Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình Phước: Hơn 7 tỷ đồng bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Thứ Năm, 21/01/2016 11:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước hiện có trên 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Stiêng đang còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tập trung chủ yếu tại 2 xã An Khương và Thanh An. Sản phẩm chính hiện nay là chăn, khăn, quần áo với số lượng tiêu thụ tại chỗ chiếm trên 80%, còn lại 20% tiêu thụ trong tỉnh.

Mô hình nhóm dệt thổ cẩm của Thị Giôn đang sản xuất vải thổ cẩm cho khách hàng.
 Ảnh: K GỬIH/TTXVN

Để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm, tỉnh Bình Phước đã quyết định phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số Stiêng trên địa bàn huyện Hớn Quản, giai đoạn 2016 - 2020. Tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2016 - 2020 là 7,2 tỷ đồng, chưa tính nguồn vốn của nhân dân tự tham gia đóng góp trong quá trình triển khai thực hiện đề án. 

Theo đề án được phê duyệt, mục tiêu cụ thể từ 2016 đến 2017 tỉnh Bình Phước sẽ thành lập và công nhận ít nhất 2 làng nghề tại 2 xã An Khương và Thanh An và đến năm 2020, thành lập và công nhận 3 làng nghề trên địa bàn huyện Hớn Quản; thu hút lực lượng lao động sản xuất nghề tại chỗ đến năm 2017 đạt trên 30% số hộ đồng bào Stiêng 2 xã Thanh An và An Khương tham gia làng nghề và đến năm 2020 phải đạt từ 40 - 50% số hộ đồng bào Stiêng tham gia làng nghề. Đồng thời, nâng thu nhập cho lao động hoạt động từ nghề dệt thổ cẩm ít nhất phải đạt từ 2 đến 4 triệu đồng/tháng; nâng số người lao động qua đào tạo trong các cụm nghề, làng nghề phải đạt từ 60% trở lên và nâng cao sản phẩm tiêu thụ thông qua các kênh như du lịch, chợ, hội chợ, các điểm giới thiệu sản phẩm, hợp đồng đặt hàng. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Stiêng ở Hớn Quản là sản phẩm thủ công của nghề truyền thống lâu đời vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị văn hóa dân tộc dậm nét. Vì vậy, cần phải bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cầm thủ công truyền thống đồng bào Stiêng ở đây nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở vùng nông thôn. Việc bảo tồn, duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Stiêng Hớn Quản cũng nhằm không để mai một, thất truyền. Đó cũng là cơ sở để phát triển loại hình du lịch dân tộc học, du lịch văn hóa học và du lịch môi trường sinh thái... 

Hiện nay, mỗi hộ gia đình có từ 1 đến 2 lao động làm nghề dệt thổ cẩm truyền thống, diện tích phục vụ cho sản xuất từ 2 đến 4 m2. Mức độ tập trung để tham gia dệt theo tổ hội còn rất hạn chế, chỉ có 1 tổ hội tại ấp Lồ Ô của xã Thanh An hoạt động theo hình thức tổ hợp tác. Các địa phương chưa có điểm sản xuất tập trung và địa điểm giới thiệu sản phẩm. Thời gian sản xuất chủ yếu tận dụng thời gian nhàn rỗi hay một số phụ nữ lớn tuổi không đủ sức khỏe lao động nặng nhọc. Việc duy trì sản xuất ở một số địa phương theo đơn đặt hàng và yêu cầu của khách hàng. Do đó, số lượng sản phẩm làm ra từ các hộ dân còn ít, do chưa có sự đầu tư về nguyên liệu. 

Bên cạnh đó, yếu tố đầu ra sản phẩm còn rất nhiều khó khăn nên ảnh hưởng đến mức độ duy trì hoạt động sản xuất dệt. Nguồn thu nhập của người dân từ nghề dệt thổ cẩm hiện rất thấp, bình quân từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/hộ/tháng, một số nơi còn thấp hơn. Do đó, khả năng tái đầu tư cho nghề gặp nhiều khó khăn. Một số hộ gia đình có điều kiện đã tận dụng từ nguồn thu nhập khác để tái đầu tư vào nghề dệt thổ cẩm./. 

Nguyễn Văn Việt/TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN