Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thi tốt nghiệp THPT 4 môn

Thứ Ba, 14/11/2023 20:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thi tốt nghiệp THPT 4 môn; Sạt lở bờ sông Vu Gia (Quảng Nam), nguy cơ cô lập gần 200 hộ dân; Tai nạn liên hoàn trên Quốc lộ 6, giao thông ùn tắc 4km; Ấn Độ huy động máy móc hạng nặng giải cứu công nhân vụ sập đường hầm… là một số tin đáng chú ý hôm nay (14/11).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thi tốt nghiệp THPT 4 môn

Tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực diễn ra vào ngày 14/11, Bộ GD&ĐT đã đề xuất thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo phương án 2+2, tức là thi 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn học còn lại trong chương trình lớp 12.

Ảnh minh họa: cand.com.vn 

Nêu lý do lựa chọn phương án thi 2+2, Bộ GD&ĐT cho biết: Với phương án này, các thí sinh sẽ chỉ còn thi 4 môn (hiện nay đang thi 6 môn). Điều này nhằm hướng tới việc đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH của Quốc hội với mục tiêu “đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.

Việc giảm từ 6 môn thi tốt nghiệp THPT như hiện nay xuống còn 4 môn không gây ra sự mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội và khoa học tự nhiên như hiện nay; tạo điều kiện giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến xã hội về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo dự thảo được công bố, về số môn thi, có 2 phương án lựa chọn là 4+2 (4 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn) và 3+2 (3 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn).

Bộ GD&ĐT cho rằng, các phương án lựa chọn đều có ưu, nhược điểm riêng nhưng hiện nhiều địa phương lựa chọn phương án 2+2 là phương án sẽ giảm áp lực thi cử cho thí sinh, giảm chi phí cho gia đình và cả xã hội…

Sạt lở bờ sông Vu Gia (Quảng Nam), nguy cơ cô lập gần 200 hộ dân

Mưa lớn kéo dài 2 ngày qua gây sạt lở gần 100m bờ sông Vu Gia, đoạn qua thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, gần 200 hộ dân tại đây có nguy cơ bị cô lập.

 Người dân cẩn thận chèn chống, gia cố tuyến kè tạm (Ảnh: VOV) 

Trước tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, ngày 14/11, chính quyền và người dân địa phương đã và đang tập trung khắc phục. Tình trạng sạt lở tại khu vực này diễn biến phức tạp từ năm ngoái, địa phương đã làm kè chống sạt lở nhưng mùa mưa này sạt lở tiếp tục gia tăng.

Theo ông Phan Phước Mơ, Chủ tịch UBND xã Đại Cường, nước lũ dâng cao, ăn sâu vào đất liền hơn 1m, có nơi tạo nên “hàm ếch” sâu hơn 2m, nguy cơ sạt lở rất nguy hiểm. "Trước hết, chúng tôi sử dụng phương pháp đóng cây tre, dùng bao tải bỏ cát chèn chống sâu vào các “hàm ếch” của cả đoạn bờ sông. Nếu con đường này sạt lở thì giao thông bị chia cắt hoàn toàn, vì đây là con đường độc đạo, 200 hộ dân khu vực này sẽ bị cô lập hoàn toàn”, ông Phan Phước Mơ nói.

Lãnh đạo huyện Đại Lộc đã tổ chức đoàn khảo sát, đưa ra phương án khắc phục tạm thời bằng đóng cọc tre, bao tải cát để giữ chân mái taluy.

Ông Nguyễn Hảo, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, đây chỉ là phương án tạm thời để hạn chế ảnh hưởng của sạt lở trong mùa mưa bão: "Chúng tôi triển khai phương châm 4 tại chỗ, đồng thời huy động lực lượng đóng cọc tre, dùng bao tải cát chèn chống để xử lý tạm thời trong thời điểm mưa lũ này. Về lâu dài, chúng tôi sẽ xây dựng phương án căn cơ hơn, nếu việc xây dựng kè vượt khả năng ngân sách của huyện, chúng tôi sẽ báo cáo lên UBND tỉnh Quảng Nam".

Tai nạn liên hoàn trên Quốc lộ 6, giao thông ùn tắc 4km

Theo thông tin ban đầu, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 9 giờ 30 ngày 14/11, tại Km 79+100 Quốc lộ 6 đoạn qua địa phận TP Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình.

Vụ tai nạn trên Quốc lộ 6 đoạn qua tỉnh Hòa Bình khiến giao thông bị ùn tắc cục bộ, hàng trăm phương tiện nối nhau kéo dài đến 4km (Ảnh: plo.vn) 

Vào thời điểm trên, ô tô BKS 15C-135.40 kéo theo sơmi rơ-mooc BKS 15R-012.80 do anh VĐT (trú tại Hải Phòng) điều khiển đi hướng Sơn La - Hà Nội đã xảy ra va chạm với xe BKS 28A-003.40 do ông PVN (trú tại TP Hòa Bình) điều khiển đi phía trước cùng chiều.

Sau đó, ô tô BKS 28A- 003.40 lao vào lề đường phải, hướng Sơn La - Hà Nội và đâm va vào mô tô biển số 28B1-104.27 đang dựng ở lề đường do anh HVC (trú tại huyện Kim Bôi, Hòa Bình) là chủ phương tiện.

Còn ô tô 15C-135.40 tiếp tục lao về phía trước và đâm va vào một ô tô khác mang BKS 15A-497.83 do anh QTN (trú tại Sơn La) điều khiển.

Chưa dừng lại, chiếc xe này còn tông tiếp vào xe máy biển số 28B1-301.37 do chị BTN (huyện Kim Bôi, Hòa Bình) điều khiển, khiến chị này bị thương phải đi cấp cứu.

Vụ tai nạn cũng khiến giao thông bị ùn tắc cục bộ. Các phương tiện chỉ có thể di chuyển từng chút một. Hàng trăm phương tiện chờ di chuyển qua đoạn đường này, nối nhau kéo dài đến hơn 4 km.

Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để điều tiết giao thông, xác minh thương vong, thiệt hại và làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Ấn Độ huy động máy móc hạng nặng giải cứu công nhân vụ sập đường hầm

Ngày 14/11, máy móc hạng nặng đã tiến hành khoan để cố định một ống thép rộng nhằm tạo lối thoát hiểm cho 40 công nhân mắc kẹt trong vụ sập công trình xây dựng đường hầm cao tốc cách đây xảy ra sáng sớm ngày 12/11, tại bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn Độ.    

 Máy móc được huy động để giải cứu những công nhân bị mắc kẹt trong vụ sập đường hầm ở Uttarkashi, bang Uttarakhand, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quan chức ứng phó thảm họa Devendra Singh Patwal xác nhận cơ quan chức năng đã cung cấp thực phẩm, nước và oxy cho những người mắc kẹt, đồng thời duy trì liên lạc với tất cả họ. Trong 2 ngày qua, các máy xúc vẫn tiếp tục loại bỏ đất đá và chờ chuyển một ống thép rộng xuống miệng hố đã được đào, từ đó tạo lối thoát an toàn cho các công nhân mắc kẹt. Theo ông Singh Patwa, khó có thể ước lượng thời gian cần để đưa được các công nhân ra ngoài. Ông cho biết thêm, một nhóm chuyên gia địa chất đã tới hiện trường để đánh giá nguyên nhân xảy ra vụ việc.   

Theo hãng tin AFP (Pháp), hơn 100 nhân viên cứu hộ vẫn nỗ lực không ngừng để giải cứu các công nhân mắc kẹt.

Ông Ranjit Kumar Sinha, một quan chức ứng phó thảm họa cấp cao khác cho biết, hiện có đủ nguồn cung oxy trong trường hợp các công nhân mắc kẹt từ 5 - 6 ngày. Tuy nhiên, ông bày tỏ hy vọng họ có thể được giải cứu trong ngày 15/11. 

Báo Indian Express dẫn lời một công nhân may mắn thoát ra ngoài cho biết, có khoảng 50 - 60 công nhân bên trong đường hầm. Khoảng 10 - 20 người trong số họ đang trên đường ra khỏi đó sau khi tan ca. Do vậy, khi hầm sập, họ đã ở gần lối ra hơn. Những người còn lại mắc kẹt sâu phía sau đống đất đá. 

Vụ sập đường hầm tại bang Uttarakhand xảy ra vào sáng sớm ngày 12/11. Đường hầm dài 4,5km đang được xây dựng giữa Silkyara và Dandalgaon để kết nối hai ngôi đền Hindu linh thiêng nhất là Uttarkashi và Yamunotri. Thời điểm khởi công công trình vào năm 2018 và ban đầu dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2022. Tuy nhiên, thời điểm hoàn thành công trình này đã bị lùi lại đến tháng 5/2024. Những bức ảnh do đội cứu hộ Chính phủ công bố sau vụ sập đường hầm cho thấy, các khối bê tông khổng lồ chặn ngang đường hầm rộng, với những thanh kim loại xoắn trên trần bị vỡ nhô ra phía trước đống đổ nát. Khu vực Uttarakhand thường xuyên xảy ra các vụ lở đất, động đất và lũ lụt. Tai nạn mới nhất xảy ra sau các đợt sụt lún ở bang này. Các nhà địa chất học, các quan chức và người dân cho rằng nguyên nhân gây sụt lún là do tốc độ xây dựng quá nhanh tại các vùng núi./.

PV (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN