Bố nạn nhân 23 năm kêu oan cho “hung thủ”!
(ĐCSVN) - “…Từ ngày bố đi trại đã 23 năm, gia đình tôi chưa bao giờ có một phút thanh thản, một đêm ngủ yên, các thành viên trong nhà ai cũng sầu não, đau đớn vô cùng trước sự oan khuất quá lớn bất ngờ ập đến. Nếu không được làm sáng tỏ, đây sẽ là nỗi oan truyền kiếp của gia đình tôi…” - Trần Thị Chi, con gái út của ông Trần Văn Vót - người đang thụ án 23 tù năm bởi một bản án có nhiều dấu hiệu oan sai cho biết.
Gia đình ông Trần Văn Vót trong buổi trao đổi với phóng viên.
(Từ phải qua trái: anh Trần Thế Phương (con trai ông Vót); bà Đỗ Thị Xưởng (vợ ông Vót); chị Trần Thị Chi (con gái út ông Vót).
Kí ức đầy nước mắt
Tâm sự với chúng tôi trong buồn rầu, chị Trần Thị Chi, sinh năm 1984 – con gái út của ông Trần Văn Vót cho biết: Lúc bị bắt đi (tháng 5/1993), bố tôi lúc đó 44 tuổi, chị gái 15 tuổi, anh trai 12 tuổi và tôi lúc đó mới 9 tuổi.
Lúc những người lạ về áp giải bố đi, trên đường bố liên tục nói “Các ông bắt nhầm người rồi”, tuy nhiên người ta vẫn lạnh lùng thúc bố đi, 4 mẹ con chúng tôi chỉ biết co cụm ôm nhau, giàn giụa nước mắt trong bất lực. Hàng đêm, mẹ tôi nằm khóc rưng rức trong buồng, lúc đó bà mới 36 tuổi, 3 chị em thương mẹ vô cùng, bởi bao nhiêu khó khăn đang chờ mẹ phải gánh vác phía trước. Chúng tôi lúc đó còn quá nhỏ để hiểu được chuyện gì đang xảy ra với gia đình mình. Kí ức về những tháng ngày mấy mẹ con đạp xe tiếp tế đồ ăn cho bố ở trại giam Nam Hà ở thị trấn Ba Sao, có lẽ là kí ức không bao giờ quên với gia đình tôi…
Tôi không bao giờ quên những lần mẹ tằn tiện được mấy đồng, dồn mua cho bố 1, 2 lạng thịt rồi rang lên đưa vào trại cho bố. Còn ít nước dấu thịt ở nồi, mẹ lại đem trộn cơm rồi chia cho chị em chúng tôi ăn, đó là những miếng cơm thấm đậm nước mắt.
Việc bố bị đi tù không chỉ làm phương hại, tổn thất tinh thần cho gia đình tôi, khiến người vợ và 3 đứa con thơ mất đi trụ cột, mà còn gây bao khó khăn, rắc rối và những thiệt thòi cho anh chị em chúng tôi trong quá trình học tập, công tác. Đi đâu chị em chúng tôi cũng bị ám ảnh bởi những mặc cảm khi bố mình tù tội, đi học, đi chơi với bạn bè bản thân tôi lúc nào cũng có một tâm trạng u buồn.
Tuy vậy, cả nhà tôi đều tin tưởng tuyệt đối rằng, bố vô tội! Cho đến bây giờ, bố tôi vẫn khẳng định mình không có tội gì cả. Bố tôi không giết người, không chống lại chính sách về ruộng đất của Nhà nước, không gây rối trật tự công cộng và không tàng trữ vũ khí trái phép. Ngay từ khi bị triệu tập lên UBND xã Phú Phúc rồi bị bắt đưa về công an huyện, bố tôi vẫn khẳng định rằng: "Các ông bắt nhầm người rồi. Cái thằng giết người đích thực ấy, nó đang ở ngoài sờ sờ ra đấy. Rất nhiều nhân chứng đã nhìn thấy nó ném quả lựu đạn. Còn tôi, tôi là một đảng viên, một bí thư chi bộ, một cựu chiến binh với 18 năm quân ngũ, tôi chỉ giết giặc ở chiến trường chứ không giết người vô tội ở quê hương mình, tôi cũng không phạm bất cứ một tội gì hết”. Nhưng không một ai nghe bố tôi hết. Bố tôi còn kể rằng hồi còn bị tạm giam, một hôm kiểm sát viên của VKSND tỉnh đến phúc cung. Thấy bố tôi vẫn kiên quyết không nhận tội, ông ta đe: “Nếu anh không nhận tội thì sẽ cho anh vào băng tuyệt diệt (ý nói tội tử hình)”. Nhưng bố tôi vẫn không nao núng. Cho đến hai lần ra tòa, bố tôi vẫn kiên quyết không nhận tội. Luật sư cũng đưa ra rất nhiều chứng cứ để chứng minh bố tôi bị oan. Nhưng đều bị tòa bác bỏ. Bố tôi vẫn bị tuyên án rồi bị đưa vào trại giam. Và từ đó đến nay, bố tôi vẫn không nhận bất cứ một tội gì, không ký bất cứ một thứ giấy tờ nào. Cách đây 10 năm, có một nhà báo tỉnh đến viết bài phản ánh về trại giam, đã gặp bố tôi, và bảo : "Sự tình đã đến thế, tại sao anh không nhận tội đi, để được xem xét giảm án. Nếu cứ thế này, thì sẽ chẳng bao giờ anh được giảm án cả”. Bố tôi đã trả lời: “Tôi thà ngồi tù oan suốt đời, chứ không thể nhận những tội mà tôi không làm. Bởi như thế, thì dù có được về, lương tâm tôi cũng bị dầy vò, cắn rứt. Và khiến cho kẻ giết người đích thực yên tâm sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”. Chính vì thế mà bố tôi không được giảm án - Chị Trần Thị Chi cho biết.
Cũng như chị Chi, khi kể về bố mình anh Trần Thế Phương, sinh năm 1980 con thứ hai của ông Vót cũng không khỏi tự hào vì tính tình cương trực, thẳng thắn của bố. “… ông là người đã có 18 năm trong quân ngũ, được tặng Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì; Huân chương chống Mỹ do Nhà nước Lào trao tặng. Khi rời quân ngũ, ông là bệnh binh mất 71% sức khỏe”.
Anh Phương kể tiếp: Thời chị em tôi đi học, mặc dù bố tôi là bệnh binh mất 71% sức khỏe, nhưng chị em chúng tôi không được hưởng bất cứ chế độ miễn giảm học phí nào. Bố đi tù, đồng nghĩa là mất tất cả, hiện tại, tương lai. Vì lẽ đó, chị cả tôi là Phạm Thị Nhân (SN 1978) cũng chỉ được học hết lớp 6, tôi cũng chỉ học hết lớp 9 phải bỏ học giữa chừng…tất cả còn lại bù đắp cho em gái út là Trần Thị Chi, nó học hết cấp 3, đi học cao đẳng về làm cô giáo. Đó là niềm hãnh diện duy nhất an ủi cho cả gia đình tôi trong suốt nhiều năm qua.
Bình thường nếu theo chế độ, thì em tôi được miễn giảm học phí, nhưng rất nhiều lần tôi đưa nó ra chính quyền địa phương xin giấy tờ xác nhận, đều nhận lại sự thờ ơ, vô cảm…tất cả vì bố tôi vướng vòng lao lý.
Trong lúc tâm sự về bố, mặc dù là người đàn ông nhưng anh Trần Thế Phương cũng không kìm được nước mắt, bởi anh từng trải qua một tuổi thơ nhọc nhằn, nó thực sự là những kí ức dữ dội khi bố anh bị bắt anh chỉ mới là đứa trẻ 12 tuổi.
Là con trai duy nhất trong nhà, anh Phương thấm thía hơn cả cảnh thiếu vắng sự gánh vác của người cha như thế nào. “ Học hết lớp 9, tôi phải nghỉ học phụ giúp gia đình. Tôi nhớ mãi ký ức khi mình còn quá còi cọc ở tuổi 15 so với bạn cùng trang lứa, nhưng đã phải lao ra ruộng tập vực cày, bừa để cày ruộng thuê kiếm thóc phụ mẹ tiếp tế cho bố và nuôi em ăn học. Cả những lần chết đuối hụt khi cậu bé Phương lọ mọ ra ven sông mò cua bắt ốc.
“Phương nó là thằng thông minh, ngày bé học rất giỏi, khi hết lớp 9 tôi đau thắt lòng khi phải buộc nó bỏ học, khi đó nó đã quỳ gối van xin tôi cho nó được đi học như chúng bạn, nhưng hoàn cảnh không cho phép, vì mình tôi không thể cáng đáng nổi. Giờ tôi vẫn luôn ân hận vì điều đó, vì tôi không cho nó ăn học đến nơi đến chốn mà đời nó khổ” – Bà Đỗ Thị Xưởng (SN 1956) vợ ông Trần Văn Vót nói trong nước mắt.
Một gia đình như ông Vót lẽ ra êm ấm như bao gia đình khác, bởi có bố, có mẹ, ông cặm cụi ruộng vườn, cùng những đồng trợ cấp ít ỏi nhưng hẳn sẽ giúp được rất nhiều cho con cái học hành để thay đổi tương lai. Tuy nhiên, chỉ vì một tai ương trên trời ụp xuống làm vụt tắt tất cả.
Cụ bà Trần Thị Vấn 90 tuổi (bên phải) mẹ đẻ của ông Trần Văn Vót
Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, với thân hình khắc khổ, cụ Trần Thị Vấn, 90 tuổi mẹ ông Vót cố gạn những giọt nước mắt hiếm hoi khi nói về thằng con trai bị oan khuất của mình. “Bố nó (cụ đẻ ra ông Vót) chỉ đau đáu ngày nó ra tù, để được gặp lại con một lần rồi ra đi cũng yên lòng, bởi cụ biết con mình bị người ta hàm oan tày trời. Nhưng cụ đã không đợi nổi do tuổi già và sức yếu, khi ra đi cụ vẫn đau đáu một niềm đau đớn, thương xót cho con, cụ đem theo nỗi đau cùng sự tủi nhục về thế giới bên kia…”. “Qua cơ quan báo, các bác giúp con tôi với, nó bị oan uổng quá các bác ạ, nó đi tù oan đã 23 năm rồi, đã mất cả đời người rồi, mất tất cả tuổi trẻ rồi, tôi chỉ mong nó về từng ngày, từng giờ, và suốt 23 năm qua không đêm nào tôi ngủ được, ở trong tù nó thương tôi một, ở ngoài tôi thương xót nó mười” – Cụ Vấn giãi bày.
Trở lại với tâm sự của con trai ông Vót, anh Trần Thế Phương, vì gia đình quá khổ, lớn lên anh đã bôn ba làm ăn từ Nam ra Bắc suốt 14 năm, mãi đến năm 2013 anh mới về với gia đình. Chỉ vì chờ cái khoảnh khắc bố đẻ đứng ra dựng vợ cho con trai, anh đã gắng đợi, đợi mãi….đến năm 36 tuổi anh mới chịu cưới vợ. Những niềm ao ước tưởng chừng rất đỗi bình thường ấy đã trở nên quá xa vời với anh. Bởi bố anh mắc án chung thân thì biết khi nào mãn hạn.
Và trong nỗi oan khuất này, có lẽ đau khổ nhất là bà Đỗ Thị Xưởng, vợ ông Vót. Bà Xưởng xót xa: “Khi mới bị bắt đi, chồng tôi tràn đầy sức sống, rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh, thuộc típ người gọi là “ăn không biết no, làm không biết mệt”. Nhưng rồi trong suốt 23 năm từ đó đến nay, ngục tù đã tàn phá sức khỏe của chồng tôi một cách ghê gớm. Hiện tại, chồng tôi là một ông già lọm khọm, mắt mờ, chân chậm, đi liêu xiêu không vững, tai trái bị điếc, da tái mét, chân tay run rẩy, không ăn uống gì được. Cách đây 3 năm, chồng tôi bị lao, đã được chữa trị, nhưng nay lại tái phát, và bệnh tình lần này trầm trọng hơn, phải nằm ở trạm xá liên tục, rất hay bị ngất. Tuy ban Giám thị của trại đã miễn việc lao động cho chồng tôi, và chồng tôi cũng được các bác sỹ ở trạm xá của trại giam tận tình điều trị, nhưng bệnh vẫn không chuyển. Nếu cứ đà này, thì chồng tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa. Thử hỏi trên đời này, có ai gặp cảnh oan trái, đau xót như nhà tôi không” – Bà Xưởng òa khóc nức nở.
Ngay từ khi tai ương ập đến, bà Xưởng cùng các con luôn sắt son một niềm tin là chồng, cha mình vô tội, bà lấy lại bình tĩnh cho biết thêm: “Dù có 3 mặt con nhưng thời gian vợ chồng tôi sống với nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay, gần 20 năm ông ấy trong quân ngũ khi vừa về nhà chưa được bao lâu thì đã phải vướng vòng lao lý. Một nách nuôi ba con, làm lụng tiếp tế cho chồng, chăm nom bố mẹ chồng già yếu, bao gian nan đè lên đôi vai nhưng chưa lúc nào tôi thôi nung nấu ý định đi kêu oan cho chồng, tôi đã đi gõ cửa khắp các cơ quan công quyền suốt 23 năm qua để đòi lại sự danh dự cho chồng và gia đình tôi”.
Những hy vọng lóe sáng nơi cuối đường hầm
Nói về nguyện vọng của gia đình, chị Trần Thị Chi, con gái ông Trần Văn Vót cho biết: Từ năm 2015 đến nay, đã có hàng chục bài báo và chương trình truyền hình nói về vụ án này. Dấu hiệu oan sai đã quá rõ. Rất nhiều nhân chứng có mặt tại nơi xảy ra vụ án ngày 29/11/1992, đều khẳng định rằng họ đã nhìn rõ kẻ ném trái lựu đạn từ phía người làng Thanh Nga về phía người làng Nhân Phúc và là một người khác, chứ không phải bố tôi đưa trái lựu đạn cho chú Trần Ngọc Thanh để chú Thanh ném. Cả bố tôi và chú Thanh đều có chứng cứ ngoại phạm lúc vụ án xảy ra. Nhiều nhân chứng khác nữa thì tố cáo rằng họ bị các điều tra viên triệu tập lên cơ quan điều tra, và dùng nhục hình để ép cung, nên họ bắt buộc phải khai là có nhìn thấy bố tôi và chú Thanh có mặt ở nơi xảy ra vụ án... Đến nay, đã có 3 vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước và Chính phủ quan tâm, có văn bản chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền như Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xem xét lại vụ án.
Mới đây nhất, khi trao đổi với báo chí tại hành lang Quốc hội chiều 28/7/2016, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay: TAND Tối cao đã nhận được đơn của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các luật sư và gia đình bị cáo Vót. Hiện nay một đoàn công tác liên ngành đã được thành lập, bao gồm cả các cơ quan ở trung ương và địa phương. Sáu tháng qua, vụ án đã được thẩm tra, đánh giá lại toàn diện. Sẽ còn một cuộc họp nữa để đánh giá.“Khi có kết luận cuối cùng, TAND Tối cao sẽ chủ động thông tin cho công luận”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
Công văn số 6948 ngày 25/7/2016 của Bộ Quốc phòng gửi VKSND Tối cao và TAND Tối cao đề nghị kháng nghị Tái thẩm và xem xét xóa tội giết người liên quan bị án Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh theo thẩm quyền.
Kiến nghị của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) gửi chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao ngày 27/7/2016, đề nghị xem xét lại vụ án để minh oan cho ông Trần Văn Vót.
Trong kiến nghị gửi chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao ngày 27/7/2016, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) yêu cầu hai cơ quan này xem xét lại vụ án để minh oan cho ông Trần Văn Vót (nếu ông thật sự bị oan). Bà Khánh cũng đề nghị cơ quan tố tụng xem xét tha tù trước thời hạn cho ông Vót để ông sớm về nhà phụng dưỡng mẹ già, đồng thời để ông chữa bệnh nặng tai và lao kháng thuốc. Bởi tính đến nay, ông Vót đã ngồi tù được 23 năm và không còn nguy hiểm cho xã hội...
Ngày 25/7/2016, Bộ Quốc phòng đã Công văn số 6948 gửi VKSND Tối cao và TAND Tối cao đề nghị kháng nghị Tái thẩm và xem xét xóa tôi giết người liên quan bị án Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh theo thẩm quyền.
Trước đó, tại văn bản số 2774/VPCP-VI ngày 23/4/2016 của Văn phòng Chính phủ, do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ ký, gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, thông báo ý kiến của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu 3 ngành xem xét lại vụ án. Văn bản trên có yêu cầu rất cụ thể là “nếu có oan sai thì phải giám đốc thẩm vụ án để giải oan cho người vô tội”.
Nguyện vọng thiết tha nhất của gia đình tôi hiện nay là: Mong các cơ quan trên khẩn trương xem xét lại vụ án theo chỉ đạo của các vị lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, để bố tôi có thể nhìn thấy ánh sáng của công lý. Nếu chậm trễ, bố tôi bị bệnh lao quật ngã, thì bố tôi sẽ phải mang theo nỗi oan này xuống mồ.
Đó cũng là trăn trở của xã hội, của tác giả bài viết. Và chúng ta đang chờ đợi một cái kết có hậu cho một bản án đầy oan khuất suốt 23 năm trời./.