Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình Phước: Gần 6.600 hộ nghèo DTTS được hỗ trợ thoát nghèo

Thứ Tư, 26/06/2024 15:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Trong giai đoạn từ năm 2019-2023, toàn tỉnh Bình Phước giảm được 6.598 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đạt 130% kế hoạch đề ra.

Khen thưởng các địa phương làm tốt công tác xoá đói giảm nghèo đồng bào DTTS. 

Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ, cầu nối của vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Campuchia. Dân số toàn tỉnh trên 1 triệu người, có 40 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống, vhieems 19,67% dân tố toàn tỉnh; đồng bào DTTS sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố; chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, tập trung ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới…

Giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào DTTS hằng năm thấp, mỗi năm giảm 1,15%, đạt 57,5% so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS có xu hướng tăng. Đầu năm 2019, toàn tỉnh có 8.614 hộ nghèo là dồng bào DTTS, trước thực trạng đó, tỉnh Bình Phước xác định phải bố trí, huy động nguồn vốn nguồn lực, nhằm tạo động lực cho bà con thoát nghèo.

Vì vậy, từ đầu năm 2019, Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước được ban hành, nhằm hỗ trợ chính sách giảm nghèo cho hộ nghèo DTTS như: nhà ở, xây dựng nhà vệ sinh, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ con giống, xây trồng…nhằm tăng thu nhập cho hộ nghèo DTTS.

Báo cáo kết quả đánh giá 5 năm thực hiện chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từ UBND tỉnh Bình Phước cho biết: Từ năm 2019, khi Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS được triển khai, tỉnh Bình Phước đã thực hiện hàng loạt chính sách cho hộ nghèo DTTS như: xây, sửa nhà ở, nhà vệ sinh; hỗ trợ nước sinh hoạt, kéo điện, nông cụ sản xuất, con giống, cây trồng... Qua đó tạo điều kiện thoát nghèo bền vững cho các hộ nghèo DTTS.

Trong giai đoạn từ năm 2019-2023, toàn tỉnh Bình Phước giảm được 6.598 hộ nghèo đồng bào DTTS, đạt 130% kế hoạch đề ra. Trong đó, tỉnh đã hỗ trợ nhà ở cho 3.311 hộ, hỗ trợ đất ở cho 82 hộ, hỗ trợ nhà vệ sinh cho 1.622 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 2.135 hộ, hỗ trợ giếng khoan cho 1.767 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 6.440 lượt hộ, hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt cho 3.659 lượt hộ, hỗ trợ kéo điện cho 1.353 lượt hộ...

Nhờ các giải pháp căn cơ, bài bản, khoa học, số hộ nghèo đồng bào DTTS giảm từ 4.545 hộ vào năm 2019 xuống còn 516 hộ vào cuối năm 2023.

Qua 5 năm triển khai, chương trình này đã nhận được không chỉ sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền mà còn có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của cộng đồng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giúp cho 6.598 hộ nghèo DTTS thoát nghèo. Qua đó góp phần giúp cho tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển. Từ đó, hộ nghèo DTTS ngày càng nâng cao nhận thức, chủ động đăng ký thoát nghèo bền vững dựa vào sự hỗ trợ của các nguồn lực từ Nhà nước.

 Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thoát nghèo.

Các địa phương luôn xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong hỗ trợ hộ nghèo về vốn, khuyến nông, dạy nghề, kinh nghiệm sản xuất,... thực hiện hiệu quả mô hình mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ hộ nghèo cụ thể. Bình Phước giảm dần hình thức hỗ trợ 100% kinh phí hỗ trợ giảm nghèo, tăng cường sự tham gia đóng góp của hộ nghèo đồng bào DTTS để hạn chế việc trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; thường xuyên thông tin, tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức, quan điểm, cách làm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách cho hộ nghèo đồng bào DTTS.

Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tỉnh Bình Phước cần tiếp tục duy trì bền vững kết quả trong công tác giảm nghèo thời gian qua; Tiếp tục sử dụng nhiều biện pháp của từng địa phương giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Không để hộ nghèo tái nghèo, hộ cận nghèo xuống hộ nghèo; việc hỗ trợ cần đi vào chiều sâu, tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người dân; phát huy năng lực, tính tự lực, tự cường của đồng bào DTTS. Cùng với đó là nâng cao hơn nữa chất lượng  giáo dục, y tế cũng như đời sống của nhân dân vùng đồng bào DTTS./..

Hoàng Mẫn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN