BHXH Thừa Thiên Huế: Tăng cường tập huấn về chính sách BHXH tự nguyện 2022
(ĐCSVN) - Ngoài việc thực hiện giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện cho từng Đại lý thu, BHXH Thừa Thiên Huế tăng cường tập huấn nghiệp vụ đến 100% đại lý thu BHXH tự nguyện trên địa bàn để nhân viên, công tác viên của các Đại lý thu hiểu rõ nguyên nhân của việc tăng mức đóng tối thiểu khi tham gia BHXH tự nguyện từ đó giải thích để người dân hiểu và đồng thuận, tiếp tục đóng theo quy định của Nhà nước.
Tập huấn về BHXH tự nguyện năm 2022 cho nhân viên, công tác viên Đại lý thu UBND xã Phú Thanh |
Để chính sách BHXH tự nguyện thật sự đi vào cuộc sống, thu hút nhiều người tham gia, tăng tỷ lệ bao phủ BHXH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, BHXH Thừa Thiên Huế tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện đến người lao động và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức để người dân hiểu về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng và quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện.
Điều đặc biệt từ 01/01/2022, mức đóng tối thiểu khi tham gia BHXH tự nguyện tăng theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ. Mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng/tháng.
Theo quy định của Luật BHXH, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Căn cứ vào Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 01/01/2022, mức đóng BHXH tự nguyện sẽ thay đổi, cụ thể: Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 22% x 1.500.000 đồng = 330.000 đồng/tháng. Tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện của năm 2021 (chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm này là 700.000 đồng). Đồng thời, mức hỗ trợ tiền đóng hàng tháng của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng lên. Theo đó, đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, số tiền hỗ trợ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng (tăng 52.800 đồng); hộ cận nghèo, số tiền hỗ trợ tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/tháng (tăng 44.000 đồng) và đối tượng khác, số tiền hỗ trợ tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/tháng (tăng 17.600 đồng).
Do chưa thực hiện cải cách tiền lương nên lương cơ sở năm 2022 vẫn là 1.490.000 đồng/tháng. Vì thế, mức đóng BHXH tự nguyện tối đa của năm 2022 vẫn là 1.490.000 đồng x 20= 29.800.000 đồng/tháng.
Ngoài việc thực hiện giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện cho từng Đại lý thu, BHXH Thừa Thiên Huế tăng cường tập huấn nghiệp vụ đến 100% đại lý thu BHXH tự nguyện trên địa bàn để nhân viên, công tác viên của các Đại lý thu hiểu rõ nguyên nhân của việc tăng mức đóng tối thiểu khi tham gia BHXH tự nguyện từ đó giải thích để người dân hiểu và đồng thuận, tiếp tục đóng theo quy định của Nhà nước. Vì khi người dân hiểu rõ về chính sách BHXH tự nguyện thì họ sẽ hiểu BHXH thực hiện theo nguyên tắc đóng-hưởng, mức đóng cao thì mức hưởng cao chưa kể mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng lên.
Thời gian tới, BHXH tỉnh cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện đến tất cả mọi người dân với các hình thức tuyên truyền phù hợp đến từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về sự cần thiết khi tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân trong hoạt động thiện nguyện trao tặng sổ BHXH tự nguyện để nhiều người dân, nhất là những người yếu thế được tiếp cận và tiếp tục tham gia để thụ hưởng chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước./.