Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bồi thường người bị oan: Thương lượng phải mang tính nhân văn

Thứ Tư, 31/05/2017 20:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Việc thương lượng (nếu có) phải mang tính nhân văn, nghĩa là thương lượng để thúc đẩy quá trình bồi thường được nhanh hơn, có lợi cho nhân dân hơn…

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu khi thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) sáng 31/5 tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Băn khoăn về cơ quan giải quyết bồi thường

Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).                     

Cho ý kiến về dự luật này, một trong những vấn đề được quan tâm là về xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự (các điều 34, 35 và 36). Theo báo cáo, dự thảo luật trình Quốc hội vẫn thống nhất nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ chịu trách nhiệm thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường.    

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu thảo luận (Ảnh: TTXVN)

 
Tham gia góp ý về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của nhà nước, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, nếu theo dự thảo luật thì có 2 trường hợp bất cập phát sinh trong xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự. 

Đại biểu phân tích: Một là với trường hơp Viện Kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng sau đó cơ quan điều tra cũng tiến hành điều tra lại và ra kết luận điều tra bổ sung, song trong kết luận đó lại giữ nguyên kết luận ban đầu, căn cứ vào kết luận điều tra bổ sung này thì Viện Kiểm sát quyết định đình chỉ vụ án vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi của người này không cấu thành tội phạm hoặc có thể hết thời hạn điều tra mà cơ quan điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm bồi thường đối với trường hợp này thuộc về cơ quan điều tra hay Viện Kiểm sát?.

Trường hợp 2 là trường hợp tòa án có bản án đã tuyên, hoặc quyết định đã công bố mà trong đó xác định bị cáo có tội nhưng sau đó bản án quyết định này lại bị kháng cáo kháng nghị và bị tòa án ở các cấp có thẩm quyền tuyên hủy bản án đó để điều tra lại. Sau đó, cơ quan điều tra tiếp tục ra kết luận điều tra bổ sung, hoặc giữ nguyên kết luận điều tra ban đầu và đề nghị Viện Kiểm sát truy tố nhưng Viện Kiểm sát đình chỉ vụ án vì bị can không thực hiện hành vi phạm tội, hoặc hành vi không cấu thành tội phạm. Vậy với trường hợp này trách nhiệm bồi thường thuộc về tòa án hay cơ quan điều tra?.

Từ phân tích trên, đại biểu nhấn mạnh: “Tôi đề nghị, dự thảo luật cần phải quy định cụ thể và xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật để những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống. Hơn nữa đây còn là uy tín, danh dự của các cơ quan bảo vệ pháp luật”.

Cũng bàn về cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày tỏ chưa yên tâm với những quy định tại dự luật. Qua thực tiễn công tác, đại biểu nhận xét, quy định như vậy chưa thực sự tháo gỡ những vướng mắc của luật hiện nay. Bởi, quy định như vậy đồng nghĩa với việc có nhiều cơ quan giải quyết bồi thường dẫn đến không thống nhất, khó triển khai bồi thường một cách khách quan.

Mặt khác, trong thực tế, đặc biệt là trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những “điểm rơi” khó xác định một cách rành mạch cơ quan nào là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng. Theo đại biểu, việc UBTVQH cho rằng, dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội đã quy định rõ hơn việc giải quyết vấn đề này trên cơ sở nguyên tắc nêu trên, nhưng trên thực tế không đơn giản như vậy, đó là chưa kể có những cơ quan sợ trách nhiệm, lo ảnh hưởng đến uy tín của ngành mình nên đẩy trách nhiệm sang cho ngành khác.

Mặt khác đại biểu cho biết, trong thực tế, những vụ án oan sai đã xảy ra vừa qua cho thấy, trong 1 vụ án oan sai đã nêu một chuỗi tố tụng liên tục từ điều tra, truy tố, xét xử nhưng chỉ buộc Tòa án bồi thường là không hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Tạo cũng cho rằng, qua thực tiễn thấy việc xin lỗi công khai, cải chính đã phát sinh nhiều bất cập gây bức xúc trong dư luận vì không mang tính chuyên nghiệp…

Từ những lập luận trên, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị, cần nghiên cứu giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường.

Thương lượng không phải cò kè thêm bớt với công dân

Bàn về nguyên tắc bồi thường, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đồng tình với quy định việc bồi thường thiệt hại tuân thủ nguyên tắc thiệt hại đến đâu bồi hường đến đó. Quan tâm đến nguyên tắc thương lượng trong quá trình bồi thường, đại biểu nêu quan điểm, việc thương lượng nếu có phải mang tính nhân văn, nghĩa là thương lượng để thúc đẩy quá trình bồi thường được nhanh hơn, có lợi cho nhân dân hơn chứ không phải mang thương lượng để nhằm giảm bớt nghĩa vụ bồi thường. Đại biểu thẳng thắn phát biểu: “Qua thực tiễn, việc thương lượng, giải quyết bồi thường với những người bị oan, bị thiệt hại tạo ra cảm giác cơ quan chức năng liên quan cứ cò kè thêm bớt với người dân, và người dân đã bị thiệt hại rõ ràng rồi nhưng cứ bị thương lượng nhằm giảm bớt các khoản bồi thường, cho đến khi người dân không theo đuổi được nữa thì buộc phải chấp nhận mức bồi thường mà cơ quan nhà nước đưa ra, như vậy là không công bằng, có thể là khoảng hở dễ bị lạm dụng trong quá trình bồi thường”. Từ đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị, cần có quy định, giải trình rõ hơn, cụ thể hơn về thời gian, trách nhiệm của bên thương lượng bồi thường cũng như của người được bồi thường trong quá trình bồi thường để đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước và công dân. 

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng nhận xét, về thương lượng bồi thường, thành phần tham gia còn thiên về cơ quan giải quyết bồi thường, bên yêu cầu bồi thường thiếu người đại diện như là luật sư và nhân viên pháp lý. “Tôi đề nghị bổ sung thêm về vấn đề này” – đại biểu nêu ý kiến.

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, thương lượng là nguyên tắc được áp dụng khi bồi thường và đây cũng là tiếp cận chung của các nước. Dự thảo luật thiết kế kỹ về thương lượng, từ thành phần đến địa điểm, nội dung, quy trình thương lượng. “Chúng tôi ý thức được rằng thương lượng là đảm bảo đi đến thống nhất, thoả thuận trước khi bồi thường chứ không phải cò kè thêm bớt với công dân” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

 Bộ trưởng cũng cho biết, việc quy định thành phần thương lượng dựa trên ý tưởng các cơ quan liên quan ngồi lại cùng lúc và thống nhất thực hiện luôn, góp phần đẩy nhanh thủ tục bồi thường. 

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN