Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình Phước: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Ba, 07/11/2023 09:18 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong giai đoạn 2018-2023, Bình Phước có nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, chú trọng vào công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bình đẳng giới; đạt một số kết quả nhất định.

Từng bước thu hẹp khoảng cách bình đẳng giới trong đồng bào DTTS

Thực hiện “Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025” của tỉnh Bình Phước theo Quyết định số 1898/QD-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, 5 năm qua, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thúc đẩy hoạt động bình đẳng giới, thực hiện tốt các mục tiêu Đề án. Đến nay, nhìn chung các mục tiêu đề ra cơ bản đã hoàn thành theo tiến trình; bước đầu đạt những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến về nhận thức nhằm thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 Huyện Bù Gia Mập truyền thông đến từng người dân về bình đằng giới.

Theo mục tiêu đề ra của Đề án, 100% cán bộ, công chức làm công tác dân tộc; 50% cán bộ, công chức làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã và người có uy tín, già làng tiêu biểu, xuất sắc trong đồng bào DTTS được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện, tuyên truyền chính sách pháp luật về bình đẳng giới; 85% số hộ gia đình đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về giới và bình đẳng giới; 100% học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú trong tỉnh được tuyên truyền kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giói với nội dung, thời lượng phù hợp với lứa tuổi. 60% cán bộ làm công tác dân tộc ở cấp huyện, xã có đồng bào DTTS sinh sống được tập huấn kỹ năng hoạt động bình đẳng giới…

Nhằm từng bước nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật về nội dung bình đẳng giới, tình trạng bạo lực gia đình của Nhà nước trong đồng bào DTTS, 5 năm qua, tỉnh Bình Phước tích cực thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác bình đẳng giới, bố trí nguồn lực, đồng thời kêu gọi xã hội hóa thực hiện các hoạt động tuyên truyền. Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì thực hiện các hội nghị tập huấn, trong đó có nội dung bình đẳng giới cho 1.785 lượt già làng, người có uy tín để làm hạt nhân thực hiện tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền cho 600 đồng bào DTTS tại các xã đông đồng bào DTTS; in, phát hành 20.000 tờ rơi tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết; hàng năm biên soạn, phát hành 06 kỳ/4.800 cuốn Bản tin Dân tộc và Miền núi tỉnh Bình Phước với các tin, bài có nội dung bình đẳng giới, tình trạng bạo lực gia đình về chủ trương phát triển kinh tế xã hội; kết quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh và các địa phương; chính sách pháp luật…; cấp 234 kỳ/80.888 tờ Báo Dân tộc và phát triển, 760 kỳ/262.324 tờ Báo Bình Phước cho người có uy tín; cấp 2.350 cuốn sổ tay truyên truyền về hôn nhân và gia đình cho học sinh và phụ huynh các trường dân tộc nội trú. Các sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới được xây dựng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hướng đến mọi đối tượng xã hội. Ngoài ra việc đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, đời sống gia đình cũng được quan tâm.

Tỉnh cũng duy trì tốt hoạt động của trang thông tin điện tử của Ban Dân tộc www.bdtbinhphuoc.gov.vn để cung cấp thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các hoạt động tuyên truyền về văn hóa, các gương điển hình, người tốt việc tốt trong vùng đồng bào DTTS; đăng tải, tuyên truyền trên 830 tin, bài các loại lên trang thông tin điện tử, trang Fanpage Ban Dân tộc và các trang báo Bình Phước, báo Dân tộc và phát triển, trang thông tin điện tử Ban Dân vận; đăng tải và phát các thông tin tuyên truyền đến người dân về mất cân bằng giới tính khi sinh, hệ lụy của việc lựa chọn giới tính, giới và vai trò giới trong mất cân bằng giới khi sinh trên hệ thống loa phát thanh…

Các buổi nói chuyện chuyên đề Dân số - Mất cân bằng giới tính - Bình đẳng giới thường xuyên được tổ chức. Sở Thông tin truyền thông cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền các huyện miền núi tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, vận động các địa phương tiếp âm phát sóng tiếng dân tộc nhằm nâng cao nhận thức về giới, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, ý thức của người dân được nâng cao và chấp hành nghiêm Luật Bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em cũng được chính quyền các cấp quan tâm; việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các vùng sâu vùng xa cũng được cải thiện; tỷ số giới tính khi sinh từ năm 2018 đến nay không vượt quá 114 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái.

Đánh giá về hiệu quả việc thực hiện Đề án, ông Nguyễn Lương Nhân, Phó Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết, việc thực hiện đề án giúp nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới, phần nào thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng, gia đình và cá nhân, góp phần ngăn ngừa các hành động phân biệt đối đối xử với phụ nữ và trẻ em gái trong các hoạt động của đời sống xã hội. Nhờ đó, đã, từng bước thu hẹp khoảng cách bình đẳng giới trong đồng bào DTTS.

Các chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí giúp phụ nữ huyện Hớn Quảng được chăm sóc sức khỏe tốt hơn

Vẫn còn nhiều việc phải làm...

Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: tỉnh cũng gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện đề án, là nhận thức của một số đồng bào DTTS về pháp luật còn nhiều hạn chế, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn ăn sâu trong đồng bào; nhiều chị em phụ nữ hạn chế về trình độ, nên việc tuyên truyền cũng khó khăn để thay đổi nhận thức; ảnh hưởng của phong tục tập quán lạc hậu về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái được chăm sóc sức khỏe và tham gia học tập còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động về bình đẳng giới chưa sâu rộng, đặc biệt đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa…; đội ngũ cán bộ phụ trách công tác bình đẳng giới chủ yếu kiêm nhiệm.

Kinh phí để thực hiện các hoạt động tuyên truyền và bình đẳng giới chủ yếu được thực hiện lồng ghép vào các nhiệm vụ khác theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành và từng địa phương, chưa đáp ứng được việc nhân rộng mô hình trong vùng đồng bào DTTS.

Do vậy, đề nghị các ngành, địa phương trong thời gian tới tập trung vào một số giải pháp như: đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục về công tác bình đẳng giới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa; nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên; huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính để tổ chức thực hiện hiệu quả các dịch vụ có chất lượng nhằm hỗ trợ cho công tác bình đẳng giới…

Ban Dân tộc tỉnh đưa ra một số giải pháp để thực hiện tốt nội dung, theo đó tăng cường đôn đốc, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Đề án; thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc; thực hiện tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đang viên  và nhân dân về Đề án, luật Bình đẳng giới và các văn bản liên quan, đặc biệt, chú trọng nêu gương tốt, điển hình tiên tiến trong thực hiện bình đẳng giới, thông tin công khai những vụ việc vi phạm về bình đẳng giới. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ thông tin, không để các sản phẩm quảng cáo mang nội dung, hình ảnh định kiến giới xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng./.

Đỗ Quốc

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN