Bí quyết làm nên vẻ đẹp của người phụ nữ Thái
(ĐCSVN) - Dân tộc Thái là một trong những dân tộc có kho tàng nghệ thuật làm đẹp, giữ gìn sắc đẹp phong phú, đặc sắc. Có thể liệt kê ra những yếu tố làm nên sự nổi trội của vẻ đẹp người phụ nữ Thái ở vùng Tây Bắc mộng mơ đó là do sinh cảnh sinh sống, không gian cư trú, biết cách làm đẹp.
Cách búi tóc của người Thái cũng đặc biệt, phân biệt được người phụ nữ có gia đình và chưa. |
Phụ nữ Thái yêu văn nghệ, chị em người Thái ai ai cũng biết múa xòe, đây là điệu múa đòi hỏi phải kết hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển, linh hoạt của nhiều động tác trên cơ thể. Trong đó, xòe hoa là đỉnh cao của vũ hội cộng đồng mường bản. Động tác múa truyền đời đã hun đúc nên vẻ đẹp tao nhã, cao sang, hấp dẫn. Điệu múa thể hiện mối cộng cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Người múa dường như đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của vùng núi Tây Bắc, quên đi những lo âu của cuộc sống vất vả hằng ngày. Đối với người phụ nữ nơi đây, nghệ thuật dân gian là một kênh làm đẹp hữu hiệu.
Ngay từ nhỏ, người con gái Thái được các bà, các mẹ dạy cách thắt “xài yêu”, một loại thắt lưng bằng vải, để lớn lên các cô đều có thân hình “eo kíu manh po” - nghĩa là thắt đáy lưng ong. Chính vì vậy khi trưởng thành, các cô gái Thái đều uyển chuyển với những đường cong tuyệt mỹ. Phải thế chăng mà phụ nữ Thái ở lứa tuổi nào cũng đều có một cơ thể cân đối hài hòa. Vẻ đẹp của các cô càng nổi bật hơn khi mặc bộ trang phục của chính dân tộc mình với chiếc áo có hàng khuy bướm bạc trước ngực làm lộ ra ngấn cổ trắng ngần. Làm cho vòng một được hào phóng nảy nở trong khuân mẫu của vẻ đẹp cơ thể kín đáo và ý nhị. Chiếc váy ôm khít vòng ba, buông chấm gót son cùng với dải khăn thắt đáy eo lưng đã làm cho thân hình cô gái Thái them thướt tha, mềm mại quyến rũ.
Phụ nữ Thái còn thường xuyên tắm suối - một hình thức mát xa da bằng dòng chảy của nước nguồn tinh khiết, lối sống sạch sẽ, vệ sinh, gần gũi với hương hoa rừng đã làm cho nước da con gái Thái trắng trẻo hơn, mềm mại hơn, mịn màng hơn.
Người phụ nữ Thái được dạy dệt vải, thêu thù và làm đẹp từ khi còn nhỏ. |
Phụ nữ Thái đặc biệt coi trọng nuôi tóc, giữ tóc, dưỡng tóc. Các cô gái ai cũng có bí kíp dưỡng da, dưỡng tóc bằng tắm gội nước lá có tinh dầu thơm. (Họ thường ủ tóc với nước gạo và gội đầu bằng nước lá chanh đun cùng lá xả). Đó là lý do vì sao đến các bản làng người Thái, đâu cũng thấy những người phụ nữ có mái tóc dài, đen mượt, chắc khỏe. Các cô gái Thái có hẳn một lễ hội gội tóc trên bến sông vào ngày giáp Tết để đón mùa xuân. Gắn liền với hình ảnh người phụ nữ dân tộc Thái là chiếc khăn Piêu đã đi vào thơ ca, chiếc khăn là tấm choàng, tấm bùa hộ mệnh bảo vệ tóc, làm đẹp tóc cho họ.
Khi người con gái dân tộc Thái ở Tây Bắc có búi tóc gọn gàng trên đỉnh đầu và một chiếc trâm bạc điểm xuyết thì đó là dấu hiệu nhận biết người phụ nữ đã có chồng – người ta gọi đó là “tẳng cẩu”. Người phụ nữ đã tẳng cẩu rồi thì không được thả tóc xuống, kể cả trong sinh hoạt hằng ngày hay lúc đi ngủ. Bởi hình thức búi tóc này thể hiện rằng tấm thân ngà ngọc này đã có chủ, đã thuộc về duy nhất một người con trai mà mình gắn bó thủy chung trọn đời. Tằng cẩu bộc lộ vẻ đoan trang phúc hậu, đúng mực và đức độ của người con gái có chồng gắn liền với trách nhiệm gia đình, họ tộc.
Từ vẻ đẹp trời cho thủa nguyên sơ ban đầu, nhờ có tri thức bản địa về nghệ thuật sống và làm đẹp, những người phụ nữ Thái Tây Bắc đã thể hiện được nét đẹp riêng, nét văn hóa truyền thống đặc sắc không lẫn với bất cứ dân tộc nào trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.