Bình Thuận: Khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU
(ĐCSVN) - Ngay từ đầu năm 2024, các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển của Bình Thuận đã tập trung nguồn lực, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Bình Thuận có giải pháp thiết thực trong việc thực hiện chống khai khác IUU. (Ảnh: N. Lân) |
Báo cáo từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tập trung cao điểm chống khai thác IUU. Các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Theo đó, các sở, ngành, đơn vị và địa phương đã nỗ lực, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, bước đầu ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Tỉnh đã thống kê, đưa vào giám sát đặc biệt 84 tàu cá thuộc diện có “nguy cơ cao” và cử cán bộ, chiến sĩ, đảng viên trên địa bàn phụ trách theo dõi, giám sát; yêu cầu 4.184 lượt chủ tàu/thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; tổ chức trực ban, giám sát tàu cá 24/24 qua hệ thống giám sát để phát hiện, xử lý theo đúng quy trình, quy định đối với tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới trên biển, ngăn chặn vi phạm vùng biển nước ngoài.
IUU là viết tắt của Illegal, Unrepoted and Unregulated fishing, nghĩa là hoạt động đánh bắt hải sản trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Đây là quy định được triển khai từ năm 2007 khi Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu thực hiện quá trình tham vấn về Quy định Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. |
Đến nay, Bình Thuận đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị VMS đối với tàu cá đang hoạt động, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các tàu cá ngừng hoạt động chưa lắp đặt VMS; phát huy hệ thống giám sát tàu cá phục vụ theo dõi, giám sát, cảnh báo tàu cá vượt ranh giới biển Việt Nam. Hoàn thành thống kê, phân loại, sàng lọc tàu cá “03 không” đến từng thôn, xã vùng biển để quản lý, làm cơ sở để tổ chức đăng ký theo Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cùng với đó, tỉnh Bình Thuận đã kiên quyết trong công tác xử lý với tàu cá có hành vi vi phạm nhằm răn đe.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống khai thác IUU trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ngành và địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Trong đó, tập trung nguồn lực để khắc phục các hạn chế, tồn tại trong quản lý, kiểm soát hoạt động nghề cá trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng cả nước tháo gỡ “Thẻ vàng” của EC, hướng đến phát triển nghề cá bền vững theo tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản và Nghị quyết số 52/NQ-CP 22/4/2024 ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư; nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ chống khai thác IUU liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động thủy sản; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Hội, đoàn thể và địa phương trong việc tuyên truyền, vận động chủ tàu cá, doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu thủy sản tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về chống khai thác IUU; đấu tranh, tố giác các hành vi có dấu hiệu vi phạm IUU để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp vừa tuyên truyền, vận động, vừa theo dõi, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ trong bờ và trên biển, kiên quyết không để tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Thường xuyên rà soát, thống kê đưa vào quản lý, theo dõi đặc biệt các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài và theo dõi, quản lý chặt chẽ thuyền trưởng, ngư dân từng vi phạm khai thác trái phép bị nước ngoài giữ, thả về để kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để tái phạm. Tổ chức giám sát 24/24 tàu cá hoạt động trên biển qua Hệ thống giám sát tàu cá, kịp thời phát hiện, xử lý tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới trên biển theo quy trình, quy định và thông tin kịp thời cho các lực lượng chấp pháp trên biển (Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) để phối hợp kiểm tra, xử lý.../..