Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho nghệ nhân Bahnar

Thứ Năm, 24/08/2023 14:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong thời gian 12 ngày (từ 21/8 – 1/9/2023), 20 học viên là nghệ nhân trẻ người Bahnar đến từ 6 huyện và thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai đã được tham gia lớp lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể. Đây là hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 Lễ khai mạc lớp tập huấn. (Ảnh: Hoàng Ngọc)

Các nghệ nhân Bahnar được Nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc Phạm Chí Khánh (Nhà hát Tuồng Việt Nam), nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền - Ban nghiên cứu nghệ thuật (Viện Văn hóa - Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) tập huấn một số nội dung về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là kỹ năng chỉnh chiêng, vai trò của thang âm cồng chiêng, nguyên lý của việc chỉnh âm, cấu tạo các loại cồng chiêng; thực hành kỹ thuật gò chỉnh cồng chiêng; nhận diện từng loại thang âm cồng chiêng…

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng, từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản độc đáo này. Trong đó, ngành văn hóa đã tổ chức kiểm kê số lượng cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức các liên hoan, lễ hội cồng chiêng từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Tỉnh Gia Lai 2 lần tổ chức Festival vào các năm 2009 và 2018; lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng và chỉnh chiêng giỏi của địa phương.

Hơn 10 năm qua, nhiều lớp tập huấn trình diễn cồng chiêng và chỉnh chiêng được tổ chức ở các cấp, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở việc cầm tay, chỉ việc, phụ thuộc vào kinh nghiệm của những nghệ nhân đi trước, do đó, lớp tập huấn lần này được tổ chức dưới sự hướng dẫn của các nhà nghiên cứu. Những kiến thức, kỹ năng được truyền đạt một cách có hệ thống sẽ giúp nghệ nhân Bahnar áp dụng, thực hiện tốt việc bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là có thể truyền dạy lại cho cộng đồng./.

Hoàng Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN