Bộ Công an phổ biến, quán triệt các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
(ĐCSVN) - Hội nghị nhằm phổ biến, tuyên truyền toàn diện, sâu sắc nội dung các chính sách cơ bản của 4 luật đã được Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thông qua và những vấn đề cần lưu ý khi triển khai thực hiện, đặc biệt là những điểm mới, quan trọng để quán triệt đến Công an các đơn vị, địa phương.
Ngày 20/8, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt các luật do Bộ Công an chủ trì hoặc đồng chủ trì soạn thảo đã được Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thông qua.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, theo chương trình, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội khóa XV thông qua 09 luật, 02 nghị quyết; trong đó, tại Kỳ họp thứ 7, đã thông qua 04 luật do Bộ Công an chủ trì hoặc đồng chủ trì soạn thảo, bao gồm: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đây là các luật có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động của lực lượng Công an nhân dân và tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
Do vậy, Bộ Công an tổ chức Hội nghị này, nhằm phổ biến, tuyên truyền toàn diện, sâu sắc nội dung các chính sách cơ bản của 04 luật đã được Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thông qua và những vấn đề cần lưu ý khi triển khai thực hiện, đặc biệt là những điểm mới, quan trọng để quán triệt đến Công an các đơn vị, địa phương…
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: TH. |
Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu ngay sau hội nghị, Công an các đơn vị địa phương tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, chủ động xây dựng kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để tổ chức phổ biến, quán triệt các luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và triển khai thi hành kịp thời, nghiêm túc, thống nhất, có chất lượng ngay sau khi các văn bản này có hiệu lực thi hành nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ nắm vững các quy định của luật để triển khai thực hiện chất lượng, hiệu quả.
Tại hội nghị, đại diện Công an các đơn vị gồm Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã quán triệt, phổ biến những nội dung cơ bản của 4 luật.
Theo đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 9 chương, 89 điều, gồm những nội dung cơ bản như: quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn để có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu bia thì không lái xe”; bổ sung quy định đấu giá biển số xe để phù hợp với các quy định hiện hành về việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Chính phủ và khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công. Luật cũng bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe để tăng cường quản lý người lái xe sau khi được cấp giấy phép lái xe, tác động đến hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe. Đồng thời, phân định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo đó Bộ Công an là đầu mối giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ gồm 2 điều, trong đó bổ sung đối tượng cảnh vệ và quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng và bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ; bổ sung quy định ưu tiên đảm bảo phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, khoa học và công nghệ; trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TL. |
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, gồm 8 chương, 75 điều. Luật bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này; đồng thời, quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.Bên cạnh đó, Luật cũng đã bổ sung quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ; Sửa đổi, bổ sung quy định việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp;…
Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 7 chương, 86 điều Luật quy định chính sách của Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp như sau: Ưu tiên bảo đảm ngân sách, có chính sách, cơ chế đặc thù cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Xây dựng, phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, thiết kế, chế tạo với sản xuất, sửa chữa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh. Ưu tiên nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đề nghị các đơn vị chủ trì xây dựng luật cần khẩn trương xây dựng, hoàn thành đúng hạn các văn bản quy định chi tiết thi hành của các luật, bảo đảm khi ban hành, có hiệu lực cùng thời điểm các luật này có hiệu lực thi hành. Đồng thời, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương tham mưu với Chủ tịch UBND cùng cấp ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.../.