Bí thư chi bộ, người có uy tín Vàng Xín Dư tận tụy, hết lòng vì quê hương
(ĐCSVN) - Ông Vàng Xín Dư sinh ra và lớn lên ở thôn Lò Suối Tủng, xã Tả Ván (Quản Bạ), là một đảng viên, cán bộ hưu luôn tận tụy với công việc của thôn, xóm; đồng hành cùng chính quyền địa phương trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ hủ tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với ước mong xây dựng quê hương mình ngày càng giàu đẹp, tiến bộ, văn minh.
Ông Vàng Xín Dư (giữa), người có uy tín ở xã Tả Ván (Quản Bạ) trao đổi công việc với lãnh đạo xã. |
Ông Vàng Xín Dư sinh năm 1957, là người dân tộc Mông ông Dư đã có 40 năm tuổi Đảng, từng làm cán bộ xã, huyện và tỉnh. Năm 2011 ông được nghỉ hưu nhưng với tình yêu quê hương không để người dân quê mình đói nghèo, ông xác định tiếp tục cống hiến sức lực cho công việc của thôn, xã với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn Lò Suối Tủng; từ năm 2015 đến nay, được bầu là người có uy tín của xã. Năm 2017, ông được lãnh đạo huyện, xã tìm đến bàn bạc, yêu cầu triển khai tốt việc bảo tồn văn hóa dân tộc Mông, chống các hủ tục trong việc cưới, việc tang, cụ thể: Phải đưa người chết vào áo quan, không để đám tang kéo dài nhiều ngày. Tuyên truyền cho nhân dân thực hiện tốt Luật Hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, không ép hôn, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không thách cưới dưới mọi hình thức, ăn ở hợp vệ sinh, phấn đấu 65% hộ gia đình thực hiện.
Ông Dư chia sẻ: “Trong xã có 10 dòng họ dân tộc Mông chung sống, trước đây khi chưa bắt tay vào thực hiện việc đưa người chết vào áo quan thì ai cũng cảm thấy rất khó. Khó khăn đầu tiên là do nhận thức, trình độ dân trí của nhân dân thấp, ngày xưa người ta tương truyền rằng người Mông chết mà cho vào áo quan là thế hệ sau ngu đần nên không ai dám cho vào. Thứ hai là anh em ở xa đến thì không nhìn thấy mặt. Khi đưa đến huyệt phải cắt quần áo, vải vóc theo truyền thuyết có từ ngày xưa”.
Khi có chủ trương của cấp trên, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết lãnh, chỉ đạo các chi bộ thôn tổ chức thực hiện. Nghị quyết được triển khai quyết liệt ngay từ đầu, các chi bộ và đảng viên đều đồng tình ủng hộ. Năm 2017, có gia đình đầu tiên thực hiện đưa người chết vào áo quan. Các đồng chí trong chi bộ thôn, lãnh đạo xã đã cùng xuống giúp đỡ, hướng dẫn gia đình tổ chức nghi thức tang ma gọn nhẹ, sạch sẽ. Khi có 1 dòng họ thực hiện trước rồi thì cảm thấy khá dễ, công tác tuyên truyền không còn vất vả nữa, bởi người dân đã trực tiếp nhìn thấy, làm được như vậy vừa đỡ tốn kém, không mất vệ sinh môi trường, có ban tang lễ lo liệu hậu sự cho gia đình. Ông Dư phấn khởi nói: “Vừa rồi có đám tang ở thôn Chúng Chải, tôi đi dự thấy họ làm rất tốt. Có các đồng chí Bí thư, Chủ tịch xã tham dự, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cũng đến dự để xem cách làm thế nào, nhân dân làm tốt, ăn uống sạch sẽ”.
Ông Vàng Séo Páo, một đảng viên ở thôn Lò Suối Tủng, chia sẻ: “Thủ tục lạc hậu có từ lâu đời ở vùng biên này rồi, làm được đợt này đối với xã Tả Ván là một cuộc cách mạng, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo quyết liệt nên cán bộ, đảng viên chấp hành tốt, bà con ủng hộ. Trong cả quá trình từ ngày đầu đến giờ không có dòng họ nào chống đối hay không ủng hộ cả. Hiện nay 9 dòng họ khi có người mất đã đưa vào áo quan, những dòng họ còn lại tiếp tục thực hiện theo những dòng họ trước đã làm”.
Để thực hiện việc đưa người chết vào áo quan, xã Tả Ván mở một lớp khèn, mời thầy ở Vị Xuyên đến dạy bài khèn đưa vào áo quan. Ông Dư cho biết thêm: “Xã Tả Ván làm đầu tiên và đi dạy cho một số xã trong huyện. Đầu tiên có một gia đình đảng viên thực hiện trước, một thời gian sau không thấy vấn đề gì xảy ra, mình lấy đó để đi tuyên truyền, cùng là người Mông họ này làm được thì họ khác cũng làm được. Bây giờ không phải đi vận động nữa. Trước đây treo người chết lên trên nhà, chưa mang đi chôn, thối rữa, bà con đến viếng cũng không chịu được, như thế mất vệ sinh, bà con ốm đau nhiều. Nói rõ với bà con là người Kinh, Tày… làm từ lâu rồi, người ta vẫn phát triển. Thời gian làm đám tang không được quá 48 tiếng, ở lâu càng tốn kém, anh em ở lâu phải thịt trâu, bò nhiều, có những đám thịt 40 con lợn. Gia đình đã nghèo rồi lại còn đi vay mượn về rất là khó khăn”. Nhờ mô hình điểm ở xã Tả Ván thực hiện thành công đã góp phần lan tỏa, tạo hiệu ứng cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quản Bạ thực hiện. Đến nay, Quản Bạ là một trong những huyện có nhiều cách làm hay trong việc thực hiện Chỉ thị số 09 - CT/TU của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về bài trừ hủ tục trong đồng bào các dân tộc.
Đảng viên Vàng Xín Dư có nhiều hiến kế quan trọng cho cấp ủy, chính quyền xã tại các Hội nghị. Ảnh: Hoàng Chính |
Với vai trò người có uy tín của xã, khi có những việc phức tạp ở thôn, bản thân ông Dư cũng tham gia như việc giải hòa, giải thích chủ trương bằng tiếng Mông. Ông chia sẻ: “Bà con biết ít tiếng phổ thông nên mình phải giải thích chủ trương, nghị quyết bằng tiếng Mông người ta mới hiểu và chấp hành tốt được. Tảo hôn cũng là một tệ nạn trước đây ở xã nhiều. Quá trình đi tuyên truyền, tôi cũng tham gia vận động bà con không cho các cặp chưa đủ tuổi lấy nhau”. Bên cạnh đó, ông Dư còn là tấm gương về việc phát triển kinh tế gia đình, với việc chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà... cho thu nhập khá. Với sự miệt mài, cống hiến sức lực của mình cho sự phát triển chung của bản làng, ông Dư luôn là tấm gương sáng để mọi người dân noi theo, góp sức vào xây dựng vùng biên ngày một ấm no, vững chắc./.