Bệnh viện Quân y 175: Kịp thời cứu sống bệnh nhân bị kẹt van nhân tạo do huyết khối
(ĐCSVN) - Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở NYHA III (suy tim độ 3), chỉ số đông máu INR ở mức thấp (1.4), rung nhĩ đáp ứng thất nhanh, có rối loạn huyết động, đe doạ phù phổi cấp. Sau khi được chẩn đoán sơ bộ cho thấy tình trạng kẹt van qua siêu âm thành ngực, bệnh nhân được làm siêu âm tim thực quản cấp cứu, chẩn đoán xác định kẹt 1 đĩa van 2 lá cơ học, huyết khối nhĩ và tiểu nhĩ trái, có chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Bệnh viện Quân y 175 vừa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Đinh T. P, 69 tuổi, trú tại Đồng Phú, Bình Phước, có tiền sử đã thay van 2 lá cơ học cách 16 năm tại một bệnh viện khác trước đó.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở NYHA III (suy tim độ 3), chỉ số đông máu INR ở mức thấp (1.4), rung nhĩ đáp ứng thất nhanh, có rối loạn huyết động, đe doạ phù phổi cấp. Sau khi được chẩn đoán sơ bộ cho thấy tình trạng kẹt van qua siêu âm thành ngực, bệnh nhân được làm siêu âm tim thực quản cấp cứu, chẩn đoán xác định kẹt 1 đĩa van 2 lá cơ học, huyết khối nhĩ và tiểu nhĩ trái, có chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Ths.BSCKI Phạm Hưng – bác sĩ điều trị Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BVQY 175 cho biết bệnh nhân trước đây đã được phẫu thuật thay van 2 lá 16 năm trước tại một bệnh viện khác. Bệnh nhân không tái khám thường xuyên cho đến khi bị mệt kéo dài và phải nhập viện cấp cứu.
Bệnh nhân được đưa về chăm sóc tại Khoa Hồi sức ngoại Bệnh viện Quân y 175 |
Sau nhập viện, các bác sĩ thuộc các chuyên khoa: Phẫu thuật Tim mạch; Can thiệp tim mạch; Tim mạch, khớp, nội tiết; Gây mê hồi sức; Hồi sức tích cực ngoại; Chẩn đoán hình ảnh đã hội chẩn và đưa ra quyết định phẫu thuật cấp cứu sau 6 giờ nhập viện. Ca mổ đã lấy huyết khối nhĩ trái, lấy bỏ dù, van 2 lá bị kẹt do huyết khối và mô tăng sinh đã được cắt bỏ và thay bằng van sinh học mới, sửa lại van 3 lá, tạo hình lại vách liên nhĩ. Ca mổ kéo dài hơn 6 tiếng, sau đó bệnh nhân được đưa về chăm sóc tại Khoa Hồi sức ngoại.
Tình trạng bệnh nhân đã ổn định |
Tại Khoa Hồi sức tích cực ngoại, bác sĩ Lại Huy Vinh cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân P trong tình trạng còn rối loạn huyết động nặng, phải sử dụng nhiều thuốc vận mạch phối hợp cùng kiểm soát rối loạn đông máu và thuốc hỗ trợ tim. Tình trạng tim mạch sau 2 ngày điều trị đã ổn định, hô hấp đảm bảo, rối loạn huyết động đã được kiểm soát, rút ống nội khí quản và chuyển về Khoa Phẫu thuật tim mạch sau 2 ngày tiếp đó”.
Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Thuốc chống đông là những thuốc được sử dụng nhằm ngăn ngừa sự hình thành huyết khối tại tim và trong lòng mạch, có vai trò không thể thiếu trong điều trị một số bệnh tim mạch, đặc biệt là với bệnh nhân đã thay van cơ học.Tình trạng sử dụng chống đông không đạt yêu cầu ở Việt Nam chủ yếu xảy ra ở các bệnh nhân ở xa, ngại đi tái khám, khám lại không thường xuyên, hoặc các bệnh nhân sống một mình, suy giảm trí nhớ dẫn đến việc theo dõi điều chỉnh chống đông không chặt chẽ dẫn đến các biến chứng do thuốc chống đông cao (xuất huyết não, kẹt van cơ học) mà bệnh nhân Đ.T.P là một ví dụ điển hình. Do đó các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân phải sử dụng thuốc chống đông đều đặn, đi tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ hoặc đi khám ngay khi thấy có những bất thường. Kẹt van cơ học là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao. Tỷ lệ kẹt van cơ học dao động từ 0,1% đến 5,7% , con số này tăng lên đến 6% ở những bệnh nhân có chỉ số đông máu INR dưới mức điều trị cho phép. Kẹt van cơ học ở vị trí van hai lá thường gặp hơn, gấp 2 – 3 lần so với vị trí động mạch chủ. Tỷ lệ tử vong liên quan đến kẹt van cơ học là rất cao, từ 10% đến 33% trong các nghiên cứu khác nhau. Các trường hợp dù được điều trị kịp thời bằng phẫu thuật có tỉ lệ tử vong nội viện cũng lên đến 10-15%. |