Bình Thuận hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
(ĐCSVN) - Đề án Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 hướng đến mục tiêu góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch vùng tỉnh Bình Thuận.
UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Quyết định số 1114/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Khu du lịch Mũi Né - Bình Thuận, điểm đến của du khách trong và ngoài nước. (Ảnh: K.V) |
Theo quan điểm của Đề án, phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch của tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Bình Thuận trên cơ sở đảm bảo một số nguyên tắc: Phát huy tối đa các lợi thế tiềm năng về tự nhiên và văn hóa; hài hòa trong xây dựng, phát triển loại hình, sản phẩm du lịch. Phát huy tính trải nghiệm, tăng tính hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thị trường khách du lịch trong từng loại hình, sản phẩm; phát triển loại hình, sản phẩm theo lộ trình, có tính ưu tiên, bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa cung và cầu trong du lịch; đầu tư có trọng tâm trọng điểm, phát huy tính đặc trưng của tỉnh Bình Thuận; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên du lịch theo hướng bền vững, bảo tồn, phát triển tài nguyên du lịch và môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền,…
Đề án hướng đến mục tiêu góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch vùng tỉnh Bình Thuận.
Phấn đấu đến năm 2025, đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch cơ bản. Tạo sản phẩm du lịch chuyên đề: Du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, sinh thái biển – rừng – đồi cát (thể thao biển, thể thao trên cát,…). Từng bước mở rộng thị trường, tăng lượng khách du lịch lên 11.400.000 người vào năm 2025, trong đó, khách quốc tế chiếm 10%. Doanh thu du lịch đạt trên 24.600 tỷ đồng; đóng góp vào GRDP của tỉnh 10%,…
Một khu nghỉ dưỡng ở Mũi Né, Phan Thiết- Bình Thuận. (Ảnh: K.V) |
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Đề án đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu cần triển khai. Thứ nhất là tổ chức lại không gian phát triển du lịch. Cụ thể, khu vực 1: Phía Đông Bắc tỉnh Bình Thuận gồm 1 dãy ven biển huyện Tuy Phong, phía Đông huyện Bắc Bình. Trong đó, trọng tâm là đô thị Phan Rí Cửa – Bình Thạnh – Liên Hương.
Sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, điều dưỡng chữa bệnh suối khoáng nóng, lặn biển, tham quan khu bảo tồn biển Hòn Cau. Sản phẩm bổ trợ: Du lịch văn hóa Chăm, làng nghề đặc trưng, du lịch home-stay.
Khu vực 2 là Trung tâm du lịch của tỉnh gồm: Thành phố Phan Thiết, phía Nam huyện Bắc Bình, dãy ven biển thuộc huyện Hàm Thuận Nam và đảo Phú Quý. Trọng tâm là khu du lịch quốc gia Mũi Né và Nam thành phố Phan Thiết. Sản phẩm chủ đạo: Du lịch sinh thái biển, rừng, du lịch thể thao biển, cát, nghỉ dưỡng biển, mô hình kinh tế ban đêm,… Sản phẩm bổ trợ gồm: Du lịch văn hóa, du lịch home-stay; tham quan khu bảo tồn thiên nhiên núi Tà Cú, khu bảo tồn biển đảo Phú Quý.
Khu vực 3 ở phía Tây Nam của tỉnh gồm thị xã La Gi, dãy ven biển huyện Hàm Tân, khu vực ven hồ Sông Dinh 3. Sản phẩm chủ đạo gồm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, tham quan các di tích, lễ hội Dinh Thầy Thím, Hòn Bà.
Khu vực 4 ở phía Tây Bắc của tỉnh, gồm một phần huyện Hàm Thuận Bắc, một phần huyện Hàm Thuận Nam, huyện Tánh Linh, huyện Đức Linh. Sản phẩm chủ đạo là du lịch nghỉ dưỡng rừng, hồ cảnh quan, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, khám phá, trải nghiệm.
Thứ hai là nhiệm vụ xây dựng chất lượng dịch vụ du lịch. Về nhiệm vụ này, tỉnh Bình Thuận tập trung phát triển mạng lưới cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch. Trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đặt và thanh toán dịch vụ trực tuyến phù hợp với xu thế phát triển.
Đầu tư, nâng cấp hệ thống nhà hàng mới, các cơ sở vui chơi, giải trí, đặc biệt là các khu vực phục vụ về đêm có quy mô tại các trung tâm đô thị, khu vực có các dự án du lịch; có kế hoạch mời gọi đầu tư xây dựng để sớm đưa bến thủy nội địa – bến cảng du thuyền vào khai thác nhằm mở ra các tuyến du lịch mới nội tỉnh, liên vùng có sức hấp dẫn cao.
Bên cạnh đó, phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ thương mại. Tiếp tục mời gọi đầu tư xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại, triển lãm, các điểm mua sắm, chợ đêm, phố đi bộ,… tại các huyện, thị xã, thành phố phù hợp với định hướng chung của tỉnh. Đồng thời, quan tâm chỉnh trang các chợ truyền thống mang nét đặc trưng vùng miền, thu hút khách du lịch quốc tế.
Cùng với đó, Bình Thuận sẽ tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông; các dự án trọng điểm trong danh mục, các công trình đầu tư trọng điểm giai đoạn 2021-2025 của tỉnh thuộc lĩnh vực văn hóa gắn với phát triển du lịch. Trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, lễ hội của tỉnh phụ vụ khai thác du lịch.
Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch thường xuyên tu bổ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng phục vụ. Huy động hiệu quả các nguồn lực, tăng cường vai trò và sự tham gia của cộng đồng, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp du lịch trong việc phát triển hạ tầng du lịch của địa phương,…/.