Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bỏ biên chế giáo viên cần có lộ trình và cách làm phù hợp với điều kiện

Thứ Ba, 06/06/2017 16:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, thông tin về việc thí điểm bỏ công chức, viên chức giáo viên đã nhận được nhiều luồng ý kiến từ dư luận. Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đồng tình với chủ trương này, tuy nhiên đều cho rằng cần phải tính toán thận trọng, kỹ lưỡng.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: VA

Đại biểu Phạm Tất Thắng (tỉnh Vĩnh Long), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Dù bỏ biên chế vẫn phải bảo đảm quyền lợi của giáo viên

Để bỏ hay giảm số lượng công chức, viên chức trong ngành giáo dục là một việc làm cần phải suy nghĩ thấu đáo. Đó là một việc làm cần thiết và sẽ tốt nếu làm được. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên là một lực lượng rất quan trọng, là chủ thể của ngành giáo dục và liên quan đến việc đào tạo đội ngũ nhân lực, là lực lượng kế cận cho đất nước trong thời gian tới.

Do vậy, bất kỳ chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên khi có sự thay đổi cần phải có những tính toán thận trọng, phù hợp với quy định pháp luật của chúng ta hiện nay, đồng thời phù hợp với công chức, viên chức của các ngành khác. Cho dù có giảm chi phí về ngân sách, vẫn cần thiết phải bảo vệ quyền lợi cho giáo viên.

Ngành giáo dục chiếm số lượng đông đảo nhất trong tổng số lượng công chức, viên chức của đất nước. Dù bỏ biên chế thì vẫn có thể phát sinh tiêu cực trong ngành giáo dục, bởi khi hết hạn hợp đồng là giáo viên lại phải lo “chạy” hợp đồng. Do vậy, nếu có một chính sách công khai, minh bạch cũng sẽ hạn chế được những tiêu cực có thể phát sinh xung quanh câu chuyện này. Giáo viên cũng sẽ yên tâm công tác hơn.

Tuy vậy, vẫn cần phải đảm bảo quyền lợi của đội ngũ giáo viên, đồng thời đảm bảo được mặt bằng chung giữa công chức, viên chức trong ngành giáo dục với các ngành khác.

Ngành giáo dục đã đưa ra đề xuất này. Việc có áp dụng hay không, hay áp dụng thí điểm vẫn cần sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền. Nếu để áp dụng đồng loạt cho toàn ngành giáo dục, rõ ràng sẽ phải sửa đổi Luật Công chức, viên chức. Tôi cho rằng Bộ GD&ĐT sẽ chỉ áp dụng thí điểm, nếu áp dụng đồng loạt cần phải sửa đổi Luật Viên chức, phải phù hợp với hệ thống chung của chúng ta và chắc chắn Quốc hội sẽ phải cho ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (tỉnh Nghệ An). Ảnh: TH

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (tỉnh Nghệ An): Bỏ biên chế giáo viên phải được tính toán kỹ lưỡng

Thí điểm bỏ biên chế trong ngành giáo dục đây có thể coi là xu hướng phát triển trong tương lai của xã hội. Trên thế giới, một số nước cũng đã bỏ chế độ công chức. Còn ở nước ta, việc này mới chỉ dừng ở ý tưởng. Nhưng để nâng cao chất lượng đội ngũ thì cần phải thí điểm thực hiện bỏ công chức, viên chức.

Chế độ công chức, viên chức của chúng ta lâu nay có thể nói là rất bất cập. Đội ngũ giảng viên của chúng ta trong quá trình tuyển dụng chưa tạo ra được sự công bằng, dẫn đến tình trạng thừa biên chế trong ngành giáo dục. Điều này có nghĩa nhà trường chưa làm chủ được.

Mặt khác, nhiều giáo viên khi trở thành công chức, viên chức trong ngành giáo dục, đâu đó vẫn có những giáo viên không nỗ lực phấn đấu để nâng cao chất lượng. Nói cách khác là họ có tình trạng "thỏa mãn" khi thấy mình đã được biên chế.

Để khắc phục tình trạng này, việc thí điểm này là cần thiết. Tuy nhiên, nghề giáo viên là một nghề có vai trò đặc biệt. Nhà nước đang quan tâm chăm lo chính sách cho giáo viên để tạo điều kiện cho ngành giáo dục phát triển, từ cơ sở vật chất đến chế độ giáo viên và học sinh. Do vậy, Bộ GD&ĐT đi tiên phong trong việc thí điểm này được dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên lộ trình và cách làm cần phải được tính toán kỹ lưỡng.

Khi đưa ra nội dung này, có thể dẫn đến chuyện tiêu cực khi chuyển sang cơ chế hợp đồng. Cơ chế hợp đồng cũng có thể dẫn đến câu chuyện "chạy" giống như công chức. Hơn nữa, việc này có thể sẽ dẫn đến xu thế những giáo viên có chất lượng sẽ tập trung một nơi, gây khó khăn cho chính sách giáo dục ở vùng sâu vùng xa, là những nơi có điều kiện khó khăn.

Đội ngũ giáo viên chúng ta đã có biên chế rồi, giờ cách làm như thế nào để đảm bảo cuộc sống cho họ, để họ yên tâm công tác, vừa có thể nâng cao chất lượng nghề nghiệp của mình. Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT cần có lộ trình cũng như lựa chọn cách làm phù hợp với điều kiện. Quan trọng nhất là phải chăm lo cho đội ngũ giáo viên./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN