Bộ Công an và Bộ Tư pháp cần phối hợp xây dựng nền tư pháp hoàn chỉnh
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị hai Bộ, ngành Công an - Tư pháp cần phối hợp xây dựng nền tư pháp hoàn chỉnh, trong đó có cả những yêu cầu về cải cách tư pháp theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, đúng định hướng cải cách tư pháp, phục vụ lợi ích quốc gia.
Chiều 26/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Bộ Công an tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp công tác năm 2021 và nhiệm vụ phối hợp trọng tâm năm 2022. Dự và chỉ đạo Hội nghị có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Hai Bộ trưởng đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: TH |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, năm 2021 là một năm đầy thách thức với đất nước nói chung, với 2 Bộ, ngành nói riêng nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, hai Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra của năm 2021. Trong suốt thời gian qua, công tác phối hợp giữa hai Bộ, ngành ngày càng chặt chẽ, đã và đang phát huy tác dụng lớn, tạo động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của hai Bộ, ngành.
Thay mặt Ban Cán sự và Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long trân trọng cảm ơn Đại tướng Tô Lâm và lãnh đạo Bộ Công an đã dành thời gian tham dự Hội nghị vào thời điểm Tết Nguyên đán đang đến rất gần, công việc cuối năm hết sức bận rộn.
Báo cáo tóm tắt kết quả công tác phối hợp năm 2021, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết công tác phối hợp giữa hai Bộ, hai ngành Công an và Tư pháp được triển khai toàn diện, đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Qua đó, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Cụ thể, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an kịp thời thẩm định các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Cảnh sát cơ động, đáng chú ý là đã phối hợp hoàn thiện đề nghị xây dựng: Luật Bảo đảm, trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) khác.
Cuối năm 2021, Bộ Tư pháp đã chủ động đề xuất và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an hoàn thiện quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh về sản phẩm dịch vụ an ninh mạng trong Luật sửa đổi, bổ sung 9 Luật mới được Quốc hội thông qua.
Trong công tác thi hành án dân sự (THADS), Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc triển khai thực hiện Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC về phối hợp liên ngành trong công tác THADS; tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp người phải thi hành án cố tình trốn tránh, chống đối, không chấp hành án; phối hợp giải quyết các vụ án lớn, trọng điểm về tham nhũng, kinh tế; tổ chức THADS trong các vụ án hình sự đối với các phạm nhân…
Đồng thời, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc góp ý xây dựng, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế để triển khai trong toàn hệ thống chính trị.
Năm 2022, hai Bộ tiếp tục triển khai phối hợp chặt chẽ, toàn diện các lĩnh vực công tác, từ các công việc vĩ mô về xây dựng, hoàn thiện thể chế của hai ngành đến các tác nghiệp cụ thể trong quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Bộ Công an sớm hoàn thiện và mở các dịch vụ kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; trường hợp cần chỉnh lý thông tin thì căn cứ vào thông tin gốc từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ làm sạch Cơ sở dữ liệu hồ sơ nghiệp vụ, bảo đảm thông tin dữ liệu “đúng, đủ, đồng bộ” để cung cấp thông tin phục vụ hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp nhanh chóng, kịp thời và chính xác; nghiên cứu, nâng cấp hệ thống Phần mềm hỗ trợ tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp…
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thì mong muốn hai Bên phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng pháp luật; hướng dẫn thực hiện bảo đảm thực hiện an ninh mạng; Công an địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Sở Tư pháp địa phương; xây dựng Quy chế phối hợp công tác kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, bảo đảm kết nối, chia sẻ giữa hai Cơ sở dữ liệu; thực hiện tốt Tiểu Đề án 2 “giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác cho người di cư tự do từ Campuchia về nước”…
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an kết luận Hội nghị. Ảnh: TH |
Kết luận Hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an ghi nhận kết quả xuất sắc trong công tác của Bộ, ngành Tư pháp, đặc biệt là thực hiện đúng đường lối chủ trương chính sách của Đảng trong đột phá chiến lược về thể chế, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Về công tác phối hợp giữa hai Bộ, ngành, Bộ trưởng Tô Lâm cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ Tư pháp và nhấn mạnh thêm rằng sự phối hợp của hai Bộ đã góp phần cho quá trình hội nhập quốc tế của nước ta và mang luật pháp, những giá trị của chúng ta vươn ra thế giới, bảo đảm lợi ích, an ninh quốc gia, bảo vệ vị trí pháp lý của người Việt ở nước ngoài… Bên cạnh đó, hai Bộ đã phối hợp rất nhuần nhuyễn trên nhiều mặt, nhất là xây dựng, tổ chức thực thi pháp luật;
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tô Lâm, có mặt công tác phối hợp về thủ tục hành chính còn chưa nhuần nhuyễn, kết nối chậm, trao đổi chậm…, ảnh hưởng đến tiến độ công việc, qua kiểm điểm là cần phối hợp nhuần nhuyễn hơn nữa, đẩy nhanh trách nhiệm, rút kinh nghiệm trong phối hợp. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm phối hợp chung trong hợp tác quốc tế, những vấn đề liên quan đến yếu tố nước ngoài.
Đối với phương hướng thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng hai Bộ, ngành cần phối hợp xây dựng nền tư pháp hoàn chỉnh, trong đó có cả những yêu cầu về cải cách tư pháp theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, đúng định hướng cải cách tư pháp, phục vụ lợi ích quốc gia. Điều này đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc, tính toán thận trọng và hai Bộ phải cùng nhau phối hợp tốt theo đúng định hướng chung và chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện được quan điểm đã đề ra.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh Lãnh đạo Bộ Công an xác định quan hệ phối hợp với Bộ Tư pháp là một quan hệ rất trọng tâm bởi một xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn phải có hệ thống pháp luật hoàn thiện theo đúng đường lối của Đảng, yêu cầu của đất nước, nguyện vọng của nhân dân. Lưu ý khối lượng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật còn rất nhiều, cuộc sống lại luôn thay đổi, Bộ trưởng Bộ Công an nêu bật quan niệm phải cải cách pháp luật, tháo gỡ được các vướng mắc thể chế, bảo đảm công tác quản lý nhà nước.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Công an đề nghị hai Bộ, ngành trao đổi, thảo luận với nhau, hướng đến mục tiêu cuối cùng là hai Bộ, ngành thống nhất các vấn đề liên quan đến công tác phối hợp. Đặc biệt, ông mong muốn hai Bộ, ngành tiếp tục phát huy truyền thống gắn bó giữa hai Bên và chúc một năm mới thành công, quan hệ giữa hai Bộ ngày càng tốt đẹp./.