Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bóng đá Việt Nam, thầy nội hay thầy ngoại?

Thứ Bảy, 27/04/2024 17:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hai thất bại liên tiếp của tuyển Futsal và U23 Việt Nam ở đấu trường châu lục đã phần nào khiến các CĐV thất vọng. Nhưng trước đó, sự xuống dốc của đội tuyển Việt Nam sau thời kỳ vàng son của ông Park Hang-seo cũng đã được xem là dấu hiệu cho thấy nền bóng đá của chúng ta đang đứng giữa những sự lựa chọn đầy khó khăn, bắt đầu từ vị trí HLV trưởng.

 HLV Troussier đã thất bại với bóng đá Việt Nam (ảnh: vnexpress.net)

Ngay sau trận thua bẽ bàng 0-3 trước Indonesia, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định chấm dứt hợp đồng với HLV Philippe Troussier. Với nhiều chuyên gia, chiến lược gia người Pháp không phù hợp với triết lý, con người, cũng như tầm nhìn ngắn hạn của bóng đá Việt. Ngắn hạn! Chứ không phải là dài hạn, bởi sức ép của người hâm mộ sau mỗi thất bại là quá lớn, quá khủng khiếp. Những phát ngôn trong các buổi họp báo của ông Troussier đã cho thấy mọi thứ. Khác với rất nhiều nền bóng đá phát triển, tuyển Việt Nam có vẻ không cần một chiến lược gia mang tính học thuật. Ở khía cạnh này, HLV với hồ sơ rất đẹp trên toàn thế giới có lẽ sẽ phù hợp với vai trò Giám đốc Kỹ thuật, hơn là làm công tác huấn luyện. Ngược lại, ông Park lại là người đặc biệt coi trọng những giá trị thực dụng và hiệu quả, đồng thời dựa trên những kết quả đó để xây dựng lộ trình cho các học trò. Sẽ là rất tranh cãi nếu đưa các HLV ngoại lên bàn cân. Nhưng giá trị của họ vẫn là điều không thể phủ nhận.

Chưa cần nhắc đến những thành công hay thất bại mang tính lịch sử, chỉ cần nhớ lại những phát ngôn của những ông thầy ngoại, chúng ta cũng đã biết trình độ và khả năng thấu hiểu bóng đá Việt của những người không cùng chung ngôn ngữ. Năng lực đôi khi cũng không thể đồng hành với thành công, khi những rào cản vô hình khác khiến HLV bất lực. Các quan chức lãnh đạo VFF có thể không nhớ, nhưng người hâm mộ thì sẽ rất khó quên. Ví dụ: “Các anh bán trận này được bao nhiêu?” - Karl - Heinz Weigang năm 1996. Một tượng đài khác, Alfred Riedl khẳng định: "Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc!". Edson Tavares thì ngán ngẩm: “Trong 9 năm, Singapore thay 3 HLV, Thái Lan thay 2 HLV, còn Việt Nam đổi tới 8 HLV. Thật kinh khủng!”…. Dễ thấy, không nhiều những HLV nội có được những phát biểu gai góc như thế. Nhưng nói vậy không có nghĩa là các chiến lược gia của chúng ta không có những lợi thế riêng của mình.

Bên tình, bên lý…

Sự thật, bóng đá Việt Nam không phải là không có các HLV giỏi. Bên cạnh vấn đề chuyên môn, các ông thầy nội còn được đánh giá cao ở yếu tố “Tình”. Đó là cái quả lắc giữa tình yêu thương và sự nuông chiều, giữa các quy định trên tờ A4 và sự ưu ái để không làm phật lòng các ngôi sao. Xét một cách toàn diện, ngoài những vị đầu lĩnh “quái kiệt” như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung…, rất nhiều HLV khác cũng đã thể hiện cá tính, bản lĩnh, cũng như cách huấn luyện đáng ngợi khen. Nguyễn Hữu Thắng, Hoàng Anh Tuấn, Chu Đình Nghiêm, Nguyễn Văn Sỹ…, và còn rất, rất nhiều những người khác nữa vẫn có thể mang tới sự kỳ vọng.

 HLV Mai Đức Chung để lại khoảng trống quá lớn ở ĐT Nữ Việt Nam (ảnh: VFF)

Nhưng, lại là nhưng, những con số đã nói lên tất cả. Trong suốt gần 30 năm qua, chính xác là từ khi bóng đá Việt Nam có HLV ngoại đầu tiên tại Cúp Độc Lập năm 1995, không ai trong số 9 HLV nội tạo ra thành tích nào đáng kể. Cũng phải thôi, khi có đến 7/9 trường hợp nói trên chỉ là những người tạm quyền. Nhiều người cho rằng, các HLV nội có thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, xử lý thông tin và làm việc tuyến dọc cùng VFF. Tuy vậy, không ít lần yếu tố này cũng đã tỏ ra là con dao 2 lưỡi. Vì rất nhiều lý do, các HLV nội đã từ chối 2 chiếc ghế nóng của tuyển Nam và Nữ quốc gia. Theo giới thạo tin, việc VFF xem HLV ngoại là phương án tối ưu chỉ là một cách trả lời. Quan trọng hơn, rõ ràng chúng ta đang bị chính các HLV nội quay xe ngay trên sân nhà.

HLV Nội hay Ngoại? Câu trả lời hoàn toàn thuộc về VFF. Nhưng đó vẫn sẽ là một câu hỏi khó, nếu như sự kiên nhẫn, quyết đoán, và cả niềm tin vào tương lai vẫn không thể vượt qua được căn bệnh thành tích. Nhìn U23 Indonesia thi đấu tại VCK U23 châu Á, nhiều CĐV đã có sự so sánh nhất định.

Có điều, hãy nhớ, để có được vị thế là lá cờ đầu của Đông Nam Á tại giải đấu trên đất Qatar, bóng đá xứ vạn đảo đã phải trải qua biết bao năm, bao thất bại, bao lời chỉ trích. Chỉ vì phải đứng sau cái bóng Việt Nam./.

HC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN