Bị loạn thị có tham gia nghĩa vụ quân sự được không?
(ĐCSVN) - Luật Nghĩa vụ quân sự là một trong những luật quan trọng, quy định trách nhiệm của công dân trong việc tham gia bảo vệ Tổ quốc. Theo các quy định hiện hành, công dân đủ tiêu chuẩn sức khỏe sẽ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, với những trường hợp đặc biệt như công dân bị loạn thị, liệu có được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự?
Ảnh minh họa. |
Theo Thông tư 105/2023/TT-BQP quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, tiêu chuẩn chung về sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự là đạt sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định.
Trong đó:
+ Loại 1: Tất cả các chỉ tiêu khám đều đạt điểm 1 - chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt;
+ Loại 2: Có ít nhất một chỉ tiêu bị điểm 2 - chỉ tình trạng sức khỏe tốt;
+ Loại 3: Có ít nhất một chỉ tiêu bị điểm 3 - chỉ tình trạng sức khỏe khá;
+ Loại 4: Có ít nhất một chỉ tiêu bị điểm 4 - chỉ tình trạng sức khỏe trung bình;
+ Loại 5: Có ít nhất một chỉ tiêu bị điểm 5 - chỉ tình trạng sức khỏe kém;
+ Loại 6: Có ít nhất một chỉ tiêu bị điểm 6 - chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.
Một trong những điểm mới quy định tại Thông tư 105/2023/TT-BQP đó chính là việc chấm điểm các bệnh về mắt.
Hiện nay, theo Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP, người bị loạn thị (bao gồm tất cả các loại) sẽ bị chấm điểm 6, tức được xếp vào nhóm sức khỏe loại 6 - không đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự.
Tuy nhiên, theo Thông tư 105/2023/TT-BQP mới ban hành, người loạn thị do sinh lý hoặc dưới 1 đi ốp sẽ được chấm 2 điểm; lớn hơn hoặc bằng 1 đi ốp sẽ được chấm 3 điểm. Trường hợp loạn thị đã phẫu thuật, hết loạn thị sẽ được chấm 3 hoặc 4 điểm tùy trường hợp.
Như vậy, với người đang loạn thị bị chấm điểm 2 mà các tiêu chuẩn sức khỏe khác không có tiêu chuẩn nào bị chấm điểm 3, 4, 5, 6 thì sẽ đạt sức khỏe loại 2, khi đó sẽ đủ điều kiện nhập ngũ bình thường.
Tương tự, với người loạn thị bị chấm điểm 3, mà các tiêu chuẩn sức khỏe khác không có tiêu chuẩn nào bị chấm điểm 4, 5, 6 thì sẽ đạt sức khỏe loại 3, khi đó sẽ đủ điều kiện nhập ngũ bình thường.
Bên cạnh loại sức khỏe, Thông tư 105/2023/TT-BQP cũng quy định không gọi nhập ngũ đối với công dân nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy được quy định tại Nghị định 57/2022 về danh mục các chất ma túy và tiền chất.
Căn cứ theo quy định nêu trên công dân bị loạn thị vẫn đi nghĩa vụ quân sự nếu đáp ứng các tiêu chuẩn theo Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.
Loạn thị là một tật khúc xạ mắt rất thường gặp, xảy ra khi hình ảnh quan sát sau khi đi vào mắt không thể hội tụ ở võng mạc, khiến mắt bị mờ. Giác mạc là bộ phận trong suốt có hình chỏm cầu nằm phía trước nhãn cầu, cho phép ánh sáng đi vào trong mắt.
Giác mạc khi không còn giữ được độ cong hoàn hảo mà bị biến dạng không đều, khiến các tia sáng đi vào mắt hội tụ ở nhiều điểm khác nhau (có thể ở phía trước hoặc phía sau võng mạc), gây ra loạn thị.
Hậu quả của loạn thị thường xảy ra với những người bị loạn thị nặng. Trong đa số các trường hợp loạn thị nhẹ dưới 1 diop sẽ không gây ảnh hưởng đến thị lực, tầm nhìn không bị hạn chế nhiều nên thường không để lại hậu quả gì nghiêm trọng.
Trường hợp loạn thị nặng trên 2 diop nếu không được can thiệp và có biện pháp khắc phục phù hợp sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống, gây ra nhiều hậu quả khó lường. Bất cứ độ tuổi nào cũng có thể phải đối diện với những biến chứng của tật loạn thị khi tật khúc xạ này tiến triển ở giai đoạn nặng.
Có thể thấy rằng Thông tư 105/2023/TT-BQP đã có những điều chỉnh quan trọng trong quy định về sức khỏe của công dân khi tham gia nghĩa vụ quân sự. Quy định này không chỉ tạo điều kiện cho những người bị loạn thị mà còn góp phần vào việc nâng cao chất lượng và sức mạnh cho lực lượng quân đội. Chính vì vậy, việc hiểu rõ và tuân thủ các quy định này là điều cần thiết đối với tất cả công dân./.