Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Brazil huy động 9.000 binh sỹ nhằm bảo đảm an ninh cho Hội nghị G20

Thứ Tư, 13/11/2024 15:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 13/11, Chính phủ Brazil cho biết, Bộ Quốc phòng nước này sẽ huy động 9.000 binh sỹ để đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra tại Brazil trong các ngày 18-19/11.

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 18-19/11 ở Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: thebrasilians)

Thông báo của Chính phủ Brazil nêu rõ công tác triển khai lực lượng sẽ bắt đầu từ ngày 13/11. Dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay sẽ thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo 19 nước thành viên, đại diện các nước Liên minh châu Phi (AU) và Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định sẽ không tham sự kiện năm nay. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, hồi tuần trước đã tuyên bố lập trường của Moscow trong việc thúc đẩy các trật tự thế giới đa cực trong khuôn khổ Hội nghị G20.

Theo trang web chính thức của G20, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 18-19/11 tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MAM) ở Rio de Janeiro. Các chủ đề chính sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị năm nay bao gồm: hòa nhập xã hội, cải cách các thể chế quốc tế và chuyển đổi năng lượng.

Chương trình Lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào ngày 18/11/2024 gồm cả sự ra mắt của Liên minh toàn cầu chống đói nghèo, một sáng kiến của Brazil nhằm huy động các quốc gia và tổ chức quốc tế đẩy nhanh nỗ lực chống đói nghèo vào năm 2030. Liên minh sẽ là một trong những điểm nhấn chính của sự kiện năm nay, với số lượng thành viên dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trọng tâm của cuộc thảo luận diễn ra vào buổi chiều 18/11 (giới hạn ở vai trò tham dự giữa nguyên thủ các nước), sẽ là cải cách quản trị toàn cầu - một chủ đề chính trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Brazil. Đề xuất này cải cách quản trị toàn cầu xoay quanh các giải pháp hiện đại hóa các tổ chức quốc tế chính, gồm: Liên hợp quốc (UN), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong khi đó, các cuộc tranh luận về quá trình chuyển đổi năng lượng được lên lịch trình vào sáng ngày 19/11. Thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu chưa từng có và các quốc gia G20, đại diện cho phần lớn lượng khí thải carbon, sẽ thảo luận về các chiến lược thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu xanh hơn và bền vững hơn.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay cũng bao gồm thông điệp về việc thúc đẩy hòa bình trong các cuộc xung đột toàn cầu, đặc biệt là cuộc xung đột Ukraine và vấn đề Palestine. Thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập hòa bình, không chỉ chỉ riêng cho các khu vực nêu trên mà còn liên quan đến tất cả các cuộc xung đột trên thế giới và đây cũng là những nội dung giúp củng cố ưu tiên của Brazil trong việc cải cách quản trị toàn cầu.

Vào ngày cuối cùng của Hội nghị sẽ diễn ra lễ trao quyền Chủ tịch G20 từ Brazil sang Nam Phi, khẳng định sự tiếp nối của các cuộc thảo luận và vai trò lãnh đạo luân phiên của G20. Nam Phi sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch vào năm 2025. Trong đó, lễ chuyển giao quyền Chủ tịch G20 cho Nam Phi đã góp phần thiết lập mối liên hệ giữa các vấn đề toàn cầu cùng những thách thức mà “lục địa đen” phải đang phải đối mặt./.

T.Lan (Theo uniindia, g20.org)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN