Bộ GD&ĐT giải trình Chương trình giáo dục phổ thông mới
(ĐCSVN) - Trong thời gian chưa thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới, Bộ GD&ĐT tập trung hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó tạo thuận lợi cho học sinh và giáo viên khi chuyển sang thực hiện chương trình, SGK mới.
Đã hoàn thành việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới
Theo giải trình của Bộ GD&ĐT, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội; Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), gồm Chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Bộ GDĐT đang hoàn thiện để ban hành Thông tư ban hành Chương trình GDPT mới theo trình tự, thủ tục pháp luật đã quy định trong tháng 10/2018.
Chương trình GDPT mới đã bám sát yêu cầu của Nghị quyết số 88/2014/QH13: “Chuyển nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.
Chương trình xác định đúng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học, từ đó lựa chọn nội dung dạy học thiết thực; đồng thời hướng dẫn giáo viên thực hiện phương pháp tổ chức hoạt động để học sinh tự mình khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức. Nếu như chương trình hiện hành cũng như các chương trình trước đây trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh biết được những gì?”, thì chương trình GDPT mới trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”.
Chương trình GDPT mới được thiết kế theo định hướng “tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên” đã nêu trong Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Quyết định 404/QĐ-TTg. Giáo dục tích hợp giúp học sinh đẩy nhanh quá trình huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng để trưởng thành.
Cùng với tích hợp, Chương trình GDPT mới thực hiện giáo dục phân hóa - cá thể hóa, đặc biệt là đối với cấp THPT (giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp). Học sinh được chọn những nội dung học tập mà các em yêu thích, qua đó tự phát hiện năng lực của mình để rèn luyện và trưởng thành.
Ảnh minh hoạ.Nguồn: VA
Chương trình GDPT đã giảm tải số môn học, giảm số giờ học
Chương trình GDPT mới đã giảm tải so với chương trình hiện hành, thể hiện ở các điểm sau: giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên chủ động, sáng tạo lựa chọn phương pháp phù hợp để tổ chức dạy học, đánh giá học sinh.
Cụ thể, ở tiểu học: Chương trình mới có 7 môn học ở lớp 1 và lớp 2; 9 môn học ở lớp 3; 10 môn học ở lớp 4 và lớp 5. Chương trình hiện hành có 10 môn học lớp 1, lớp 2 và lớp 3; 11 môn học ở lớp 4 và lớp 5. Ở THCS, theo chương trình mới, các lớp đều có 12 môn học. Theo chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học. Ở THPT, theo chương trình mới, các lớp đều có 13 môn học. Theo chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.
Theo chương trình hiện hành, học sinh học 2.353 giờ. Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học. Chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học. Ở THCS, học sinh học 3.070 giờ; giảm 54 giờ so với chương trình hiện hành. Ở THPT, học sinh học 2.284 giờ; giảm 262 giờ so với chương trình Ban cơ bản hiện hành; giảm 315 giờ so với chương trình Ban A, Ban C hiện hành.
Ngoài ra, Chương trình GDPT mới cũng tăng nội dung dạy đạo đức và kỹ năng sống (dạy làm người) cho HS để đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước, ý thức công dân toàn cầu; khuyến khích sáng tạo và phát triển năng lực của học sinh và giáo viên.
Cùng với việc xây dựng Chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và tích cực triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; xây dựng và ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng cơ sở GDPT; biên soạn tài liệu bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện chương trình GDPT mới; tích cực phối hợp với các địa phương rà soát, chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện thành công chương trình.
Đảm bảo đầy đủ điều kiện khi triển khai chương trình, SGK mới
Đề cập đến tồn tại và nguyên nhân, Bộ GD&ĐT lý giải, việc ban hành chương trình GDPT mới phải gia hạn theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 về việc điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, SGK GDPT mới. Nguyên nhân là do việc xây dựng chương trình GDPT mới đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, lấy ý kiến, tuyên truyền rộng rãi trong xã hội. Quá trình dự thảo chương trình GDPT mới và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nảy sinh những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều nên cần thêm thời gian để lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội. Việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất) cần có thời gian, nguồn lực và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các địa phương.
Trong thời gian tới, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức biên soạn một bộ SGK đủ các môn học ở các lớp học bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng các tiêu chuẩn SGK quy định; tổ chức thẩm định SGK (gồm bộ SGK do Bộ GDĐT chỉ đạo việc tổ chức biên soạn và các SGK khác do tổ chức, cá nhân biên soạn); phê duyệt, cho phép sử dụng SGK dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn, sử dụng SGK để dạy học theo chương trình GDPT mới; hướng dẫn biên soạn tài liệu nội dung giáo dục của địa phương.
Xây dựng và triển khai hệ thống đào tạo, bồi dưỡng giáo viên qua mạng và trực tiếp trên phạm vi cả nước bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình thực hiện chương trình, SGK mới; xây dựng, ban hành quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm; thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm đảm bảo yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng; đẩy mạnh kiểm định chất lượng các trường sư phạm.
Tổ chức rà soát, điều chỉnh các chuẩn, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất trường lớp học phù hợp với Chương trình GDPT mới, điều kiện của địa phương; hướng dẫn các địa phương tiếp tục rà soát và xây dựng phương án phù hợp để từng bước khắc phục khó khăn, tăng cường cơ sở vật chất theo lộ trình đổi mới chương trình GDPT; ban hành danh mục thiết bị giáo dục tối thiểu theo Chương trình GDPT mới và hướng dẫn các địa phương mua sắm thiết bị theo lộ trình thực hiện chương trình mới, mua sắm bàn ghế phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi trong xã hội về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Sau khi ban hành Chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về lộ trình áp dụng trong thời gian Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội. Song song với việc đó, đồng thời đảm bảo chất lượng chương trình, SGK mới cùng với việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện nhằm đảm bảo sự thành công khi triển khai áp dụng.
Trong thời gian chưa thực hiện chương trình, SGK mới trên phạm vi toàn quốc, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở GDPT thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học Chương trình GDPT hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý quá trình giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó tạo thuận lợi cho học sinh và giáo viên khi chuyển sang thực hiện chương trình, SGK mới./.