Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bộ GD&ĐT họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính và Ban chỉ đạo chuyển đổi số

Thứ Sáu, 07/04/2023 10:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Hiện nay, cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non - phổ thông đã thu thập thông tin của 100% trường học (gần 54,000 trường), bao gồm: 1,6 triệu hồ sơ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; 24 triệu hồ sơ cá nhân, kết quả học tập, thông tin thể chất của học sinh; kết nối, liên thông dữ liệu với hơn 17.083 trường học.

Chiều 6/4, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì phiên họp thường kỳ Ban chỉ đạo cải cách hành chính và Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT.

Trong quý I năm 2023, các đơn vị chủ trì các lĩnh vực thuộc công tác cải cách hành chính của Bộ GD&ĐT đã chủ động triển khai và hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, đã tham mưu, trình lãnh đạo Bộ ban hành các chương trình, kế hoạch công tác và tổ chức triển khai nhiệm vụ năm 2023 tại Bộ GD&ĐT trên cơ sở bám sát các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai năm 2023 của ngành, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Rà soát và hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ GD&ĐT; đồng thời thực hiện việc công bố, công khai để các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức triển khai tại cơ sở. Thực hiện xác thực và định danh thông tin của giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh ngành giáo dục từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì phiên họp. Ảnh: TT 

Về công tác chuyển đổi số, đến nay, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý được triển khai trên diện rộng ở tất cả các nhà trường theo hướng sử dụng các hệ thống phần mềm quản lý trực tuyến (hiện đạt trên 90%), tập trung dữ liệu nhằm tăng hiệu quả quản lý, tiết kiệm chi phí đầu tư và nhân lực.

Bộ GD&ĐT đã kết nối thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia ngành Giáo dục với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kết nối, xác thực, định danh hồ sơ cán bộ, giáo viên và học sinh trên tổng số gần 24 triệu học sinh (đạt 91,6%). Đồng thời, cũng đã đồng bộ, làm giàu cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin (về lĩnh vực giáo dục, đào tạo) của hơn 23,34 triệu công dân.

Kết nối thành công Hệ thống phần mềm quản lý thi của Bộ và Hệ thống đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng (trong đó cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển cho thí sinh) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo an toàn thông tin và sử dụng ổn định.

Trong năm 2023, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai kết nối dữ liệu người học (Cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học) với dữ liệu bảo hiểm (Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm) nhằm hỗ trợ công tác thống kê tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, dự báo nguồn nhân lực và xu hướng nghề nghiệp của sinh viên ra trường.

Hiện nay, cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non - phổ thông đã thu thập thông tin của 100% trường học (gần 54,000 trường), bao gồm: 1,6 triệu hồ sơ giáo viên và cán bộ quản ly giáo dục;  24 triệu hồ sơ cá nhân, kết quả học tập, thông tin thể chất của học sinh; kết nối, liên thông dữ liệu với hơn 17.083 trường học.

Đối với cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học, Bộ GDĐT đã hoàn thành việc xây dựng về hạ tầng kỹ thuật và đang triển khai thu thập dữ liệu từ các cơ sở giáo dục trên cả nước.

Tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính và Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ GDĐT đã thảo luận, trao đổi các vấn đề cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới như: tiếp tục hoàn thiện các nguồn dữ liệu; đẩy mạnh việc sử dụng các bài giảng điện tử; phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thu thập và sử dụng hiệu quả các nguồn dữ liệu phục vụ công tác quản lý; tiếp tục thực hiện việc đơn giản hoá thủ tục hành chính…

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh quan điểm coi cải cách hành chính và chuyển đổi số là giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy công tác quản lý nhà nước về giáo dục, thúc đẩy chất lượng giáo dục, do đó cần được quan tâm một cách tương ứng.

Công việc theo Bộ trưởng cần ưu tiên trước mắt là các nội dung chuyển đổi số chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sắp tới; trong đó chú ý tiên liệu trước các vấn đề, tính toán để có thể rút gọn một số khâu.

Một số việc khác như thúc đẩy thiết lập dữ liệu ngành ở khối đại học; xem xét phương án để từng bước có hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học trên cả nước… cũng được Bộ trưởng lưu ý triển khai./.

Việt Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN