Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bổ sung chức năng giám định tư pháp cho VKSNDTC?

Thứ Năm, 21/05/2020 19:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là nội dung nhận được nhiều ý kiến tranh luận từ các đại biểu Quốc hội.

Chiều 21/5, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều ngày 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.

Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định), hiện nay, yêu cầu giám định kỹ thuật hình sự ngày càng cao, quá tải. Bên cạnh đó, nghiên cứu về chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy đang thực hiện điều tra 38 tội danh xâm hại hoạt động tư pháp. Nếu trong tình hình này, nếu không có đơn vị giám định sẽ phát sinh những bất cập về thời hạn điều tra. Bên cạnh đó, các khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng vừa qua thường do các trưng cầu giám định là chính.

Đại biểu Nguyễn Văn Khánh (đoàn Đồng Nai) cũng đồng ý với quy định như trong dự thảo luật. Việc tăng cường nhiệm vụ sẽ giúp việc điều tra, truy tố, xét xử tốt hơn. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn và đề nghị làm rõ khi có một vụ việc giám định hình sự bằng hình ảnh, âm thanh có sự sai khác giữa hai kết quả của Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì lấy kết quả bên nào.

Nguồn: VTV 

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho rằng không nên bổ sung quy định nêu trên trong Dự thảo Luật. Bởi lẽ, đây là lĩnh vực kỹ thuật chuyên biệt, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao về kinh nghiệm, đặc biệt quá trình đào tạo một giám định viên kỹ thuật hình sự công lập đòi hỏi chuyên sâu.

Đại biểu nêu rõ, theo Luật Giám định tư pháp hiện hành, tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự đã bao gồm: Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an); Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an các địa phương; Phòng Kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng). Từ khi Luật Giám định tư pháp 2012 có hiệu lực, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã tiếp nhận 42 vụ trưng cầu giám định âm thanh, 18 vụ trưng cầu giám định kỹ thuật số điện tử, đáp ứng được yêu cầu về giám định và đặc biệt là sự kịp thời, nhanh chóng trong giám định.

Đại biểu cũng cho rằng, việc bổ sung quy định này, về yêu cầu thực tế, là chưa thực sự cần thiết.

Vẫn theo đại biểu, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quy định Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan chức năng thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp của Việt Nam, không thấy quy định chức năng nhiệm vụ về giám định tư pháp. “Hiện nay, nếu quy định chức năng, nhiệm vụ của phòng giám định tư pháp công lập thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao có xung đột với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hay không? Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp lại vừa trực tiếp thực hiện giám định thì liệu có đảm bảo sự khách quan, công minh trong vấn đề này hay không?” - đại biểu đặt câu hỏi.

Tranh luận với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cho rằng, câu chuyện ở đây không phải là quá tải mà chưa bao giờ yêu cầu phải tránh oan sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đòi hỏi cao như hiện nay.

Việc thiết kế cơ quan giám định, thẩm định thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao xuất phát từ yêu cầu này và được quy định từ khoản 7 Điều 165 Bộ Luật Tố tụng hình sự khi nói về mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với cơ quan điều tra. Theo đó, Viện kiểm sát trong quá trình kiểm sát hoạt động điều tra thì có quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Hoặc trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hoặc trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố.

“Tôi đặt giả sử là trong giám định âm thanh, kỹ thuật hình ảnh mà hiện chúng ta định giao cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao mà đã được chính cơ quan giám định của Bộ Công an đã giám định nhưng giờ phát hiện khả năng có vấn đề, nếu giờ lại giao chính lại cho giám định của Bộ Công an đó thì sẽ kết luận thế nào?”, đại biểu Nguyễn Mai Bộ đặt vấn đề.

Theo đại biểu, thực tiễn những người làm ở Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra cũng cho thấy, trong lịch sử tư pháp Việt Nam có vụ Tùng Dương ở cầu Chương Dương biết bao nhiêu lần giám định kết luận của giám định công an không ra được, đến khi giao cho giám định bên quân đội mới ra được vụ án. “Do đó, tôi cho rằng, ở đây là để thực hiện yêu cầu cao nhất của tố tụng và có căn cứ”, đại biểu nói.

Tranh luận lại về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) không đồng tình với quan điểm cho rằng để chống oan sai thành lập một phòng giám định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. 

“Từ trước tới nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có bao nhiêu yêu cầu về giám định mà các cơ quan giám định không làm đúng yêu cầu của Viện kiểm sát? Cái này rõ ràng không có. Hơn nữa, theo báo cáo của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, từ 2012 tới nay chỉ có 60 vụ việc giám định âm thanh, tiếng nói, trung bình 1 năm chỉ có 8 vụ” - Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu phân tích.

Đại biểu cũng lưu ý, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 39, Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy tổ chức, không thành lập cơ quan mới nếu không thực sự xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ QH sẽ lấy phiếu ý kiến ĐB trước khi biểu quyết thông qua Dự án Luật tại kỳ họp này./.

Kim Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN