Bình Định: Kiểm tra trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh
(ĐCSVN)- UBND tỉnh Bình Định giao UBND các huyện, thị xã, thành phố có hoạt động giao thông đường thủy nội địa tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động, người điều khiển không có bằng chứng chỉ chuyên môn, hành khách không mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy theo đúng quy định…
UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Văn bản số 5453/UBND-KT về việc kiểm tra trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến, điểm đón trả khách và phương tiện không đảm bảo điều kiện hoạt động, không giao phương tiện cho người chưa có bằng chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện theo quy định.
Hành khách đi đò không mặc áo phao tại bến đò Hàm Tử (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) - Ảnh: H.N |
Sở Giao thông vận tải sớm hoàn thiện Đề án phát triển giao thông đường thủy nội địa từ nay đến năm 2020, trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện, đồng thời kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bến thủy nội địa; phối hợp với các cơ quan có liên quản lý chặt chẽ công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, hướng dẫn các địa phương xây dựng bến thủy nội địa và cấp phép hoạt động theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; tiếp tục mở các lớp đào tạo Bằng, chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện thủy nội địa và thông báo rộng rãi cho người dân có nhu cầu đăng ký học.
Công an tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý kiên quyết các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động, không đảm bảo an toàn, người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn, hành khách không mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy nội địa,… theo đúng quy định. Yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức quản lý chặt chẽ công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý theo quy định đối với các phương tiện thủy nội địa vi phạm an ninh, an toàn đường thủy nội địa.
Sở Du lịch xem xét tổ chức các lớp đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ du lịch và cứu đắm cho các cơ sở, chủ phương tiện hoạt động kinh doanh du lịch trên các tuyến đường thủy; tăng cường kiểm tra các đơn vị Lữ hành, yêu cầu cam kết ký hợp đồng vận chuyển hành khách bằng đường thủy nội địa với các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
Giao UBND thành phố Quy Nhơn thành lập các mô hình hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy nội địa nhằm quản lý tập trung các cá nhân tham gia vận chuyển hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn, nhất là hình thức vận chuyển khách du lịch tự phát như hiện nay; xây dựng đề án quản lý, phát triển giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Quy Nhơn để phục vụ nhu cầu phát triển du lịch, gửi các cơ quan chức năng tham gia ý kiến và hoàn chỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có hoạt động giao thông đường thủy nội địa tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động, người điều khiển không có bằng chứng chỉ chuyên môn, hành khách không mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy theo đúng quy định; quản lý chăt chẽ các phương tiện đã đình chỉ hoạt động và kiên quyết nghiêm cấm, loại bỏ các phương tiện tàu cá hoán cải để chở khách; đầu tư xây dựng các bến thủy nội địa đủ điều kiện để cấp phép hoạt động…, đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra TNGT đường thủy nội địa trên địa bàn, nhất là các tuyến vận chuyển hành khách ngang sông.
Trước mắt, các địa phương đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng bến trên những tuyến đường thủy nội địa phục vụ dân sinh như tuyến Hàm Tử - Hải Minh; Hải Cảng - Nhơn Châu; Vinh Quang 2 - Cồn Chim; Canh Liên - Nhơn Tân.
Đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường phối hợp, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa, nhất là các phương tiện tàu cá, phương tiện không có đăng kiểm, đăng ký đã đình chỉ hoạt động nhưng vẫn còn tham gia vận chuyển khách phải cưỡng chế, neo đậu không được tham gia giao thông; tổng hợp báo cáo đề xuất UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa./.