BHYT vẫn chi trả các xét nghiệm ở cơ sở khác chuyển lên
(ĐCSVN)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2018.
Quyền lợi của người bệnh được nới rất rộng, như sẽ vẫn được thanh toán BHYT nếu nơi điều trị gửi mẫu xét nghiệm đến nơi khác, nếu được chuyển điều trị trái tuyến, hay trong trường hợp thẻ BHYT hết hạn khi đang điều trị dở.
Báo Vietnamnet vừa tổ chức buổi giao lưu với khách mời là ông Nguyễn Tất Thao - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) để làm rõ thêm về quyền lợi cụ thể của bệnh nhân BHYT, quy định mới về hỗ trợ phí KCB, chi trả KCB trái tuyến, đối tượng - mức đóng BHYT...
Ông Nguyễn Tất Thao trả lời trực tuyến bạn đọc báo VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng
Một độc giả hỏi, khi chúng tôi đi khám bệnh tại một bệnh viện, thường phải làm rất nhiều xét nghiệm để tìm bệnh. Tôi nghe nói theo quy định mới, bệnh viện sẽ chấp nhận kết quả xét nghiệm ở 1 cơ sở không có chức năng điều trị nhưng máy móc hiện đại hơn, uy tín xét nghiệm cao hơn, và BHYT vẫn chi trả cho các xét nghiệm này phải không ạ?
Ông Nguyễn Tất Thao trả lời: Theo quy định tại Khoản 6, Điều 27 của Nghị định số 146/NĐ-CP, trường hợp cơ sở KCB không thực hiện được xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng và phải chuyển người bệnh hoặc mẫu bệnh phẩm đến cơ sở KCB BHYT khác hoặc cơ sở được cấp có thẩm quyền phê duyệt đủ điều kiện để thực hiện các dịch vụ đó, thì vẫn được quỹ BHYT thanh toán chi phí thực hiện dịch vụ trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định cho cơ sở KCB nơi chuyển người bệnh, mẫu bệnh phẩm. Cơ sở KCB chuyển người bệnh hoặc mẫu bệnh phẩm có trách nhiệm thanh toán chi phí cho cơ sở KCB hoặc đơn vị thực hiện dịch vụ, sau đó tổng hợp vào chi phí KCB của người bệnh để thanh toán với cơ quan BHXH.
Nghị định cũng quy định rõ Bộ trưởng Bộ Y tế quy định nguyên tắc, danh mục xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đơn vị thực hiện dịch vụ.
Trả lời thắc mắc của bạn đọc, theo quy định mới, như thế nào thì được gọi là tham gia BHYT 5 năm liên tục, và như vậy thì khác gì so với trước? Ông Nguyễn Tất Thao cho biết: Thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước có đủ 5 năm, trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng, trừ một số trường hợp cụ thể quy định tại khoản 5 điều 12 nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Quy định này không khác so với quy định cũ tại luật BHYT.
Liên quan đến câu hỏi quy định mới có thay đổi gì liên quan quyền lợi bệnh nhân BHYT khi đi KCB tại cơ sở không ký hợp đồng KCB BHYT, hoặc KCB không đúng thủ tục?
Ông Nguyễn Tất Thao chia sẻ: Người có thẻ BHYT đi KCB tại các cơ sở KCB tuyến huyện không ký KCB BHYT hoặc điều trị nội trú tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến TW không ký hợp đồng KCB BHYT hoặc tại cơ sở đăng ký KCB ban đầu nhưng không xuất trình thẻ BHYT (hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh): người bệnh cũng được điều chỉnh mức quyền lợi khi đến đây khám chữa bệnh. BHYT sẽ thanh toán theo tỷ lệ mức lương cơ sở áp dụng cho từng tuyến bệnh viện nơi người bệnh đến khám chữa bệnh (quy định cụ thể tại Điều 30 NĐ 146)./.