Bình Dương phát huy nội lực, phát triển giáo dục từ mầm non đến đại học
(ĐCSVN) - Với những nỗ lực không ngừng của chính quyền và sự đồng hành của các nhà đầu tư, Bình Dương đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, với hệ thống giáo dục và y tế chất lượng cao.
Lãnh đạo tỉnh trao học bổng “Tiếp sức đến trường" cho học sinh con công nhân. (Ảnh: Phượng Châu) |
Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục và y tế tại Bình Dương đã đạt được những kết quả đáng kể. Toàn ngành Giáo dục và Đào tạo có 732 trường, trong đó, có 336 trường ngoài công lập, chiếm gần 46% tổng số cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, tỉnh hiện có 3 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập với tổng vốn đầu tư khoảng 2.270 tỷ đồng.
Đến nay, tỷ lệ công trình trường học trên địa bàn tỉnh được lầu hóa đạt gần 83%. Toàn tỉnh có 19 công trình trường học được cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây mới phục vụ năm học 2024 - 2025 với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng.
Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, bảo đảm các yêu cầu cần đạt theo quy định… Tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm; chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường, bảo đảm không có trường hợp nào được cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường…
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Bộ tiêu chí Trường học thông minh và thực hiện thí điểm tại 7 trường, gồm 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 1 trường THPT. Mô hình trường học hạnh phúc là quyết tâm lớn của ngành giáo dục Bình Dương, truyền đi tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực không ngừng đổi mới, để đáp ứng tốt hơn những yêu cầu mà xã hội đang đặt ra. Ở Bình Dương, TP.Thủ Dầu Một là đơn vị được chọn triển khai thí điểm mô hình trường học hạnh phúc và đã đạt nhiều kết quả khả quan. Ngành giáo dục đào tạo TP.Thủ Dầu Một tiếp tục xem việc tạo dựng trường học hạnh phúc là nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2024 - 2025.
Toàn ngành đã tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng và tổ chức thi chọn học sinh giỏi dự thi cấp tỉnh và đội tuyển dự thi cấp quốc gia, cụ thể: kết quả thi học sinh giỏi THCS cấp tỉnh, có 600 học sinh đạt giải (11 giải Nhất, 52 giải Nhì, 103 giải Ba và 434 giải Khuyến khích; tăng 144 giải so với năm học 2022-2023). Tháng 3/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Bình Dương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ học sinh trúng tuyển, nhập học vào đại học, cao đẳng với tỉ lệ 80,61% (thành tích liên tiếp 2 năm liền).
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa và Bằng khen cho tập thể, giáo viên có thành tích giảng dạy học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi của năm học 2023 - 2024. (Ảnh: Phượng Châu) |
Kết quả thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh, có 382 học sinh đạt giải (13 giải Nhất, 34 giải Nhì, 79 giải Ba và 256 giải Khuyến khích; tăng 77 giải so với năm học 2022-2023); kết quả Kỳ thi chọn Học sinh giỏi quốc gia đạt 42 giải (06 Giải Nhì, 12 giải Ba, 24 giải Khuyến khích; tăng 11 giải so với năm học 2022-2023); tỉnh Bình Dương có 01 học sinh được triệu tập tham gia Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic khu vực và quốc tế năm học 2023-2024 (môn Hóa học)…
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thành công Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh đối với trung học (có 13 giáo viên cấp THPT và 31 giáo viên cấp THCS được công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi); Cuộc thi Olympic tiếng Anh cấp THCS và THPT (khen thưởng 20 em học sinh xuất sắc nhất của hai cấp học); Cuộc thi Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh (khen thưởng học sinh và giáo viên hướng dẫn của 32 dự án đạt giải); chọn cử 02 dự án xuất sắc từ cuộc thi cấp tỉnh tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023- 2024, kết quả có 01 dự án đạt giải Tư; Cuộc thi Olympic các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội (trao giải cho 36 cá nhân và 06 giải đồng đội); tổ chức thành công Kỳ thi chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm học 2024-2025 (Vòng 1) và Kỳ thi chọn học sinh giỏi THCS cấp tỉnh năm học 2023-2024...
Hiện nay, toàn tỉnh Bình Dương có 91/91 xã, phường, thị trấn có trường mầm non và tiểu học; 76/91 xã, phường, thị trấn có trường trung học cơ sở, đạt tỷ lệ 83,52%; 9/9 huyện, thành phố có trường trung học phổ thông; ngoài ra có 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Bồi dưỡng nghiệp vụ (GDTX và BDNV) tỉnh và 6 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện, thành phố.
Cuối năm học 2023-2024, toàn ngành GD&ĐT tỉnh có 728 trường, trung tâm (381 cơ sở giáo dục công lập, 347 cơ sở giáo dục ngoài công lập); trong đó, mầm non: 441; tiểu học: 156; THCS: 84; THPT: 40; 1 Trung tâm GDTX và BDNV tỉnh và 6 trung GDNN- GDTX huyện, thành phố.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 682 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục có quy mô trên 7 trẻ và 124 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục có quy mô tối đa 7 trẻ; 3 trường có vốn đầu tư nước ngoài (Trường Quốc tế Singapore tại thành phố mới Bình Dương, Trường mầm non Việt Hoa, Trường TH và THCS Việt Hoa); 8 trường đại học (trong đó có 03 trường ngoài công lập); 156 trung tâm đã được ban hành quyết định thành lập và cấp phép hoạt động theo quy định, gồm: 143 trung tâm ngoại ngữ - tin học, 06 cơ sở hoạt động giáo dục kỹ năng sống và 07 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Ngoài kết quả đạt được, Bình Dương cũng cần chế độ, chính sách phù hợp, đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực cho ngành giáo dục và đào tạo, nhất là giáo viên mầm non. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có cơ chế thông thoáng trong chính sách về đất đai phục vụ cho giáo dục, có hành lang pháp lý đủ mạnh để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia xã hội hóa giáo dục nhiều hơn để giảm bớt áp lực cho các cơ sở giáo dục công lập.
Để làm tốt chất lượng công tác giáo dục, thời gian tới, Bình Dương sẽ huy động, tập trung trí tuệ, tiếp tục phát huy nội lực, phát triển giáo dục, từ mầm non cho đến đại học. Trong đó đặc biệt đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển đồng bộ và tái cấu trúc mạnh mẽ mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo đủ hấp dẫn về làm việc, sinh sống tại Bình Dương, qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng mức độ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào quy mô tăng trưởng của tỉnh./..