Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Biến đổi khí hậu khiến cháy rừng tăng mạnh trong giai đoạn 2023-2024

Thứ Tư, 14/08/2024 15:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Biến đổi khí hậu khiến tình trạng cháy rừng ở Canada và một số khu vực Amazon vào năm ngoái đã cao hơn ít nhất 3 lần so với thường lệ và góp phần làm tăng lượng khí thải CO2 từ các hoạt động phát thải trên phạm vi toàn thế giới.

Tác động sức khỏe từ các vụ cháy rừng xảy ra năm 2023 sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều thập kỷ. (Ảnh: Noah Berger/AP)

Đây là thông tin đáng quan ngại được đưa ra trong một nghiên cứu đánh giá hệ thống mới thường niên lần đầu tiên đăng trên trên tạp chí Earth System Science Data ngày 14/8.

Nghiên cứu này mang tên “Tình hình cháy rừng” do Đại học East Anglia và một số tổ chức có trụ sở tại Anh thực hiện và dự kiến sẽ được cập nhật hằng năm. Nghiên cứu đưa ra đánh giá về các vụ cháy rừng cực đoan trong mùa cháy giai đoạn 2023–2024 (từ tháng 3/2023 đến tháng 2/2024), đồng thời giải thích nguyên nhân và đánh giá về khả năng dự báo của các vụ cháy. Nghiên cứu cũng đánh giá rủi ro của các vụ việc tương tự sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai theo các kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau.

Nghiên cứu chỉ rõ, khí thải carbon từ các vụ cháy rừng trên toàn cầu đã cao hơn 16% so với mức trung bình, tổng cộng là 8,6 tỷ tấn carbon dioxide. Trong khi đó, lượng khí thải từ các vụ cháy rừng phương bắc Canada cao gấp 9 lần mức trung bình của 2 thập kỷ qua và đóng góp gần 1/4 lượng khí thải toàn cầu.

Không chỉ tạo ra lượng khí thải CO2 lớn, các vụ cháy ở Canada đã khiến hơn 230.000 người phải sơ tán và 8 lính cứu hỏa đã thiệt mạng. Một số lượng lớn các đám cháy cũng được ghi nhận ở các vùng phía Bắc Nam Mỹ, đặc biệt là ở bang Amazonas của Brazil và các khu vực lân cận của Bolivia, Peru và Venezuela. Điều này khiến khu vực Amazon bị liệt vào một trong những xếp hạng chất lượng không khí tệ nhất trên hành tinh.

Trong khi đó, các vụ cháy rừng riêng lẻ bùng phát dữ dội và lan rộng nhanh chóng ở Chile, Hawaii và Hy Lạp đã lần lượt gây ra 131, 100 và 19 ca tử vong trực tiếp. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong số nhiều vụ cháy rừng để lại những tác động mạnh mẽ đến xã hội, nền kinh tế và môi trường trên toàn thế giới.

Tác động đến sức khỏe từ các vụ cháy rừng xảy ra trong năm 2023 cũng sẽ tiếp tục được cảm nhận trong nhiều thập kỷ. Carbon dioxide từ các vụ cháy rừng là nguồn phát thải khí nhà kính ngày càng tăng trên toàn cầu, đạt khoảng 8,6 tỷ tấn vào năm ngoái, cao hơn đáng kể so với lượng phát thải hàng năm 4,8 tỷ tấn từ mọi nguồn phát thải của Mỹ. Tuy nhiên, tác động của các vụ cháy có thể sẽ giảm đi nhờ sự tái sinh của thảm thực vật hấp thụ carbon từ khí quyển.

Tác giả nghiên cứu Matthew Jones của Đại học East Anglia nêu rõ năm ngoái, cháy rừng đã gây thiệt hại lớn về người và cơ sở vật chất, dẫn đến sơ tán trên diện rộng, đe dọa đến sinh kế và hủy hoại hệ sinh thái. “Biến đổi khí hậu khiến cháy rừng gia tăng cả về tần suất và cường độ, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và môi trường” – ông Jones nói.

Theo đánh giá của ông Jones, việc mất trữ lượng carbon từ các khu rừng phương Bắc ở Canada và các khu rừng nhiệt đới ở Nam Mỹ sẽ tác động lâu dài đến khí hậu của trái đất. Rừng mất hàng thập kỷ đến hàng thế kỷ để phục hồi sau những xáo trộn do cháy rừng, nghĩa là những năm cháy rừng cực độ như 2023–2024 sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lưu trữ carbon kéo dài trong nhiều năm tới.

"Ở Canada, lượng khí thải carbon từ cháy rừng trong gần một thập kỷ đã được ghi nhận trong một mùa cháy rừng duy nhất - hơn 2 tỷ tấn CO2… Điều này làm tăng nồng độ CO2 trong khí quyển và làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu" – tác giả nghiên cứu chỉ rõ.

Biến đổi khí hậu khiến mùa cháy rừng 2023–2024 trở nên khắc nghiệt hơn

 Lính cứu hỏa cố gắng dập tắt đám cháy rừng ở làng Varnavas, gần thủ đô Athens (Hy Lạp) ngày 11/8/2024. (Ảnh: Reuters)

Ngoài việc lập danh mục các vụ cháy có tác động lớn trên toàn cầu, nghiên cứu tập trung vào việc giải thích nguyên nhân gây ra mức độ cháy rừng cực độ ở ba khu vực: Canada, miền Tây Amazon và Hy Lạp.

Thời tiết cháy rừng - đặc trưng bởi điều kiện nóng, khô thúc đẩy cháy rừng, đã thay đổi đáng kể ở cả ba khu vực trọng tâm nói trên khi so sánh với điều kiện không có biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu khiến thời tiết dễ gây cháy rừng trong giai đoạn 2023–2024 có nguy cơ xảy ra cao hơn ít nhất 3 lần ở Canada, cao hơn 20 lần ở Amazonia và cao gấp đôi ở Hy Lạp.

Theo đánh giá của Tiến sỹ Chantelle Burton - nhà khoa học khí hậu cấp cao tại Met Office thì gần như chắc chắn rằng các đám cháy lớn hơn trong các vụ cháy rừng năm 2023 ở Canada và Amazon là do biến đổi khí hậu.

"Chúng ta đã thấy tác động của biến đổi khí hậu đối với các kiểu thời tiết trên toàn thế giới và điều này đang phá vỡ các chế độ cháy thông thường ở nhiều khu vực. Điều quan trọng đối với nghiên cứu về các vụ cháy là tìm hiểu cách biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cháy, điều này cung cấp thông tin chi tiết về cách hiện tượng này có thể thay đổi thêm trong tương lai" – Tiến sỹ Burton lý giải.

Các mô hình khí hậu được sử dụng trong nghiên cứu cho thấy tần suất và cường độ của cháy rừng cực đoan sẽ tăng vào cuối thế kỷ, đặc biệt là trong các kịch bản tương lai khi lượng khí thải nhà kính vẫn ở mức cao. Nghiên cứu chỉ ra rằng đến năm 2100, theo kịch bản phát thải khí nhà kính từ trung bình đến cao (SSP370), các vụ cháy rừng có quy mô tương tự như mùa cháy rừng 2023–2024 sẽ trở nên phổ biến hơn gấp 6 lần ở Canada. Nguy cơ xảy ra một mùa cháy rừng cực đoan ở Amazon tương tự như giai đoạn 2023-2024 có thể cao hơn gần gấp 3 lần. Tương tự như vậy, những năm có các vụ cháy rừng ở quy mô như những vụ cháy đã xảy ra ở Hy Lạp trong giai đoạn 2023–2024 được dự đoán sẽ tăng gấp đôi về tần suất.

Tiến sĩ Douglas Kelley - nhà khoa học cháy rừng cấp cao tại Trung tâm Sinh thái và Thủy văn Vương quốc Anh, cho biết: "Chừng nào lượng khí thải nhà kính còn tiếp tục tăng thì nguy cơ xảy ra cháy rừng nghiêm trọng sẽ còn gia tăng".

Kịch bản gia tăng khả năng xảy ra các vụ cháy rừng cực đoan trong tương lai, ở quy mô tương tự như giai đoạn 2023–2024, có thể được giảm thiểu bằng cách giảm phát thải khí nhà kính. Việc tuân theo kịch bản phát thải thấp (SSP126) có thể hạn chế khả năng xảy ra các vụ cháy rừng cực đoan trong tương lai.

Ở phía Tây Amazon, tần suất xảy ra các vụ cháy như trong giai đoạn 2023–2024 được dự đoán sẽ không lớn hơn vào năm 2100 so với thập kỷ hiện tại theo kịch bản phát thải thấp. Ở Canada, sự gia tăng trong tương lai về tần suất các vụ cháy rừng cực đoan được giảm từ hệ số 6 xuống hệ số 2, trong khi ở Hy Lạp, mức tăng bị giới hạn ở 30%.

Tiến sĩ Kelley cảnh báo, dù chúng theo đuổi kịch bản phát thảo nào thì nguy cơ cháy rừng cực đoan sẽ gia tăng ở Canada. Qua đó ông nhấn mạnh rằng xã hội con người không chỉ phải cắt giảm phát thải mà còn phải thích ứng với những rủi ro cháy rừng đang thay đổi.

"Những dự báo này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải nhanh chóng cắt giảm khí thải nhà kính và quản lý thảm thực vật để giảm nguy cơ và tác động của cháy rừng ngày càng nghiêm trọng đối với xã hội và hệ sinh thái" – Tiến sỹ Kelly nhấn mạnh./.

T.Lan (Theo theguardian, phys.org)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN