Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Biến thể Omicron tiếp tục đe dọa thế giới

Chủ Nhật, 19/12/2021 08:56 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bên cạnh những thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19, thế giới tuần qua (13-19/12) cũng ghi nhận một loạt các sự kiện đáng chú ý: Iran và các nước tiếp tục đàm phán hạt nhân; NATO kêu gọi giảm leo thang căng thẳng Nga-Ukraine; Ngoại trưởng Mỹ lần đầu công du Đông Nam Á; IMF thông báo rút khỏi Brazil,

WHO: Không nên “xem nhẹ” biến thể Omicron

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters)  

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 14/12 cảnh báo biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lây lan với mức độ chưa từng thấy, đồng thời hối thúc các nước sớm hành động. 

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, tính đến nay, Omicron đã xuất hiện tại 77 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông cho rằng biến thể "có thể" đã lan rộng đến hầu hết các quốc gia mà không bị phát hiện "với tốc độ chưa từng thấy"  ở bất kỳ biến thể nào của SARS-CoV-2. 

Ông Tedros cảnh báo rằng, chỉ riêng việc tiêm phòng vaccine sẽ không thể bảo vệ các quốc gia trước sự tấn công của biến thể Omicron, vì vậy cần phải thực hiện tốt tất cả các biện pháp khác như giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay,…

Theo người đứng đầu WHO, trong 10 tuần qua, cơ chế COVAX đã vận chuyển số lượng vaccine nhiều hơn 9 tháng đầu năm cộng lại, trong một nỗ lực nhằm giúp các nước tiếp cận tốt hơn với vaccine ngừa COVID-19. Thống kê cho thấy, có tới 41 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng chưa tới 10% dân số, trong khi có 98 quốc gia khác chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng 40% dân số.

Omicron lần đầu tiên được phát hiện tại Nam Phi và báo cáo lên WHO vào ngày 24/11. Các dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể này có khả năng kháng các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có và thậm chí có khả năng lây nhiễm dễ dàng hơn biến thể Delta, được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ và đang là biến thể lây nhiễm chủ đạo trên toàn thế giới. Hiện giới khoa học đang nỗ lực tìm hiểu thêm về Omicron để có những khuyến cáo chính xác về nguy cơ lây nhiễm cũng như độc lực của biến thể này.

Iran và các nước tiếp tục đàm phán hạt nhân

Các đại biểu tham gia vòng đàm phán về khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran
ở Vienna, Áo. (Ảnh: IRNA) 

Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn diễn ra tại thủ đô Vienna (Áo) trong ngày 17/12 (giờ địa phương) trước khi tạm dừng trong vài ngày.

Trưởng đoàn đàm phán Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Ali Bagheri Kani đã gặp Đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) Enrique Mora và đại diện các phái đoàn khác vào ngày 16/12 để đánh giá tình hình và thảo luận các biện pháp giúp quá trình thương thảo đạt kết quả. “Việc đàm phán giữa các bên đã đạt được tiến triển trong tuần này. Dự kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận sau vài ngày tạm nghỉ”, Trưởng đoàn đàm phán Iran viết trên trang Twitter cá nhân.

Mặc dù, phía Iran không tiết lộ thời điểm cụ thể nối lại đàm phán, nhưng một số nguồn thông tin dự đoán, các bên sẽ gặp lại nhau vào ngày 27/12 tới đây, hoặc có thể là vào giai đoạn giữa Giáng sinh và năm mới.

Hãng thông tấn FARS của Iran ngày 16/12 cho hay, Tehran đã gửi cho Mỹ một bản đề nghị gồm 12 điểm liên quan đến chương trình hạt nhân Iran và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ sau khi Nhà Trắng gửi hai văn bản không chính thức cho dự thảo thỏa thuận về các vấn đề này tới chính quyền nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Trước đó, ngày 12/12, ông Ali Bagheri Kani cho biết đã đạt được tiến triển “tốt đẹp” trong những cuộc thảo luận với các cường quốc tại Vienna, có khả năng nhanh chóng mở đường cho những cuộc đàm phán nghiêm túc về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân "Kế hoạch Hành động chung toàn diện” (JCPOA) ký năm 2015.

NATO kêu gọi giảm leo thang căng thẳng Nga-Ukraine

 Binh sĩ Nga trong một cuộc tập trận tại vùng Rostov giáp với Ukraine ngày 10/12.
(Ảnh: Reuters)

Ngày 16/12, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kêu gọi giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraine, đồng thời đề xuất đàm phán với Nga. 

Trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Brussels (Bỉ), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh con đường ngoại giao để chấm dứt khủng hoảng hiện nay giữa Moskva và Kiev. Ông cảnh báo bất cứ hành động leo thang nào cũng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Về phần mình, Tổng thống Zelenskiy khẳng định ủng hộ một giải pháp hòa bình, nhấn mạnh “đàm phán theo thể thức ngoại giao sẽ thành công". 

Lãnh đạo nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những tuyên bố trên. Phát biểu bên lề một hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel kêu gọi tiến hành một cuộc đối thoại mở giữa tất cả các bên liên quan nhằm làm dịu căng thẳng tại khu vực. 

Trước đó, trong các cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 13/12 và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto ngày 14/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiến hành đàm phán ngay lập tức về các thỏa thuận pháp lý quốc tế rõ ràng đối với việc NATO mở rộng hiện diện về phía Đông và triển khai vũ khí ở các nước láng giềng của Nga, đặc biệt là Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ lần đầu công du Đông Nam Á

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên máy bay, lần đầu công du Đông Nam Á. (Ảnh: Reuters )

Ngày 13/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á với điểm dừng dân đầu tiên tại Indonesia. Đây là chuyến công du đầu tiên đến Đông Nam Á của Ngoại trưởng Blinken kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền vào đầu năm nay.

Tại thủ đô Jakarta, Ngoại trưởng Blinken đã có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với Indonesia trong hợp tác song phương, từ lĩnh vực từ kinh tế, cơ sở hạ tầng cho đến y tế, đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo kế hoạch ban đầu, ông Blinken và phái đoàn Mỹ sẽ công du tới 3 nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15/12 thông báo, Ngoại trưởng Antony Blinken đã bất ngờ rút ngắn lịch trình thăm các nước Đông Nam Á, sau khi một phóng viên tháp tùng đoàn có xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào chiều ngày 15/12 tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia và phóng viên này đã được cách ly.

Về việc rút ngắn lịch trình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng quyết định được đưa ra nhằm giảm thiểu nguy cơ từ dịch bệnh, ưu tiên đảm bảo an toàn và sức khỏe cho các bên liên quan.

Ông Blinken đã điện đàm với người đồng cấp Thái Lan và bày tỏ sự tiếc nuối vì phải rút ngắn lịch trình chuyến thăm. Như vậy, ngoại trưởng Mỹ ngừng chuyến công du sau khi đến Indonesia và Malaysia.

IMF thông báo rút khỏi Brazil 

Trụ sở của Sàn Giao dịch chứng khoán của thành phố Sao Paulo, Brazil. (Ảnh: AFP) 

Ngày 16/12, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo sẽ đóng cửa văn phòng tại Brazil, một ngày sau khi Bộ trưởng Kinh tế Brazil Paulo Guedes chỉ trích gay gắt những dự báo của tổ chức tài chính này về nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh.

Theo thông báo, IMF sẽ đóng cửa văn phòng đại diện ở thủ đô Brasilia khi văn phòng này hết nhiệm kỳ vào ngày 30/6/2022. Động thái này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Kinh tế Brazil Guedes cho rằng IMF đã quá bi quan trong các dự báo về Brazil và tổ chức tài chính quốc tế này không còn được chào đón nữa. Ông Guedes nêu rõ IMF dự báo năm 2020 kinh tế Brazil giảm 9,7% và kinh tế Anh giảm 4%, nhưng thực tế đảo ngược, kinh tế Brazil giảm 4% trong khi kinh tế Anh giảm 9,7%.

IMF mở văn phòng tại Brazil vào năm 1999, khi quốc gia này đề nghị IMF trợ giúp tài chính nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Chương trình trợ giúp đã kết thúc vào năm 2005 nhưng IMF duy trì văn phòng để "tạo điều kiện cho đối thoại". Tuy nhiên, trong phát biểu mới, ông Guedes cho rằng điều này không còn cần thiết nữa./.

PV (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN