Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình Dương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Thứ Năm, 03/12/2015 23:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Bình Dương, đến cuối năm 2015, tỉnh này công nhận 32 xã đạt chuẩn NTM. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, 100% xã, huyện đạt chuẩn NTM. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Bình Dương đã và đang tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.


Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần đẩy nhanh
tiến độ hoàn thành xây dựng NTM ở Bình Dương. (Ảnh: K.V)

Xác định mục tiêu xây dựng NTM là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, chương trình NTM ở tỉnh Bình Dương đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến. Đến nay, tỉnh Bình Dương đã có trên 925 ha đất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ mới và trên 103 ha sản xuất nông nghiệp đô thị. Ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch và triển khai thực hiện 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với trên 979 ha, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao là động lực để phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, từ đó tạo thuận lợi cho việc xây dựng NTM, trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã tập trung phát triển kinh tế trang trại. Hiện toàn tỉnh có 1.068 trang trại với tổng diện tích là trên 10.698 ha. Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội ở nông thôn Bình Dương cũng được quan tâm đầu tư, cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội nông thôn ngày càng phát triển, an ninh trật tự được ổn định, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn ngày càng tăng. Dự kiến đến cuối năm 2015, toàn tỉnh Bình Dương chỉ còn khoảng 2.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,6%.

Để có những bước đột phá trong chương trình xây dựng NTM, tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện “Phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao” với nhiều mô hình đã cho thu nhập cao, như: trồng cam, quýt, bưởi cho thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/năm/ha, cá biệt có hộ đạt 1 tỷ đồng/ha/năm. Riêng trồng hoa lan, phần lớn các hộ thu nhập từ 100 – 120 triệu đồng/năm/1.000 m2. Đối với chăn nuôi, hầu hết các trang trại đều đầu tư sử dụng giống mới, hệ thống chuồng lạnh, sử dụng thiết bị chăn nuôi tự động (hệ thống thức ăn, nước uống, xử lý chất thải tự động...), hạn chế dịch bệnh, giảm tiêu tốn thức ăn, chi phí lao động, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Lợi nhuận trong chăn nuôi đạt trung bình từ 100 - 120 triệu đồng/lứa, đối với đàn lợn thịt nuôi từ 900 - 1.200 con, và đàn gia cầm nuôi từ 12.000 - 15.000 con.

Ảnh minh họa: BT

Cũng theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến. Ưu tiên phát triển mạnh cây trồng, vật nuôi chủ lực như: cao su, rau an toàn, cây ăn quả đặc sản, sinh vật cảnh, bò sữa theo hình thức trang trại, chăn nuôi công nghệ cao gắn với chế biến và đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm chăn nuôi theo công nghệ hiện đại, đạt yêu cầu vệ sinh và an toàn thực phẩm. Chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào các công đoạn sản xuất để đầu tư thâm canh, tăng năng suất nông nghiệp một cách hiệu quả, chất lượng.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá lại việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn để điều chỉnh, bổ sung, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với tình hình mới. Nâng cao chất lượng lập quy hoạch, đặc biệt là các quy hoạch liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo hướng đồng bộ, ổn định lâu dài gắn với phân vùng các loại cây trồng, vật nuôi, công nghiệp chế biến để nâng cao tính cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, điều chỉnh các quy hoạch hiện có cho phù hợp với tình hình mới./.

 K.V

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN