Bình Phước và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực
(ĐCSVN) – Hai bên đã ký kết hợp tác với nội dung thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh tại tỉnh Bình Phước để triển khai các hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Phân hiệu và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh và Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hiếu Giang, Phó Bí thư Đảng ủy, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai bên. |
Ngày 3/10, UBND tỉnh Bình Phước và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HCMUTE) tổ chức Lễ ký kết hợp tác giai đoạn 2024 - 2027.
Theo đó, 2 bên đã ký kết hợp tác với nội dung thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh Bình Phước để triển khai các hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Phân hiệu và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước.
Phân hiệu sẽ sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị cũ của Trường Cao đẳng Bình Phước và cơ sở vật chất, trang thiết bị mới do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng. Chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy được sử dụng chung với cơ sở chính. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên sẽ được bố trí từ các nguồn đội ngũ của cơ sở chính, tiếp nhận và tuyển dụng mới, giảng viên thỉnh giảng từ các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bình Phước và trên cả nước, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định. Nguồn vốn hoạt động và xây dựng phân hiệu là 264 tỷ đồng, được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn từ trụ sở chính và các nguồn tài trợ khác.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, Phân hiệu không chỉ giúp đào tạo thêm số lượng lớn kỹ sư, cử nhân giỏi cho địa phương, mà còn là nguồn lực quan trọng cho các doanh nghiệp khu vực Đông Nam Bộ, sẵn sàng tiến trình thúc đẩy sự phát triển của các không gian công nghiệp gắn với ưu thế của từng địa phương trong định hướng quy hoạch vùng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hiếu Giang, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Phân hiệu tại Bình Phước không chỉ đơn thuần là một cơ sở giáo dục, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn khu vực Đông Nam Bộ. Với sự kết hợp giữa nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh và năng lực đào tạo của Trường, Phân hiệu sẽ tạo ra môi trường học tập và làm việc hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp sinh viên sau khi ra trường dễ dàng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Bình Phước có khoảng 72.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó 70% lao động trong tỉnh và 30% lao động ngoài tỉnh. Theo tính toán, đến năm 2025, cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Phước sẽ chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng với sự mở rộng các khu công nghiệp tập trung và mỗi huyện có từ 1 – 3 cụm công nghiệp. Trong giai đoạn này, mỗi năm tỉnh cần bổ sung mới lao động có trình độ sơ cấp khoảng 6.000 – 7.000 người/năm; từ trung cấp, cao đẳng trở lên bình quân mỗi năm từ 1.000 – 2.000 người/năm với các ngành có nhu cầu cao: tự động hóa, điện – điện tử, điện công nghiệp, điện kỹ thuật, cơ khí chế tạo máy, phiên dịch…/.