Bốn giám đốc “bắt tay” cán bộ hải quan trốn thuế gần 17 tỷ đồng
(ĐCSVN) - Bốn giám đốc “bắt tay” cán bộ hải quan trốn thuế gần 17 tỷ đồng; đề phòng bệnh do não mô cầu lây lan; Chính phủ Hàn Quốc cảnh báo dư chấn lớn sau động đất,… là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 13/6.
Bốn giám đốc “bắt tay” cán bộ hải quan trốn thuế gần 17 tỷ đồng
Hai bị cáo Đỗ Hải Phong (trái) và Đoàn Mạnh Dương buôn lậu hàng ngàn tấn thịt trâu. (Nguồn: Bộ Công an) |
Ngày 13/6, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 6 bị cáo trong vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thương mại và Dịch vụ Tân Đại Dương (Công ty Tân Đại Dương).
Tòa đã tuyên phạt bị cáo Đoàn Mạnh Dương (sinh năm 1984, Giám đốc Công ty Tân Đại Dương) 13 năm tù về tội “Buôn lậu”, 18 tháng tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, 30 tháng tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”; tổng hợp hình phạt là 17 năm tù.
Bị cáo Đỗ Hải Phong (sinh năm 1984, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Vân Đồn) bị phạt 10 năm tù về tội “Buôn lậu”, 2 năm tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”; tổng hợp hình phạt là 12 năm tù.
Hai cán bộ hải quan gồm: Nguyễn Hữu Chỉnh (sinh năm 1960, nguyên công chức Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội) bị phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Phạm Quang Thành (sinh năm 1982, công chức hải quan Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài) bị phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về cùng tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nguyễn Thu Hằng (sinh năm 1978, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại xuất nhập khẩu và du lịch Hà Nguyên) bị phạt 24 tháng tù; Nguyễn Quốc Dũng (sinh năm 1970, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và thương mại Minh Khánh) bị phạt 18 tháng tù về cùng tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.
Theo cáo trạng, khoảng giữa năm 2022, Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan chuyển thông tin và hồ sơ vụ việc có dấu hiệu phạm tội liên quan tới Công ty Tân Đại Dương đến Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an để tiến hành điều tra.
Kết quả điều tra xác định, các bị cáo Dương, Phong có hành vi buôn lậu 81 lô hàng, khối lượng hơn 2.356,3 tấn thịt trâu đông lạnh, trị giá hơn 10,4 triệu USD (hơn 224 tỷ đồng). Hành vi trên khiến nhà nước thất thoát số tiền thuế gần 17 tỷ đồng.
Cụ thể, vào năm 2009, Dương lập ra Công ty Tân Đại Dương để nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về phân phối trong nước. Năm 2009, Phong lập Công ty Vân Đồn để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của Công ty Tân Đại Dương. Từ cuối năm 2019, công ty nhập khẩu thịt trâu đông lạnh từ Công ty Allanasons (Ấn Độ) để bán cho các đại lý trong nước. Để trốn thuế, các bị cáo khai báo hải quan không đúng tên mã hàng, chuyển từ thịt “nạc, thăn, đùi bắp” thành loại thịt “vụn, rìa, gân”; khai giảm giá trị các lô hàng (chỉ bằng ½ giá trị thực tế).
Dương sử dụng Công ty Tân Đại Dương thanh toán bằng thư tín dụng L/C tiền thịt trâu đông lạnh cho đối tác theo giá trị khai báo hải quan. Còn số tiền chênh lệch bị thiếu sẽ được thanh toán bằng cách sử dụng pháp nhân Công ty Vân Đồn dùng hồ sơ, chứng từ nhập khẩu giả hoặc thông qua dịch vụ chuyển tiền của các công ty khác (đây là các công ty không xác định được thông tin đăng ký kinh doanh, địa chỉ kinh doanh).
Theo đó, từ ngày 26/12/2013 đến ngày 26/7/2017, Công ty Tân Đại Dương mở 106 tờ khai nhập khẩu thịt trâu đông lạnh tại các chi cục Hải quan, gồm: Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội (68 tờ khai), 4 Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan thành phố Hải Phòng (34 tờ khai), Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh (4 tờ khai).
Qua xác minh đã kết luận, trong tổng số 106 lô hàng mà Công ty Tân Đại Dương mở tài khai hải quan, bị cáo Dương đã buôn lậu 81 lô hàng thịt trâu với khối lượng 2.356,3 tấn. Còn 25 lô hàng không đủ thông tin, dữ liệu để đối chiếu. 81 lô hàng buôn lậu có giá trị khai báo hải quan là hơn 4,9 triệu USD; Công ty Tân Đại Dương thanh toán hơn 10,7 triệu USD, chênh lệch hơn 5,4 triệu USD. Số tiền nhà nước thất thoát thuế là gần 17 tỷ đồng. Trong đó, Phong phải chịu trách nhiệm với 55 lô hàng, liên đới gây thiệt hại hơn 11 tỷ đồng tiền thuế.
Để hợp thức hóa các chứng từ, bị cáo Dương làm giả một số tài liệu chuyển tiền quốc tế để thanh toán nốt tiền cho đối tác. Từ ngày 27/12/2013 đến ngày 15/9/2015, Dương chỉ đạo Phong làm giả 34 tờ khai hải quan bằng cách chỉnh sửa lại số liệu, nội dung, điền thông tin công ty xuất, nhập khẩu, số lượng, đơn hàng…
Liên quan đến vụ án, Công ty Tân Đại Dương đã mở 68 tờ khai tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội thuộc Cục Hải quan Hà Nội, trong đó có 5 tờ khai của 5 lô hàng được hệ thống VNACCS/VCIS của cơ quan hải quan phân mã luồng “3D” – luồng đỏ, phải kiểm tra thực tế. Các bị cáo Chỉnh, Thành là công chức kiểm hóa thuộc Đội Nghiệp vụ, Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội được phân công trực tiếp kiểm tra hàng hóa.
Căn cứ hồ sơ kiểm tra đối chiếu với kết quả ủy thác tư pháp xác định, mỗi lô hàng đều được đóng vào một container chứa các kiện hàng, bề ngoài đều ghi mã thị và loại thịt; 5 lô hàng trên đều có thịt vụn dưới 10%, có 2 lô hàng 100% là thịt thăn, nạc, mông.
Quá trình kiểm tra thực tế, bị cáo Chỉnh và Thành không kiểm tra đủ mẫu 10%, không thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục để xác định cụ thể mã hàng, loại thịt. Hành vi thiếu trách nhiệm của 2 bị cáo Chỉnh và Thành đã gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu.
Theo cáo buộc, từ năm 2016-2017, bị cáo Dương chỉ đạo nhân viên hoặc trực tiếp liên hệ với Công ty Hà Nguyên, Công ty Minh Khánh… để bán ra và mua vào các hóa đơn Giá trị gia tăng khống để phục vụ việc giải ngân, vay vốn của Công ty Tân Đại Dương.
Cụ thể, Công ty Hà Nguyên do Hằng làm giám đốc mua khống 17 hóa đơn và bán lại cho Công Ty Tân Đại Dương số tiền ghi 66,4 tỷ đồng. Công ty Minh Khánh do Dũng làm giám đốc mua khống 13 hóa đơn và bán lại cho Công ty Tân Đại Dương với số tiền ghi hơn 26 tỷ đồng. Còn Dương bị xác định mua bán trái phép tổng cộng 106 tờ hóa đơn… Với hành vi này, Hằng hưởng lợi hơn 200 triệu đồng, Dũng hưởng lợi hơn 127 triệu đồng,…
Đề phòng bệnh do não mô cầu lây lan
Hai bệnh nhân mắc bệnh do não mô cầu tại tỉnh Bắc Kạn đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Ngày 13/6, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo thông tin giám sát ngày 12/6, tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh do não mô cầu; đồng thời trên cùng địa bàn cũng ghi nhận trường hợp tử vong có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm.
Trước đó, vào ngày 5/6, cháu Đ.T.V. (sinh năm 2022, ở xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể) tử vong chưa rõ nguyên nhân và đến ngày 9/6, bà H.T.Đ. (sinh năm 1960, là bà của V, ở cùng nhà) cũng tử vong. Trong khoảng thời gian này, gia đình bà Đ. có 4 người có các biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, đi ngoài phân lỏng...
Kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 12/6 cho thấy, bệnh nhân Đ.V.D (là con trai bà H.T.Đ) dương tính với vi khuẩn não mô cầu (có tên gọi là Neisseria meningitidis) gây bệnh viêm màng não. Đây là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp, có thể phát sinh thành dịch và gây tử vong nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, ngày 13/6, Cục Y tế dự phòng có công văn số 517/DP-DT gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo, tổ chức triển khai tăng cường phòng, chống bệnh do não mô cầu.
Theo đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo, tổ chức triển khai một số nội dung như: Chủ động, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới bệnh do não mô cầu tại cộng đồng trong khu vực xảy ra ổ dịch; theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm, sử dụng thuốc điều trị dự phòng cho các trường hợp tiếp xúc gần và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời đảm bảo tổ chức tốt thu dung, chẩn đoán sớm, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm; cung cấp thông tin về các biện pháp phòng lây nhiễm cho người chăm sóc người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh do não mô cầu (khi tiếp xúc với người bệnh và ở tại ổ dịch cần đeo khẩu trang; cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh; khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…),…
Chính phủ Hàn Quốc cảnh báo dư chấn lớn sau động đất
Theo hãng tin Yonhap, ngày 13/6, Chính phủ Hàn Quốc cảnh báo nguy cơ xuất hiện các dư chấn lớn sau trận động đất có độ lớn 4,8 ở phía Tây Nam của nước này vào sáng 12/6, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng phải chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó với các nguy cơ đó.
Phát biểu tại một cuộc họp của chính phủ, quan chức cấp cao Bộ Nội vụ Lee Han-kyung cho biết có khả năng xảy ra các dư chấn quy mô lớn trong tuần tới. Ông đã chỉ đạo các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hành động để ngăn chặn những thiệt hại có thể xảy ra sau động đất và sẵn sàng ứng phó với các dư chấn tiếp theo.
Theo Trụ sở Trung tâm ứng phó thảm họa và an toàn của Hàn Quốc, tính đến 5h30 sáng 13/6, 277 trường hợp thiệt hại về cơ sở vật chất đã được ghi nhận, tăng hơn 100 trường hợp so với cuối ngày 12/6. Trong số này có tới 239 trường hợp được xác định ở quận Buan, tâm chấn của động đất; 19 trường hợp ở thành phố Jeongeup lân cận, 5 trường hợp ở quận Gochang và một số trường hợp khác,…/.