Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình Dương: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững

Thứ Ba, 22/10/2024 21:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Hiện nay, ngày càng có nhiều công ty tại tỉnh Bình Dương tham gia vào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR). Từ đó, đảm bảo tăng trưởng bền vững hơn trong tương lai, đồng thời củng cố tình hình kinh doanh với những tác động tích cực hơn.

Cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương nỗ lực thực hiện trách nhiệm xã hội. (Ảnh: Ngọc Thanh)

Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững thông qua đào tạo nâng cao năng lực thực hiện CSR

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trên cơ sở đề cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong việc phát triển bền vững, thông qua việc cải thiện môi trường làm việc, đời sống của người lao động, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo ra lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội. Đồng thời, Bình Dương cũng đặt mình trong mối liên kết phát triển sâu rộng, có trách nhiệm với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phấn đấu xây dựng Đông Nam bộ trở thành Vùng phát triển năng động, trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ. 

Theo đại diện Becamex, để phát triển bền vững, trọng tâm trong thực hiện CSR của doanh nghiệp tập trung vào các nội dung: Bảo vệ môi trường; hỗ trợ và kiến tạo cho cộng đồng, cho người dân; phát triển kinh tế và đào tạo nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về khoa học - công nghệ thế hệ mới; tuân thủ giá trị và nguyên tắc về pháp lý và đạo đức. Do đó, trong những năm qua, doanh nghiệp đã trồng rừng, phủ xanh các khu công nghiệp và đô thị; xây dựng hạ tầng xử lý và tái chế chất thải; chuyển đổi số để chuyển đổi xanh; xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, người lao động; xây dựng hạ tầng y tế và giao thông…

Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Miền Đông chia sẻ, trong công tác đào tạo, Nhà trường đã lồng ghép các khóa học trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong một số môn học kinh doanh, chương trình đào tạo và các chiến dịch truyền thông hướng đến cộng đồng. Nhà trường luôn xác định sinh viên là trung tâm của phát triển và tạo cơ hội để các em có thể trải nghiệm trong một môi trường đại học xanh, thực hành CSR. Hiện Nhà trường có trung tâm STEM; trung tâm công nghệ 4.0; vườn ươm doanh nghiệp để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp hay sinh viên thực hiện đề án của mình. Mục tiêu của Nhà trường là giúp các em có năng lực thực hiện CSR một cách tự nhiên nhất, như là một bản năng sẵn có. 

Thạc sĩ Nguyễn Thị ngọc Ánh - Trưởng Ban Trách nhiệm xã hội, Tập đoàn Giáo dục IGC chia sẻ, trong chương trình giáo dục của Tập đoàn, ngoài các hoạt động xã hội, Tập đoàn còn xây dựng nhiều hoạt động như: Định hướng nghề nghiệp nhằm trao quyền giới ngành giáo dục; môi trường học tập, làm việc an toàn, hạnh phúc, sáng tạo (hướng tới trẻ em); tích hợp trong chương trình giáo dục; triển khai một số dự án cộng đồng để giúp các em có ý thức về trách nhiệm cộng đồng.

CSR sẽ giúp cộng đồng phát triển bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống

Theo Tiến sĩ Phan Bảo Giang - Trưởng Khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh (UEF), CSR sẽ giúp cho doanh nghiệp tăng cường uy tín thương hiệu, nâng cao lòng trung thành của khách hàng, thu hút nhân tài, giảm nhiều rủi ro. Đối với cộng đồng, CSR sẽ giúp cộng đồng phát triển bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy đổi mới, công tâm và cân bằng lợi ích của các bên. Các hoạt động CSR trụ cột của doanh nghiệp sẽ liên quan đến: Môi trường (các hoạt động liên quan đến dịch chuyển tác động tiêu cực đến môi trường, sử dụng điện và các nguồn tài nguyên);  xã hội - cộng đồng (các hoạt động giúp đảm bảo quyền lợi người lao động, đóng góp và hướng về cộng đồng, đạo đức trong kinh doanh); kinh tế (đảm bảo sự phát triển bền vững); công tác quản trị. Ngày nay, dưới góc nhìn của ngành Marketing và Thương hiệu, CSR không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là chiến lược của doanh nghiệp phát triển thương hiệu. Doanh nghiệp sẽ xây dựng chiến lược CSR dựa trên các nguyên  tắc: nhất quán và liên tục; liên quan; đo lường; minh mẫn; tích hợp; sáng tạo; sự tham gia của các bên liên quan.

Chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động vì cộng đồng mà Tập đoàn Kim Oanh theo đuổi, ông Nguyễn Phú Đức - đại diện Tập đoàn Kim Oanh cho biết, doanh nghiệp đã thực hiện CSR trên tinh thần: Sứ mệnh thiện nguyện gắn liền với nhiệm vụ kinh doanh. Trong 16 năm hoạt động, Tập đoàn Kim Oanh đã thực hiện CSR thông qua Quỹ từ thiện Kim Oanh với số tiền trên 400 tỷ hỗ trợ cho hơn 230.000 người và thực hiện các công trình cầu, đường, trường, trạm. Quan điểm hoạt động của DN là trao tận tay người cần dù là giá trị nhỏ.

Tiến sĩ Trần Tuấn Anh – Đồng sáng lập và CEO của Solano Energy cho rằng, phát triển năng lượng xanh là nền tảng để phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện CSR hướng tới phát triển bền vững thông qua phát triển hệ thống năng lượng tái tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam chưa phát triển rộng rãi. Đồng thời cho rằng có thể chia đối tượng sử dụng hướng đến năng lượng xanh thành 03 nhóm: Nhóm tối ưu chi phí; nhóm muốn sử dụng nguồn năng lượng chủ động, không phụ thuộc vào điện lưới quốc gia; nhóm đặt hàng vì tiêu chí xuất khẩu sang thị trường châu Âu với các chứng chỉ về năng lượng xanh. Đặc biệt, đánh giá dưới góc độ kinh tế, do yếu tố tài chính, các doanh nghiệp còn phải cân đối chi phí cho việc sử dụng nguồn năng lượng xanh. Do đó, động lực sử dụng năng lượng xanh của từng nhóm đối tượng là khác nhau, không thể thống nhất và có giải pháp chung.

Nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn hoạt động CSR một cách âm thầm và nhiều doanh nghiệp cũng thông qua hoạt động CSR để lan tỏa tinh thần thiện nguyện, tinh thần dấn thân vì cộng đồng, thúc đẩy mô hình kinh doanh bền vững, hoạt động kinh doanh không gây hại cho các thiết chế xã hội, không làm suy giảm phúc lợi của các thế hệ tương lai… Qua đó, cải thiện hình ảnh, thương hiệu và góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN