Bệnh viện Đà Nẵng: Phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối tổn thương gây ra cơn động kinh
(ĐCSVN) - Với các trang thiết bị hiện đại tại bệnh viện hỗ trợ trong quá trình phẫu thuật như: hệ thống định vị thần kinh trong mổ (Navigation), theo dõi thần kinh trong mổ (IOM), máy tán hút siêu âm (Cusa) và bước đầu thực hiện đo điện não đồ bề mặt trong mổ, trải qua hơn 3 giờ phẫu thuật, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, BV Đà Nẵng đã loại bỏ hoàn toàn vùng tổn thương gây cơn động kinh, bảo tồn các vùng não chức năng của bệnh nhân.
Các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng vừa phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối tổn thương gây ra cơn động kinh cho nữ bệnh nhân 19 tuổi.
Bệnh nhân Lương T.H.N. (SN 2004, ngụ huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) |
Cách đây 3 năm, bệnh nhân Lương T.H.N. (SN 2004, ngụ huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) bắt đầu có những cơn mất ý thức khoảng 2-3 cơn/tuần, người nhà và bệnh nhân đều không nghĩ là bệnh động kinh, gia đình nghĩ bệnh nhân bị ma quỷ nhập nên mời thầy cúng, đương nhiên tình trạng vẫn không cải thiện.
Bệnh nhân thường lên các cơn mất ý thức trong lúc thức, những cơn động kinh đến bất chợt đã gây nguy hiểm cho bệnh nhân, có lần khiến bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Gần đây nhất, cách đây 3 tháng bệnh nhân lên cơn co giật toàn thể, được đưa vào BV Tâm thần Đà Nẵng, được chẩn đoán động kinh và cho uống thuốc điều trị.
Sau đó, bệnh nhân về quê và đến khám tại BV Trung ương Huế. Qua chụp MRI phát hiện khối tổn thương thái dương trái, đo điện não đồ giấc ngủ, chẩn đoán động kinh thái dương trong bên trái do khối tổn thương này gây ra nên được giới thiệu vào BV Đà Nẵng để điều trị.
Hình ảnh hệ thống định vị trong mổ (Navigation) |
Tại BV Đà Nẵng, qua thăm khám lâm sàng cùng các kết quả chụp MRI, đo điện não đồ video, điện não giấc ngủ, nhận thấy đây là trường hợp sang thương sinh động kinh thái dương có thể phẫu thuật sớm, không cần đợi đủ điều kiện động kinh kháng thuốc để phẫu thuật.
Bệnh nhân được đánh giá trước phẫu thuật với sự phối hợp của các chuyên khoa nội thần kinh, ngoại thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, thực hiện các test đánh giá tâm thần kinh và các test về trí nhớ, đồng thời tham khảo ý kiến từ các chuyên gia phẫu thuật động kinh từ Thái Lan, bác sĩ nội thần kinh BV TW Huế, ekíp đã thống nhất phương án phẫu thuật cắt bỏ chọn lọc sang thương và hạnh nhân (Amydala) và bảo tồn các vùng não chức năng khác cho bệnh nhân.
Với các trang thiết bị hiện đại tại bệnh viện hỗ trợ trong quá trình phẫu thuật như: hệ thống định vị thần kinh trong mổ (Navigation), theo dõi thần kinh trong mổ (IOM), máy tán hút siêu âm (Cusa) và bước đầu thực hiện đo điện não đồ bề mặt trong mổ, trải qua hơn 3 giờ phẫu thuật, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, BV Đà Nẵng đã loại bỏ hoàn toàn vùng tổn thương gây cơn động kinh, bảo tồn các vùng não chức năng của bệnh nhân.
Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, không có cơn co giật, không có khiếm khuyết thần kinh sau mổ, tiếp tục được theo dõi theo chương trình quản lý bệnh nhân động kinh.
BSCKII Trà Tấn Hoành, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, BV Đà Nẵng cho biết, do khối u nằm thái dương giữa có cấu trúc phức tạp, xung quanh có nhiều mạch máu, vùng não chức năng quan trọng nên khó khăn trong việc lấy hết tổn thương mà vẫn bảo tồn các cấu trúc xung quanh. Tuy nhiên với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ khoa Gây mê hồi sức và khoa Ngoại thần kinh, cùng với sự tỉ mỉ, giàu kinh nghiệm của ekip phẫu thuật, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Hoành, động kinh là căn bệnh phổ biến thứ 2 trong các rối loạn tâm thần kinh. Các bệnh nhân đều được điều trị bằng thuốc chống động kinh, tuy nhiên có hơn 30% bệnh nhân kháng thuốc. Phẫu thuật động kinh là một trong những lựa chọn có thể điều trị dứt điểm hoặc giảm nhẹ động kinh cho bệnh nhân.
“Đây là trường hợp bệnh nhân động kinh có sang thương vùng thái dương gây động kinh được đánh giá một cách bài bản, đầy đủ trước phẫu thuật với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, đồng thời có ý kiến từ các chuyên gia Thái Lan góp phần lựa chọn phương án phẫu thuật tốt nhất cho bệnh nhân”, bác sĩ Hoành cho biết thêm.
Bệnh viện Đà Nẵng đã triển khai đo điện não đồ thường quy cho bệnh nhân động kinh, đo điện não video, điện não giấc ngủ giúp chẩn đoán, điều trị bệnh nhân động kinh và đánh giá trước phẫu thuật phục vụ cho công tác điều trị bệnh lý động kinh hiệu quả và theo đúng tiêu chuẩn của liên đoàn động kinh thế giới. Bước tiến bộ trong thực hiện kỹ thuật này sẽ mang lại cho người bệnh động kinh một phương án điều trị mới, an toàn, có thể điều trị triệt để bệnh động kinh hoặc làm giảm tần suất cơn, cũng như sự phụ thuộc vào thuốc động kinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân động kinh.