Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận khuyết điểm khi nông sản “được mùa mất giá”

Thứ Ba, 07/06/2022 17:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhận trách nhiệm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản, để xảy ra tình trạng "được mùa mất giá", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng phải tổ chức lại sản xuất, thông tin minh bạch thị trường.

Chiều 7 và sáng 8/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ trả lời chất vấn các nội dung gồm: công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản; giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn tại phiên họp chiều 7/6. Ảnh: ĐT 

Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, một lần nữa vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đưa vào nghị trường tại Kỳ họp thứ 3 và phiên chất vấn hôm nay (7/6). Ngay sau khi Hội nghị Trung ương V, khóa XIII vừa thảo luận chuyên đề về tam nông. 

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, về mặt vĩ mô, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xác lập con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn phía trước với những bước đi cụ thể, phù hợp trong từng giai đoạn, vấn đề còn lại là cách thức vận hành của cả hệ thống chính trị vì nông nghiệp có tính liên ngành cao, xuyên suốt, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Chính sách vĩ mô được hoạch định từ cấp trung ương nhưng tổ chức thực hiện lại bắt đầu từ cấp cơ sở. Điều đó cần đến sự phối hợp theo tư duy hệ thống và hành động hệ thống. Đó là yếu tố quyết định cho sự thành công.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Nguồn: vtvgo.vn) 

Giải pháp cho vấn đề về bình ổn giá vật tư nông nghiệp, ùn tắc nông sản, nạn phân bón giả

Đại biểu Chu Hồng Thái (Lạng Sơn) đặt câu hỏi chất vấn về vấn đề giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các loại vật tư nông nghiệp đầu vào tăng trong những năm qua, làm cho người nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lấy công làm lãi, thậm chí là thua lỗ. Đặc biệt từ khi dịch COVID-19 bùng phát, giá cả các loại hàng hóa càng tăng phi mã hả. Đại biểu cho rằng, đây rõ ràng là bài toán cấp thiết đối với ngành nông nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ các giải pháp trong thời gian tới để hỗ trợ, giúp người nông dân thích ứng và ứng phó với tình hình này?

Đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) cho biết, cử tri rất lo lắng về tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc, gây nên rất nhiều khó khăn, tốn kém rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến nền sản xuất nông nghiệp. Một trong những nguyên nhân là do chính sách nhập khẩu liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa nông sản phía Trung Quốc có nhiều thay đổi, đòi hỏi chất lượng nhập khẩu ngày càng cao hơn, yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn như các nước châu Âu và Hoa Kỳ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết cần có giải pháp gì để giúp người nông dân nâng cao chất lượng hàng nông sản, nâng cao giá trị nông sản và qua đó tăng cường xuất khẩu, xây dựng một nền xuất khẩu bền vững?

 Đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 7/6. Ảnh: ĐT 

Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho biết, thời gian qua người nông dân phải khổ sở gánh chịu nạn phân bón giả, kém chất lượng, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, tràn lan trên thị trường hiện nay?

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) chỉ rõ tình trạng nông nghiệp có phát triển nhưng đời sống của người nông dân chưa cao; tình trạng được mùa mất giá và những cuộc giải cứu nông sản chưa có hồi kết; giá vật tư đầu vào liên tục tăng cao, sản xuất phần lớn còn mang tính tự phát; tiêu thụ còn phụ thuộc và một số thị trường; cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề này?

Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết có những giải pháp để kiểm soát được giá cả vật tư nông nghiệp và định hướng cho các địa phương trong quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng công nghệ cao với giá cả đầu ra ổn định, giúp cho người nông dân được an tâm sản xuất?

Chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường. Chia sẻ với bà con nông dân cùng doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc; vấn đề vật tư phân bón, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp đều tăng cao trong bối cảnh thị trường đã bị đứt gãy…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã rất năng động, linh hoạt để góp phần làm nên kết quả xuất khẩu nông nghiệp, nông lâm, thủy sản trong năm 2021 đạt mức rất cao trong bối cảnh khó khăn. Về vấn đề giá nguyên liệu đầu vào, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vấn đề này liên quan tới thị trường, quản lý doanh nghiệp, vật tư đầu vào sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu…

Đứng ở góc độ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ cửa khẩu phía Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên. Nước ta làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn. Đây là vấn đề Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp nhằm nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp, để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương cũng đã có rất nhiều phiên họp, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng phân bón, các doanh nghiệp… liên quan đến lĩnh vực này cố gắng thuyết phục. Bộ trưởng cho biết, trong nền kinh tế thị trường không dễ mà áp đặt một mệnh lệnh hành chính. Trong hoàn cảnh này, các hiệp hội cũng đã có những can thiệp nhất định.

Giải pháp nào để phát triển mạnh mô hình nông nghiệp công nghệ cao?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nêu quan điểm, hiện nay mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, nông nghiệp du lịch sinh thái đang là xu hướng mới của nền nông nghiệp Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bất cập trong tích tụ, tập trung đất đai, tiếp cận nguồn vốn, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là quy hoạch vùng chuyên sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đại biểu này đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để phát triển mạnh mô hình này trong thời gian tới?

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng cho biết đến khi nào người dân mới có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp, đến bao giờ Việt Nam có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ của thế giới?

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 7/6. Ảnh: ĐT 

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng khoa học, công nghệ luôn được coi là giải pháp then chốt, đột phá về năng suất, chất lượng hàng nông sản và năng suất, hiệu quả lao động nông nghiệp. Điều này đòi hỏi phải giải quyết mối quan hệ giữa áp dụng khoa học công nghệ với nguồn nhân lực có chất lượng cao. Trong điều kiện nguồn nhân lực chính của nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu là người nông dân chưa qua đào tạo còn hạn chế về năng lực làm chủ cũng như tiếp cận ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, nhất là nông dân miền núi Tây Nguyên. Đại biểu hỏi Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Giải pháp giải quyết mối quan hệ trên.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho biết từ trước đến nay, tập quán sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác nông nghiệp chủ yếu tập trung ở miền Bắc và miền Trung. Bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long chưa hoặc ít chủ động sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Đại biểu đề nghị, với vai trò là Tư lệnh ngành, Bộ trưởng sẽ làm gì để giải pháp sử dụng phân bón hữu cơ được triển khai rộng và ứng dụng đạt hiệu quả trên những cánh đồng và thửa ruộng trong thời gian tới, trong đó có việc thay đổi tập quán canh tác của người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long?

Sử dụng phân bón tiết kiệm và hiệu quả, tăng sử dụng phân bón hữu cơ

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản. Nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang cao.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm. Đồng thời, cần nhấn mạnh vai trò tổ chức lại các ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp.

 Đối với nền nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp có thể không cần phải đầu tư và sở hữu nhiều đất, mà có thể tận dụng thế mạnh của nền kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngoài hướng tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp cao, vẫn có những phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng với từng điều kiện ở từng địa phương, kết hợp nguồn lực nhà nước với nguồn lực xã hội để cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn trong việc phát triển nông nghiệp sinh thái tạo ra giá trị xây dựng, chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững. Đó cũng là hướng tiếp cận, chiến lược mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang định hướng triển khai.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, khi nào 100 triệu dân Việt Nam được an toàn khi sử dụng thực phẩm là câu hỏi được lặp lại rất nhiều từ trước đến nay, có khi từ khóa XI.

Bộ trưởng Hoan không thoái thác trách nhiệm, nhưng cho rằng ngành nông nghiệp có tính liên ngành rất cao, có tính hệ thống trên dưới trong ngoài, vận hành theo kinh tế thị trường. Vì vậy, không thể bằng một mệnh lệnh hành chính là có thể thay đổi được.

Ngay cả sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng phải an toàn, được kiểm chứng bởi hệ thống phân phối. Đáng tiếc chúng ta chưa có hệ thống để đánh giá chất lượng nông sản, dẫn đến nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Vấn đề này có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ, nhưng bây giờ kiểm đếm lại vẫn là manh mún, dẫn đến hệ lụy rất nhiều. Nếu không tổ chức được ngành hàng sản xuất thì còn rủi ro, trong đó có vai trò địa phương. Bộ trưởng Hoan "tha thiết" mong muốn các địa phương cùng vào cuộc để xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao.

Giải pháp cho điểm nghẽn tình trạng tăng vật tư nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho biết,  tình trạng vật tư nông nghiệp tăng vào mùa vụ sản xuất, điệp khúc được mùa mất giá, người dân còn loay hoay trong việc tìm kiếm cây trồng, vật nuôi đáp ứng thị trường. Đại biểu nhấn mạnh, đây không phải là vấn đề mới và đã được chất vấn rất nhiều lần. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là điểm nghẽn của vấn đề này và bao giờ mới khắc phục được triệt để vấn đề này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về "điệp khúc được mùa mất giá" đến bao giờ khắc phục được? Bộ trưởng cho rằng, trong bối cảnh điều hành trong nền kinh tế thị trường, chiến lược thì từ trên xuống dưới, tổ chức thực hiện thì từ dưới lên trên do đó cần có sự phối hợp nhịp nhàng.

Bên cạnh công tác quản lý của Bộ thì rất cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Sự năng động của chính quyền địa phương thì sẽ giải quyết được vấn đề nhanh hay chậm.

Dẫn chứng câu chuyện nông sản của một số địa phương như cà rốt Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên, quả vải ở Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ khi các địa phương vào cuộc một cách chủ động, thậm chí lãnh đạo địa phương trực tiếp đi tiếp thị xúc tiến thương mại thì hình ảnh lãnh đạo địa phương cũng chính là thương hiệu của nông sản địa phương.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại câu nói của một lãnh đạo Hải Dương từng nói "đất đai Hải Dương manh mún nhưng tư duy của người Hải Dương không được manh mún". Nêu rõ bản chất nông nghiệp là rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, thị trường, khó định lượng, Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề là chúng ta dũng cảm, kiên trì cùng nhau đi và từ câu chuyện của Hải Dương hay của địa phương khác bắt đầu kích hoạt các địa phương còn lại.

Liên quan đến câu hỏi đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) về chế biến nông sản, Bộ trưởng cho biết, thực tế một số ngành của nước ta chế biến rất tốt gần như 100%, thậm chí không đủ nguyên liệu trong nước để chế biến như ngành thủy sản, chế biến gỗ, cao su. Lĩnh vực khó khăn nhất và rủi ro nhất trong chế biến nông sản là trái cây. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp tham gia và thành công. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thăm và khởi động nhà máy chế biến nông sản ở Sơn La, Gia Lai và một số địa phương. Bộ trưởng làm rõ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản thì chất lượng nông sản tốt và sản lượng nông sản ổn định. Do đó địa phương cần phải chủ động liên kết thu hút doanh nghiệp, tạo an tâm có đủ nguyên liệu sản xuất bởi doanh nghiệp sợ về đó mà nông dân không bán cho doanh nghiệp. Bộ trưởng cho rằng lãnh đạo địa phương cần phải sâu sát, ngồi với nông dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin thị trường trước.

Đừng quá háo hức với nông sản xuất khẩu giá cao

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Huệ (Sóc Trăng) việc nông sản Việt Nam được xuất khẩu và có mặt tại các kệ hàng trong các hệ thống siêu thị nước ngoài với giá cao, trong khi giá bán tại các chợ truyền thống và các hệ thống siêu thị trong nước vẫn ở mức thấp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để đưa một mặt hàng nông sản đến một kệ hàng của siêu thị tại nước ngoài thì chi phí logistic và chi phí thị trường chiếm tỉ trọng cao. Do đó nông dân chưa nên quá háo hức. Điều quan trọng là giá nông sản xuất khẩu cao như vậy có phân bổ lại được cho người nông dân hay không nếu so với bán nông sản nội địa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng, Bắc Giang xuất khẩu vải thiều qua Mỹ, nếu cân đối với giá xuất khẩu và giá bán tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì mới rõ bức tranh. "Có hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng nói với tôi, đất nước mình giàu rồi, tầng lớp trung lưu mình nhiều rồi, sẵn sàng mua nông sản giá cao. Vậy thì câu chuyện là thị trường 100 triệu dân Việt Nam nằm ở đâu. Vấn đề là phải tổ chức lại thị trường nông sản trong nước. Muốn xây dựng thương hiệu nông sản ở nước ngoài thì hãy xây dựng thương hiệu trong nước. Niềm tin tiêu dùng nông sản trong nước là bệ đỡ để xuất khẩu nông sản ra thế giới", Bộ trưởng Hoan nói.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đây là câu chuyện cân đối nông sản giữa thị trường trong nước và nước ngoài.

Đừng để hy vọng thành vô vọng

Tranh luận với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ chưa hài lòng khi Bộ trưởng nói khó có câu trả lời cho câu hỏi "khi nào, bao giờ" vì yếu tố thị trường biến động. Đại biểu Mai đồng ý có quy luật cung cầu, cạnh tranh, nhưng vai trò quản lý Nhà nước trong kinh tế thị trường gồm có kiến tạo, xây dựng, định hướng và dự báo. Như vậy không thể nói là khó xác định được kết quả và việc xác định kết quả đầu ra là quy luật tiên tiến, thông lệ quốc tế đang áp dụng.

"Bộ trưởng cũng nói vấn đề liên quan yếu tố liên ngành cũng khó xác định, tôi cho rằng có nhiều bộ, ngành nhưng Chính phủ là nhất thể và bộ máy điều hành là thống nhất. Tôi mong với câu hỏi khi nào, bao giờ có được câu trả lời, vì đó là hy vọng của người dân, không nên để hy vọng thành vô vọng", đại biểu Mai nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận, nếu ở vai trò đại biểu ông cũng kỳ vọng với Bộ trưởng như đại biểu Mai. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khi nói "khó xác định" không có nghĩa là ngành sẽ đứng yên mà trong cái khó phải tìm ra hướng đi. Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn chính là cách vận động theo xu thế đó, chủ động thích ứng thay đổi chứ không bị động.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp đang phải đứng trước ba "biến" gồm biến đổi khí hậu (không thể làm chủ được biến đổi khí hậu dù chủ động thích ứng); biến đổi thị trường (có thị trường mở ra nhưng cũng có thị trường đứng lại, vướng về cánh cửa hàng rào kỹ thuật, đứt gãy sau dịch bệnh); biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới (xu thế bây giờ không phải no mà phải ngon, sạch và đủ dinh dưỡng; sản phẩm tiêu dùng xanh). Ngành nông nghiệp cần có thời gian để nâng cao năng lực từ sản xuất tới doanh nghiệp, trách nhiệm quản lý của bộ chuyên ngành.

"Tôi rất chia sẻ với cảm xúc của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai. Tôi nói khó đưa ra câu trả lời có vẻ bản thân tôi chưa làm hết trách nhiệm của mình. Tôi sẽ nghiên cứu thêm để trả lời thêm đại biểu sau", Bộ trưởng Hoan nói./.

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN