất hiện trong tác phẩm này là nhân vật có thật!”.

Du khách tham quan Bảo tàng và chụp ảnh lưu niệm với bức tranh panorama 

Cả trận chiến được tái hiện trong bức tranh panorama

Có thể nói, bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là một công trình mỹ thuật công phu, hoàn hảo, có nội dung phong phú, sinh động, có hình thức thẩm mỹ đẹp, thể hiện năng lực và tay nghề của các họa sĩ Việt Nam trong việc thực hiện các công trình mỹ thuật hoành tráng; giúp công chúng được khám phá bức tranh và có cái nhìn chân thực, toàn diện về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đồng thời là một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, độc đáo, ấn tượng, kiệt tác quý giá của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Thực tế những ngày qua nhiều du khách đến Điện Biên không khỏi bồi hồi, xúc động và tự hào khi được chiêm ngưỡng bức tranh kiệt tác này.

Cô Nguyễn Thị Hiên, du khách đến từ Ninh Bình cho biết, đây là lần đầu tiên cô đến Điện Biên, lại đúng vào dịp hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nên cô rất ấn tượng với mảnh đất lịch sử này. Tại đây, cô đã dành thời gian tham quan các điểm di tích nhưng đặc biệt nhất vẫn là bức tranh panorama được đặt tại tầng 2 của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. "Khi xem bức tranh, tôi thấy như mình được sống trong không khí hào hùng của cha ông ta tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi cảm nhận sâu sắc hơn về một chiến thắng lừng lẫy năm châu cũng như những giai đoạn cam go, khốc liệt của cuộc chiến suốt 9 năm ròng, và càng thấu hiểu hơn những mất mát, hy sinh của những người đã ngã xuống để chúng ta có cuộc sống hòa bình hôm nay," cô Hiên xúc động chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Bách, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Là người thích tham quan, tìm hiểu các Bảo tàng nên tôi đã dành thời gian đi hầu khắp các Bảo tàng ở những nơi mà tôi có dịp ghé thăm. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của tôi, Bảo tàng là nơi trưng bày những hiện vật lịch sử. Vậy nên tôi thực sự bất ngờ vì ở đây không chỉ trưng bày các hiện vật tĩnh mà lịch sử còn được tái hiện vô cùng chân thực, sống động trên bức tranh khổng lồ. Xem tranh kết hợp với nghe thuyết trình cũng như âm nhạc hào hùng, tôi như cảm nhận được toàn bộ sự kiện, hình ảnh lịch sử, thể hiện sức mạnh của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ".

Video toàn cảnh bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 

Đó là ông Phạm Minh Nghĩa - người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, dù đã 4 lần trở lại nơi đây nhưng lần này ông mới có dịp thưởng lãm bức tranh panorama sau khi bức tranh được hoàn tất. Ông cùng đồng đội bước chầm chậm ngắm nhìn bức panorama trải rộng quanh Bảo tàng và nói: Tôi như sống lại không khí hào hùng của 70 năm về trước khi bắt gặp hình ảnh trùng trùng từng đoàn dân và quân thồ hàng, trèo đèo lội suối cung cấp lương thực cho tiền tuyến; những người lính sẵn sàng ra trận mà không một khắc đắn đo hay tiếc thân mình…

Với những ý nghĩa ấy, bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” như là một lời tri ân những người lính đã chiến đấu anh dũng vì độc lập, tự do của dân tộc và cũng như là một lời nhắc nhở đến thế hệ hôm nay về truyền thống cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết và tinh thần yêu nước. Bức tranh không chỉ mang giá trị về lịch sử mà còn góp phần tạo thêm điểm nhấn trong du lịch, thu hút ngày càng đông du khách đến với Ðiện Biên nói chung và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng./.

Tác phẩm panorama ''Chiến dịch Điện Biên Phủ’’ đã đoạt giải Nhất ''Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2022’’ và Giải Đặc biệt về Sáng tác, Quảng bá Tác phẩm Văn học, Nghệ thuật, Báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2023. 
Nhật Mai

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN