Bình Định: Nghề trồng mai Tết giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nhàn rỗi
Đã từ lâu, thương hiệu mai vàng của tỉnh Bình Định luôn nức tiếng trên khắp mọi miền Tổ quốc mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Trong những ngày này, hoạt động mua bán hoa mai chơi Tết đang diễn ra khá tấp nập ở các vườn trồng mai thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Cùng với kỳ vọng sẽ có thêm một mùa mai vàng với thu nhập cao cho các chủ vườn thì hàng nghìn lao động ở địa phương và các vùng lân cận đang có việc làm nhờ vụ mai Tết này.
Đã thành thông lệ, từ rằm tháng 11 cho tới cuối tháng Chạp Âm lịch, những vườn trồng hoa mai ở xã Nhơn An, thị xã An Nhơn lại nhộn nhịp mua bán và lao động miệt mài. Trai tráng mạnh khoẻ thì khuân vác, vận chuyển những chậu mai Tết thành phẩm ra các bãi tập kết, rồi chuyển lên những chiếc xe tải để những cây mai xuôi Nam, ngược Bắc, đến với người thích chơi mai trong cả nước. Còn trong những khu vườn, nhiều phụ nữ đứng tuổi với đôi tay thoăn thoắt lặt từng lá mai, cọng cỏ, nhổ nọc tre hay sửa sang lại các chậu mai Tết cho sạch đẹp.
Bà Nguyễn Thị Thơ, 62 tuổi, ở phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn chia sẻ, mỗi ngày làm ở vườn mai, bà được trả 100.000 đồng tiền công. Là nông dân chính gốc nên công việc của bà chỉ bận rộn vào những ngày gieo sạ và lúc thu hoạch lúa, thời gian còn lại thì thường không có việc làm. Thêm vào đó, do lớn tuổi nên bà cũng không thể đi làm thuê ở xa như những người khác. Vì vậy, nhờ có những vườn mai Tết này mà bà có việc làm, có thêm thu nhập lo cho gia đình.
Với bà Cao Thị Hạnh, ở xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, thì kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Năm nào cũng vậy, gần đến Tết Nguyên đán, bà lại đi làm thuê cho các vườn mai trong vùng. Quy trình làm việc của bà cứ như vậy đã hơn 10 năm nay. Bà Hạnh cho biết, tính theo ngày công thì mỗi tháng bà nhận được gần 3 triệu đồng. Gắn bó với chủ vườn mai lâu năm nên bà không sợ không có công việc lúc cận Tết.
Theo ông Phan Văn Sáu, chủ vườn mai Sáu Hồng cho biết, tại vườn nhà ông trồng hơn 6.000 chậu mai Tết các loại. Để hoàn thành các công việc và cho ra các chậu mai thành phẩm trong dịp Tết, ông phải thuê liên tục 20 người làm việc trong vườn, với hàng trăm ngày công. Nếu tính toán cho khoảng 2.000 vườn mai lớn nhỏ trong xã, thì số lao động làm việc tại các vườn mai lên tới cả nghìn người.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tiền công phổ biến đối với lao động làm các công việc như dọn cỏ, nhặt lá mai, dọn vệ sinh vườn trồng khoảng từ 100.000 đến 120.000 đồng/ngày. Các công việc nặng hơn như khuân vác, vận chuyển mai lên xe thì người có sức khoẻ có thể có thu nhập từ 400.000 đến 500.000 đồng/ngày.
Ông Nguyễn Tấn Đức, Chủ tịch UBND xã Nhơn An cho biết, kể từ khi được công nhận nhãn hiệu mai vàng tập thể, số gia đình trồng mai ở địa phương không ngừng tăng lên. Bên cạnh việc tạo được nguồn thu nhập ổn định cho người trồng mai thì nghề này còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và những vùng lân cận. Không chỉ các công việc cần thuê người làm trước Tết, mà ngay sau Tết, nhu cầu sử dụng lao động ở các vườn mai cũng rất nhiều với các công việc như dọn dẹp, cải tạo lại vườn mai, làm đất, thay chậu để chuẩn bị cho niên vụ mai Tết tiếp theo. Hơn nữa, nghề trồng mai còn kéo theo nhiều ngành nghề phụ khác hình thành tại địa phương và tạo công ăn việc làm cho nhiều người…
Theo số liệu thống kê sơ bộ của xã Nhơn An, tới thời điểm này, người trồng mai trong xã đã bán một lượng mai tương đối và đạt doanh thu hơn 8 tỷ đồng. Với nhu cầu chơi mai ngày càng nhiều, người trồng mai trong xã hy vọng doanh số bán mai trong dịp tết Bính Thân sẽ vượt mốc 17 tỷ đồng của Tết năm trước. Nghề trồng mai thực sự có đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Và Mai vàng Nhơn An không chỉ góp hương sắc cho mùa Xuân mà còn giúp cho nhiều gia đình thêm yên ấm, an vui trong dịp Tết đến, Xuân về./.