Bình Thuận tiếp tục đưa nội dung học và làm theo Bác thành việc làm tự giác, thường xuyên
(ĐCSVN) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có văn bản yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị tổ chức học tập, quán triệt Kết luận số 01-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thông qua nhiều hình thức phù hợp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TL) |
Đồng thời phải cụ thể hóa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) để triển khai thực hiện.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hàng năm gắn với vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chú trọng đúng mức việc rà soát phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác, đặc biệt phải thật sự làm cho các điển hình và toàn xã hội nhận thức đúng bản chất của những việc làm thiết thực, ý nghĩa, những hành động đẹp xuất hiện trong thực tiễn là kết quả mang lại thật sự từ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Tiếp tục đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt, giảng dạy trong các trường phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.
Không ngừng nêu cao trách nhiệm nêu gương, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ở các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị theo phương châm “Cán bộ có chức vụ càng cao phải càng gương mẫu”, khẳng định vai trò lãnh đạo, tính đúng đắn, gương mẫu “Trên trước dưới sau”. Lãnh đạo chủ chốt các cấp phải thể hiện tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; gương mẫu thực hiện trách nhiệm nêu gương để cán bộ, quần chúng noi theo.
Thực hiện đồng bộ giữa “xây” và “chống”. Trong đó, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. “Xây” là để tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước; động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh do Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra. “Chống” là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền, thực hiện tốt việc sàng lọc đảng viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên suy nghĩ, hành động vì lợi ích chung.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 05, Kết luận số 01 gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm cảnh báo, phát hiện từ sớm, kịp thời ngăn chặn vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện nghiêm túc, thực sự đi vào nề nếp, thực chất, hiệu quả. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan căn cứ tình hình thực tiễn, điều kiện để xác định những nội dung đột phá, nêu cao tinh thần gương mẫu, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, thực hiện có hiệu quả tự phê bình và phê bình, tạo chuyển biến tích cực có tác dụng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển./.