Bờ sông Ba Rày (Tiền Giang) tiếp tục sạt lở nghiêm trọng
Tuyến sông Ba Rày chảy qua các huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy nối vùng Đồng Tháp Mười phía Bắc với sông Tiền phía Nam hiện là một trong những điểm nóng về sạt lở tại tỉnh Tiền Giang.
Hiện trạng sạt lở. Ảnh: Minh Trí |
Trong những ngày qua, mưa lũ và triều cường khiến bờ Đông sông Ba Rày qua địa bàn xã Hội Xuân (huyện Cai Lậy) lại bị sạt lở nghiêm trọng. Vào tối 7/10, một đoạn bờ sông dài gần 50 m bất ngờ sạt lở xuống sông, kéo theo một căn nhà ven sông bị nhấn chìm. Đoạn đường huyện 54B qua khu vực này bị cắt đứt hoàn toàn. Rất may là không có thiệt hại về người. Chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm và dựng chướng ngại, cấm mọi phương tiện và người qua lại nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân trong khi chờ khắc phục.
Trước đó, trong hai tháng 7 - 8/2022, bờ Tây sông Ba Rày thuộc địa bàn xã Cẩm Sơn tiếp giáp xã Hội Xuân cũng xảy ra hai vụ sạt lở nghiêm trọng chưa được khắc phục. Vụ thứ nhất vào rạng sáng 6/7, bờ sông Ba Rày đoạn qua khu vực ấp 1, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy bất ngờ sạt lở kéo theo một đoạn đường huyện 54C dài 25m bị sụp toàn bộ xuống sông. Giao thông qua đoạn đường này hơn ba tháng qua bị cắt đứt hoàn toàn, đến nay chưa khôi phục được. Đến ngày 15/8, bờ Tây sông Ba Rày, đoạn qua ấp 2, xã Cẩm Sơn cũng bị sạt lở nặng. Hiện trường cho thấy, toàn bộ nền hạ tuyến đường dài khoảng 30 m bị sạt xuống sông, chỉ còn trơ mặt đường bằng bê tông; địa phương đang xử lý chống tạm bằng cây gỗ bảo vệ mặt đường, ngăn sạt lở tiếp để chờ khắc phục. Vụ sạt lở còn khiến cổng ấp Văn hóa ấp 2, xã Cầm Sơn bị đổ xuống sông Ba Rày. Các vụ sạt lở nghiêm trọng này cũng không gây thiệt hại về người nhưng ảnh hưởng về cơ sở vật chất hạ tầng giao thông rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết, sạt lở hai bờ sông Ba Rày qua địa bàn xã Cẩm Sơn trong thời gian qua diễn biến phức tạp, khó lường và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo thống kê, hai bên bờ sông có hàng chục điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở lớn nhỏ. Do vậy, cần có sự hỗ trợ của tỉnh và huyện về phương án, kinh phí đầu tư và các giải pháp phù hợp, căn cơ để khắc phục hiệu quả bởi các điểm sạt lở rất phức tạp, đòi hỏi kinh phí xử lý lớn, vượt quá khả năng của cấp cơ sở.
Trước mắt, để bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân, UBND xã Cẩm Sơn đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xử lý những điểm sạt lở nhỏ, làm kè chống sạt lở, nuôi lục bình gây bồi, tạo bãi bồi nhằm chủ động ngăn ngừa sạt lở, giảm nhẹ thiên tai. Địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc tích cực trồng cây xanh chắn sóng, chắn gió; chung tay nuôi giữ lục bình ven sông hạn chế tác động của sóng gió, tạo thêm bãi bồi cũng như thực hiện các giải pháp hữu hiệu phòng, chống sạt lở, bảo vệ sản xuất và đời sống theo khuyến cáo của ngành chức năng.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang cho biết: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi, các ngành chức năng đang phối hợp cùng chính quyền các địa phương tiến hành khảo sát thực tế các điểm sạt lở nghiêm trọng mới xảy ra trên tuyến sông Ba Rày chảy qua địa bàn các xã Cẩm Sơn, Hội Xuân… Trên cơ sở đó, ngành chức năng sẽ khẩn trương lập dự án và triển khai thi công, khắc phục rốt ráo trong thời gian tới, bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản nhân dân, giảm nhẹ thiệt hại do ảnh hường mưa lũ và triều cường.
Hiện nay, mùa mưa lũ Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm nên cùng với khẩn trương đầu tư xử lý, khắc phục sạt lở, Ủy ban nhân dân tinh Tiền Giang yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nâng cao hơn nữa khả năng sẵn sàng ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời tôn cao, gia cố đê bao phòng, chống lũ lụt vá triều cường, bảo vệ tốt những vùng sản xuất chuyên canh cũng như đời sống nhân dân. Đặc biệt là chủ động ngăn ngừa sạt lở, kịp thời di dời dân ra khỏi những vùng nguy cơ sạt lở nguy hiểm hoặc mất an toàn cao...