Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bến Tre ứng phó với thời tiết khắc nghiệt

Thứ Hai, 12/06/2023 11:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bến Tre là một trong 13 tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hạn hán và xâm nhập mặn trong những năm qua. Đặc biệt, đây là địa phương nằm ở cuối nguồn sông Mekong, nên sức ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn tác động vào đời sống, sinh hoạt, phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, tiến độ thực hiện các công trình sửa chữa các cửa cống cơ bản đã hoàn thành, đảm bảo vận hành ngăn mặn, trữ ngọt.

 Các kỹ sư kiểm tra chỉ số tại hồ chứa nước

Hệ thống các tuyến kênh trục và nội đồng đã được nạo vét thông thoáng, khơi thông dòng chảy, đảm bảo trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Đã hoàn thành việc duy tu, sửa chữa 34/59 công trình, gia cố các vị trí sạt lở, đảm bảo ngăn triều cường và ngăn mặn; các công trình còn lại đang trong giai đoạn thực hiện. Việc vận hành các công trình thủy lợi được tổ chức thực hiện theo lịch và tình hình thực tế, tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào hệ thống kênh, mương nội đồng, hồ chứa.

Các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra các công trình phòng chống xâm nhập mặn trên địa bàn Thành phố Bến Tre và các huyện như: Châu Thành, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú. Thường xuyên theo dõi tình hình, phối hợp vận hành có hiệu quả các công trình thủy lợi, nhất là các công trình hoàn thành nhưng chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng, các công trình đang thi công nhưng có khả năng vận hành để ngăn mặn, trữ ngọt, nhằm đảm bảo nước ngọt phục vụ người dân sinh hoạt, sản xuất.

Hướng tới khép kín vòng ngăn mặn, trữ ngọt

Theo ngành chức năng Bến Tre, được sự quan tâm hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương, ODA, nhiều dự án, công trình thủy lợi trọng điểm đã được triển khai nhằm chủ động ngăn mặn, trữ ngọt. Tuy vậy, hiện nay, hệ thống thủy lợi và các công trình đê bao tại Bến Tre vẫn chưa khép kín nên vào mùa khô, nước mặn thường xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng lớn trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, để phòng chống hạn mặn, ngành nông nghiệp đã khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp ứng phó, nhất là đầu tư xây dựng các công trình sau khi đưa vào sử dụng đều phát huy tác dụng như ngăn mặn, trữ nước, đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân; kịp thời tham mưu chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện biện pháp phòng tránh, ứng phó phù hợp với tình hình thực tế; bố trí lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với từng vùng, từng địa phương và chống chịu được với tình hình hạn mặn diễn biến ngày càng gay gắt.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre cho hay Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước; nguồn cấp nước ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2030. Theo đó, tỉnh Bến Tre hiện đang tập trung triển khai một số công trình, dự án trọng điểm về thủy lợi như: Dự án hệ thống thủy lợi Nam - Bắc Bến Tre; Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre; dẫn nước ngọt thô từ thượng nguồn về tỉnh qua Dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng...

Những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, tỉnh Bến Tre đã được đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng thuộc dự án hệ thống thủy lợi Bắc - Nam Bến Tre, với tổng diện tích khoảng 194.800 ha đất được bảo vệ trước xâm nhập mặn. Các công trình cống đập Ba Lai, hồ chứa nước Kênh Lấp, huyện Ba Tri; nhiều tuyến đê sông, đê bao cục bộ, đê bao các cồn… được đầu tư đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh.

Với những giải pháp, biện pháp chủ động phòng tránh, ứng phó với xâm nhập mặn, tỉnh Bến Tre sẽ giảm bớt khó khăn và thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra, từng bước ổn định sinh hoạt, đời sống, để người dân xứ dừa tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế./.


PN (Tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN