Bình Thuận: Phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tình hình mới
(ĐCSVN) - Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; UNBD tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều chính sách nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 01 Trường Phổ thông Trung học Dân tộc nội trú cấp tỉnh và 4 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp huyện. Hệ thống trường, lớp vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư, nâng cấp theo hướng đạt chuyaarn quốc gia, đáp ứng nhu cầu dạy và học 02 buổi/ ngày. Đội ngũ giáo viên ở các cấp học được chuẩn hóa, chất lượng dạy và học được nâng lên; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng, trong đó mầm non đạt 57,6%, tiểu học đạt 99,9%, trung học cơ sở đạt 60,6%, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm. 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học lớp 10 đạt trên 82,2%; hàng năm, có trên 350 em được xét tuyển vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.
Bình Thuận đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đời sống, kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số. ( Ảnh: CTTĐT Bình Thuận) |
Các chính sách hỗ trợ học sinh là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đầy đủ, kịp thời đúng đối tượng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm đáng kể tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay đã hỗ trợ cho 59.644 học sinh/58.054 triệu đồng từ bậc mầm non đến trung học cơ sở và 1.039 sinh viên/7.957 triệu đồng. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh, Hội Chữ thập đỏ đã thực hiện trợ cấp cho 111 em học sinh, sinh viên với tổng kinh phí hơn 885 triệu đồng; tổ chức trao tặng 852 suất học bổng và một số dụng cụ học tập khác với tổng giá trị 426 triệu đồng. Chương trình dạy chữ Chăm ở bậc tiểu học tiếp tục duy trì, số lượng học sinh đến trường ở các cấp, bậc học năm sau cao hơn năm trước.
Các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên học Trường Cao đẳng Nghề theo chỉ đạo của UBND tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh và mở rộng tư vấn, hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số, nâng cao tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được cung cấp thông tin thị trường đạt 56%. Triển khai thực hiện kịp thời nhiều chính sách của Trung ương và ban hành các chính sách đặc thù của tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút tuyển dụng… đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại địa phương ngày một vững mạnh.
Mạng lưới y tế ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được củng cố, tăng cường và cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại chỗ. Đến năm 2019, các xã vùng dân tộc thiểu số đều đạt chuẩn quốc gia về y tế, tuổi thọ trung bình của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số 72 tuổi. Chương trình y tế quốc gia và các hoạt động xã hội, từ thiện về y tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân quan tâm thực hiện, từng bước nâng cao ý thức của đồng bào trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Công tác vệ sinh phòng dịch được duy trì, các loại dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, không để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng; 100% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, diện hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 88,5%; chương trình y tế quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện đạt hiệu quả; đồng bào đã có ý thức trong việc khám, chữa bệnh, sinh đẻ tại trạm y tế,...
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP gắn với triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 nhằm thúc đẩy nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đạt chỉ tiêu về số lượng và chất lượng. Tập trung nâng cao, phát triển toàn diện nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh về thể lực, trí lực, tác phong, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp; cơ cấu lao động hợp lý, từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ giữa các dân tộc, các vùng miền, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, nhu cầu lao động hiện tại và tương lai; xây dựng đội ngũ trí thức, cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số và lao động trực tiếp có chất lượng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh./.