Biến động giá dầu và những ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị
(ĐCSVN) – Tâm điểm của bối cảnh toàn cầu là sự biến động của giá dầu có mối liên hệ chặt chẽ với các động lực địa chính trị hiện tại. Các sự kiện gần đây ở Trung Đông cùng những căng thẳng tiếp diễn giữa Nga và Ukraine chính là minh họa khá rõ cho việc các cuộc khủng hoảng khu vực có thể ảnh hưởng đáng kể đến thị trường năng lượng toàn cầu như thế nào.
Giá dầu thô tăng trong hai tuần qua. (Ảnh minh họa: TL) |
Sau cuộc họp trực tuyến của các Bộ trưởng dầu mỏ và năng lượng OPEC+ ngày 2/6, tổ chức gồm 22 thành viên (12 nước OPEC và 10 nước đối tác) đã quyết định gia hạn mức cắt giảm sản lượng hiện nay ít nhất đến quý III năm nay để hỗ trợ giá dầu. 8 quốc gia OPEC+ gồm Ả Rập Xê út, Nga, Iraq, UAE, Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman đã công bố ý định kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng tự nguyện 1,65 triệu thùng/ngày (lần đầu tiên được công bố vào tháng 4/2023) cho đến hết năm 2025. Ngoài ra, 8 nước này cũng gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày (được công bố lần đầu tiên vào tháng 11/2023) cho đến cuối tháng 9/2024. Phần cắt giảm sản lượng tự nguyện này được thu hẹp dần hàng tháng cho đến cuối tháng 9/2025 nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường. Động thái này ban đầu làm giá dầu giảm trong tuần đó nhưng sau đã nhanh chóng phục hồi từ ngày 5/6.
Gần đây, giá dầu thô tăng trong hai tuần thể hiện mức tăng 7% đối với hợp đồng tương lai của dầu thô Brent và dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI). Ngày 21/6, giá dầu thô Brent kỳ hạn giao ngày 25/9 đã tăng lên mức 86,24 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 1/5, trước khi giảm mức tăng và mở cửa ở mức chỉ hơn 84 USD/thùng vào ngày 24/6. Hợp đồng tương lai WTI kỳ hạn giao ngày 4/8 đã tăng trên 82 USD/thùng lần đầu tiên kể từ ngày 30/4 vào ngày 20/6 vừa qua trước khi quay trở lại mức 80,41 USD/thùng ở mức giá mở cửa hôm 24/6.
Có thể thấy những ngày vừa qua, giá dầu tuy ban đầu có giảm nhẹ nhưng sau đó đã tăng lên mức cao nhất trong hai tháng, là do chịu tác động bởi hàng loạt cuộc khủng hoảng địa chính trị làm rung chuyển các khu vực sản xuất chính. Không thể phủ nhận những căng thẳng địa chính trị có thể làm tăng áp lực lên giá dầu.
Vụ ném bom gần đây của Israel vào Gaza nhằm đáp trả các hành động của Hamas, cũng như căng thẳng ngày càng gia tăng với Hezbollah, minh họa cho những rủi ro an ninh phổ biến trong khu vực này. Trong khi đó, các cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy Houthi vào các tàu buôn cũng phản ánh sự leo thang của cuộc xung đột vượt ra ngoài biên giới trực tiếp của các khu vực chiến tranh, ảnh hưởng gián tiếp đến các tuyến đường thương mại và dầu mỏ quan trọng. Hiệu ứng lan tỏa tiềm ẩn của cuộc xung đột một lần nữa làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn hơn nữa đối với hoạt động sản xuất và vận chuyển dầu. Rõ ràng rằng, xung đột tại các khu vực như Dải Gaza và biên giới Lebanon vẫn tiếp tục gây áp lực lên sự ổn định khu vực và toàn cầu, làm trầm trọng thêm những bất ổn trên thị trường dầu mỏ. Thực tế, kể từ tháng 12/2023, căng thẳng ở Trung Đông đã khiến giá dầu tăng cao.
Không những thế, ở châu Âu, tình hình tại Ukraine vẫn là một điểm nóng đáng kể. Các cuộc tấn công liên tục vào cơ sở hạ tầng năng lượng giữa Nga và Ukraine không chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng khu vực mà còn ảnh hưởng đến niềm tin vào thị trường năng lượng. Gần đây nhất, ngày 21/6, máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công 4 nhà máy lọc dầu, trong đó có nhà máy lọc dầu Ilsky, một trong những nhà sản xuất nhiên liệu chính ở miền Nam nước Nga. Nga cũng có động thái đáp trả bằng cách tấn công quy mô lớn vào các nhà máy điện của Ukraine. Tuyên bố với các sĩ quan của Trung tâm Điều hành Đặc biệt "A" thuộc Cơ quan An ninh Nhà nước (SBU) Ukraine hôm 24/6, Tổng thống Zelensky cho biết: "Hơn 30 nhà máy lọc dầu và kho chứa dầu của Nga đã bị tấn công".
Liên minh châu Âu cũng đã thông qua một loạt biện pháp trừng phạt chống lại Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. 27 tàu, bao gồm cả những tàu do công ty vận tải nhà nước Nga Sovcomflot điều hành, sẽ thêm vào danh sách các thực thể bị trừng phạt.
Thêm vào đó, các nhà phân tích của ANZ Research còn cho biết: “Ngoài ra, thị trường vẫn lo lắng trước cuộc bầu cử ở Iran vào cuối tuần này. Một Tổng thống không khoan nhượng có thể dẫn đến nhiều cuộc đối đầu trực tiếp hơn với Mỹ, Israel và Ả Rập Saudi”.
Cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 14 của Iran, ban đầu được ấn định vào năm 2025, đã được tổ chức sớm hơn dự kiến sau cái chết bất ngờ của Tổng thống Ebrahim Raisi trong một vụ tai nạn trực thăng vào ngày 19/5 tại tỉnh Đông Bắc Azarbaijan. Cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Iran và phương Tây về những cáo buộc nước này cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của các lực lượng dân quân thân Iran trên khắp Trung Đông cũng khiến các nước phương Tây lo ngại. Vì vậy, Tổng thống sắp bước ra từ cuộc bầu cử tới đây tại Iran sẽ là người trả lời cho câu hỏi liệu cơ chế chính trị có sẵn sàng giảm bớt căng thẳng chính trị và xã hội trong nước, mở cửa với thế giới hay sẽ duy trì các chính sách đối đầu ở nước ngoài? Và quyết sách của Iran trong tương lai chắc hẳn sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường dầu mỏ toàn cầu vì bất kỳ nguy cơ gián đoạn nguồn cung nào cũng có thể dẫn đến tăng giá.
Các nhà phân tích dự đoán rằng nếu cuộc tấn công của Iran dẫn đến một cuộc chiến tranh rộng hơn thì phí bảo hiểm rủi ro sẽ tăng 5 - 10 USD/thùng, khiến giá có thể tăng lên trên 100 USD/thùng. Ông Manish Raj, Giám đốc điều hành công ty đầu tư vào thị trường năng lượng Velandera Energy Partners, cho biết "vũ khí bí mật của Iran là khả năng phong tỏa eo biển Hormuz" - tuyến đường biển giữa vịnh Ba Tư và vịnh Oman - là điểm vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới.
Thực tế, nguy cơ về một cuộc đối đầu rộng lớn hơn làm trầm trọng thêm mức độ bất ổn vốn đã dai dẳng trong khu vực Trung Đông, cùng với diễn tiến của cuộc đối đầu kéo dài giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc… đều làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp dầu mỏ tại khu vực và trên thế giới, tiềm ẩn nguy cơ có thể đẩy thị trường vào một cơn khủng hoảng mới./.