Bến Tre những dấu mốc qua các kỳ Đại hội
(ĐCSVN) - Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 30/4/1975, Bến Tre cùng cả nước bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương. Năm 1977, Bến Tre tổ chức Đại hội lần thứ nhất; từ đó đến nay trải qua 10 kỳ đại hội, mỗi kỳ đại hội là một dấu mốc quan trọng, ghi lại chặng đường phát triển của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bến Tre trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Trải qua 10 kỳ đại hội, mỗi kỳ đại hội là một dấu mốc quan trọng, ghi lại chặng đường mà Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre vận dụng sáng tạo đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn tình hình của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. |
Cùng với sự phát triển của các phong trào cách mạng, Đảng bộ Bến Tre từng bước lớn mạnh, trưởng thành, lãnh đạo nhân dân đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng lại quê hương ngày càng giàu đẹp. Những thành quả cách mạng là kết tinh trí tuệ, xương máu của nhiều thế hệ đồng bào, đồng chí trong tỉnh, là truyền thống đáng tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ I (1977- 1979)
Họp từ ngày 7- 18/3/1977 (vòng 2), với 303 đại biểu đại diện cho hơn 8.000 đảng viên. Đại hội diễn ra trong điều kiện Cách mạng nước ta đã chuyển sang một kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Điều đó tạo nên những điều kiện thuận lợi, song cũng đặt ra nhiều vấn đề hết sức khẩn trương và to lớn; Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo công tác của Ban Chấp hành, thông qua Nghị quyết về mục tiêu phấn đấu trong 5 năm 1976 - 1980, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh trong 2 năm 1977 - 1978 và kế hoạch cải tạo, phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội năm 1977.
Nghị quyết của Đại hội đã phân tích tình hình trong tỉnh, nêu rõ phương hướng và biện pháp giải quyết những khó khăn trước mắt, hàn gắn vết thương chiến tranh, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân; bước đầu tiến hành những biện pháp cải tạo đi đôi với xây dựng, đặt nền tảng cho việc chuyển nền kinh tế từ sản xuất nhỏ, tự phát lên sản xuất lớn, có tổ chức, có kế hoạch. Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế và văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, nâng cao dân trí, nâng cao một bước đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nắm chắc khâu trung tâm là tập trung sức phát triển nông nghiệp toàn diện để bảo đảm vững chắc nhu cầu lương thực, thực phẩm cho Nhân dân và làm nghĩa vụ góp phần xây dựng đất nước; đồng thời, ra sức phát huy thế mạnh kinh tế vườn, thủy sản. Khẩn trương xây dựng các cụm công nghiệp địa phương gắn với nông nghiệp, phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, chế biến nông sản, hải sản nhằm tăng giá trị tiêu dùng của sản phẩm, tạo nguồn hàng xuất khẩu để có tích lũy vốn phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, Đại hội đã xác định nền kinh tế của tỉnh có ba thế mạnh: Nghề ruộng, nghề vườn và nghề cá.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 1977 - 1979 gồm 34 ủy viên chính thức và 5 ủy viên dự khuyết; Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 ủy viên, Đồng chí Nguyễn Văn Trung được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Phiên (Nguyễn Hùng) làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Võ Văn Phẩm làm Phó Bí thư - Chủ tịch Uỷ ban nhân tỉnh.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ II (1980 - 1981)
Trong không khí cả nước tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng bộ tỉnh Bến Tre được triệu tập từ ngày 17 đến ngày 25/12/1979, với 333 đại biểu đại diện cho hơn 1 vạn đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất; nhận định công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã giành được thắng lợi bước đầu. Quan hệ sản xuất mới được xác lập và hình thành ở nông thôn, một số hợp tác xã và tập đoàn sản xuất đi vào hoạt động có hiệu quả. Các hoạt động lưu thông phân phối, văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội có nhiều cố gắng phục vụ cho sản xuất và đời sống Nhân dân. Tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể được kiện toàn một bước và có phát triển; công tác giáo dục đảng viên, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ, xây dựng bộ máy được chú trọng hơn trước, phong trào quần chúng được duy trì trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, đời sống.
Đại hội đã thảo luận và thông qua nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ của Đảng bộ trong 2 năm 1980 - 1981 và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa II gồm có 41 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết, 13 ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Trung được bầu làm Bí thư; đồng chí Võ Văn Phẩm - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Huỳnh Thanh Mua - Phó Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ III (1983 - 1985)
Họp từ ngày 01 đến ngày 05/02/1983, với 380 đại biểu thay mặt cho hơn 11 ngàn đảng viên trong tỉnh. Đại hội đã thảo luận và thông qua báo cáo tình hình và nhiệm vụ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đánh giá những thắng lợi và thành tích mà Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre đã đạt được trong 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và củng cố các đoàn thể quần chúng. Đại hội cũng đã quyết định những vấn đề quan trọng về xây dựng Đảng, tăng cường bộ máy chính quyền, củng cố quốc phòng - an ninh. Đồng thời, trên cơ sở nắm và vận dụng đường lối xây dựng kinh tế của Đảng đã nêu trong các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và lần thứ V.
Đại hội đã đề ra phương hướng xây dựng và phát triển kinh tế địa phương trong chặng đường đầu tiên thời kỳ quá độ của tỉnh là: Tập trung khai thác và phát huy có hiệu qủa hơn nữa ba thế mạnh kinh tế: Nghề ruộng, nghề vườn, nghề cá và 4 ngành kinh tế mũi nhọn: Lúa, dừa, mía đường, thủy sản; ưu tiên phát triển nông nghiệp toàn diện, trọng tâm là nông nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm và nông nghiệp chuyên canh cây công nghiệp. Phát huy thế mạnh về lương thực, thực phẩm để bảo đảm vững chắc cho đời sống Nhân dân và phát triển chuyên canh cây công nghiệp, đảm bảo sản xuất nhiều mặt hàng tiêu dùng và xuất khẩu, tăng ngân sách cho Nhà nước và thu nhập cho người dân, giải quyết nhu cầu quan trọng của sản xuất và đời sống, từng bước tích lũy để thực hiện công nghiệp hóa nền kinh tế.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa III gồm 43 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết, 13 ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Trung tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Huỳnh Thanh Mua - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Lê Minh Đào - Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Tháng 9/1983, đồng chí Huỳnh Thanh Mua được điều về trên, đồng chí Nguyễn Nam Hồng được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ IV (1987 - 1990)
Trên cơ sở tiếp thu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ IV tiến hành từ ngày 10 đến ngày 15/3/1987 (vòng 2). Dự đại hội có 399 đại biểu thay mặt cho 568 tổ chức cơ sở Đảng và trên 15.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội vinh dự đón tiếp đồng chí Trần Kiên, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương được Ban Bí thư cử về dự và chỉ đạo Đại hội.
Đại hội đã thông qua báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng bộ tỉnh, khẳng định những thành tựu mà Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre đã đạt được về sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, an ninh - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng.
Vận dụng những quan điểm, tư tưởng đổi mới của Đảng, Đại hội đã xác định 7 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 1990: (1) Tập trung phát triển sản xuất, thực hiện ba chương trình kinh tế lớn, lấy phát triển sản xuất làm gốc để ổn định phân phối lưu thông, ổn định và nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm tốt hơn những nhu cầu cơ bản đời sống Nhân dân; (2) Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, chủ yếu là xây dựng các công trình phục vụ cho nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; (3) Tiếp tục tiến hành công cuộc cải tạo xã hội nhằm mục đích phát triển lực lượng sản xuất, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới theo phương hướng tăng cường kinh tế quốc doanh, nâng cao chất lượng kinh tế tập thể, khuyến khích và giúp đỡ phát triển kinh tế gia đình, sử dụng đúng đắn các thành phần kinh tế khác; (4) Tạo thế vững chắc về thị trường, giá cả, đời sống, đổi mới các hoạt động trên lĩnh vực phân phối lưu thông; (5) Thực hiện đúng đắn chính sách xã hội vì đời sống và hạnh phúc của nhân dân, vì lợi ích chính đáng của con người, bảo đảm công bằng xã hội đối với mọi người về quyền lợi và nghĩa vụ. Giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội, thực hiện nếp sống văn hóa mới, văn minh, lành mạnh và tiến bộ, giải quyết các tệ nạn xã hội, khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong đời sống; (6) Tổ chức tốt phong trào quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động và kịp thời dập tắt mọi hoạt động chiến tranh phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, an ninh kinh tế, củng cố trật tự an toàn xã hội; (7) Tăng cường xây dựng Đảng ngang tầm với nhiệm vụ chính trị, kiện toàn và trong sạch hóa bộ máy nhà nước; khắc phục những tiêu cực, thực hiện quá trình đổi mới theo Nghị quyết Đại hội lần thứ VI Đảng.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 40 ủy viên, 14 ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Xuân Kỷ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Dương Văn Ẩn - Ủy viên Thường vụ trực, đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ V (1991 - 1995)
Họp từ ngày 19/11/1991 đến ngày 22/11/1991 (vòng 2), với 351 đại biểu chính thức đại diện cho 535 tổ chức cơ sở đảng và trên 18.000 đảng viên trong tỉnh.
Đại hội đã thảo luận và thông qua báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đồng thời chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới của Đảng giai đoạn 1986 - 1990; đề ra mục tiêu chung cho Đảng bộ và nhân dân Bến Tre trong 05 năm 1991- 1995 là: Vượt qua khó khăn thử thách, đưa nền kinh tế đa dạng nhiều thành phần, phát triển hàng hóa với số lượng lớn, toàn diện, đồng thời với việc củng cố vững mạnh các đơn vị quốc doanh then chốt, sắp xếp, củng cố kinh tế tập thể và đẩy mạnh kinh tế hộ gia đình; tăng cường ổn định chính trị; củng cố quốc phòng và an ninh, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, nâng cao một bước đời sống và phúc lợi cho Nhân dân.
Từ mục tiêu chung đó, đại hội đã đề ra những nhiệm vụ chủ yếu đó là: Tiếp tục giữ vững, ổn định và phát triển ba chương trình kinh tế, thực hiện cơ cấu kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, thương mại và dịch vụ, vận dụng và cụ thể hóa chủ trương, chính sách kinh tế phù hợp với địa phương nhằm phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, tập trung khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh kinh tế vườn, kinh tế biển. Phấn đấu đưa GDP tăng bình quân hàng năm từ 7 đến 8%, thực hiện tốt chính sách xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, chăm lo đời sống Nhân dân. Củng cố an ninh - quốc phòng, nâng cao cảnh giác chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” và chiến tranh phá hoại nhiều mặt, bảo vệ an ninh trật tự, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tiếp tục thực hiện chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Đại hội bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 47 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Xuân Kỷ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Thới (Sáu Thắng) làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Trần Văn Ngẫu làm Phó Bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ VI (1996 - 2000)
Diễn ra từ ngày 03 đến ngày 05/5/1996, với 348 đại biểu chính thức đại diện cho 518 tổ chức cơ sở đảng và trên 18.000 đảng viên trong tỉnh.
Đại hội đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến phong phú và thiết thực cho dự thảo Báo cáo chính trị được trình ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng bộ tỉnh, rút ra những mặt mạnh và những thiếu sót, tồn tại, đề ra mục tiêu tổng quát của tỉnh trong 5 năm 1996 - 2000: “Tiếp tục ổn định chính trị, tranh thủ khai thác thời cơ, vượt qua thử thách, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà với bước đi vững chắc gắn chặt phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần với khối lượng lớn, gắn kinh tế với giải quyết các vấn đề văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, tạo tích lũy nội bộ, nâng mức sống của Nhân dân, tăng cường củng cố vững mạnh hệ thống chính trị các cấp, chuẩn bị tích cực các tiền đề cần thiết cho giai đoạn phát triển cao hơn sau năm 2000”. Nghị quyết của Đại hội đã nêu ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2000, đưa nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm từ 8 đến 8,5%, công nghiệp và xây dựng tăng 15%, nông nghiệp tăng 5%, dịch vụ tăng 11%, xuất khẩu tăng 15 đến 20%, GDP bình quân đầu người đến năm 2000 đạt 280 đến 300 USD/năm.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 47 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Thới (Sáu Thắng) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Văn Truyền làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Huỳnh Văn Cam (Lê Huỳnh) làm Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ VII (2001 - 2005)
Được tiến hành từ ngày 28 đến ngày 30/12/2000, có 349 đại biểu tham dự thay mặt cho trên 2 vạn đảng viên của Đảng bộ tỉnh. Đại hội đã đánh giá khái quát chặng đường 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000” và 10 năm thực hiện “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đề ra.
Đại hội đã đánh giá những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua, đó là: Kinh tế tiếp tục phát triển và tăng trưởng khá, cơ cấu có sự chuyển dịch dần theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng nhanh hơn, toàn diện hơn; đời sống Nhân dân được cải thiện, nhiều vùng nâng mức sống lên khá. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết lao động, việc làm đạt kết quả đáng kể. Giáo dục phát triển toàn diện. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được triển khai đồng bộ, kịp thời đến tận các vùng nông thôn hẻo lánh. An ninh trật tự ổn định. Hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn.
Trên cơ sở đường lối, quan điểm, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và tình hình thực tiễn của tỉnh. Đại hội đã đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tập trung đầu tư khai thác hai thế mạnh (kinh tế thuỷ hải sản và kinh tế vườn); (2) Ưu tiên khuyến khích đổi mới thiết bị và công nghệ hiện đại; (3) Đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, kinh tế đối ngoại, tài chính tín dụng; (4) Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; (5) Phát triển các thành phần kinh tế gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất mới, thực hiện các chính sách xã hội; (6) Tiếp tục mở rộng qui mô, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; (7) Đẩy mạnh công tác khoa học công nghệ và môi trường; tăng cường các hoạt động y tế, kế hoạch hoá gia đình; (8) Đẩy mạnh hoạt động văn hoá - thông tin, thể dục - thể thao; (9) Tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự; (10) Đổi mới công tác vận động quần chúng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với dân; (11) Xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước; (12) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 47 ủy viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy 13 đồng chí, trong đó có 1 nữ, đồng chí Trần Văn Truyền làm Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Trần Văn Cồn làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Huỳnh Văn Be - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ VIII (2005 - 2010)
Diễn ra từ ngày 08 đến ngày 11/11/2005 tại hội trường lớn Ủy ban nhân dân tỉnh. Lần này, tỉnh Bến Tre được chọn làm điểm để tiến hành đại hội đảng bộ cấp tỉnh. Đến dự và chỉ đạo đại hội có đồng chí Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban đảng, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh phía Nam được mời dự; 299 đại biểu chính thức thay mặt cho 29.042 đảng viên ở 552 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn tỉnh về dự đại hội. Đại hội thông qua Báo cáo tổng hợp ý kiến của đại biểu Đại hội đóng góp vào các dự thảo văn kiện của Trung ương trình Đại hội Đại biểu lần thứ X của Đảng và Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự thảo bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng; Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VII trình tại Đại hội.
Từ thực tiễn lãnh đạo trong nhiệm kỳ 2001 - 2005, Đại hội đã rút ra bốn bài học kinh nghiệm: Một là, trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc vận dụng các chủ trương, chính sách phải phù hợp với thực tiễn; phải tạo được sự thống nhất cao trong nội bộ Đảng, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân; khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Hai là, chọn đúng các mũi đột phá, xây dựng các chương trình, dự án phù hợp; biết khai thác thời cơ thuận lợi, khắc phục những khó khăn, bất lợi để chỉ đạo thực hiện; phát huy mạnh mẽ các nguồn nội lực, tranh thủ thu hút có hiệu quả ngoại lực. Ba là, trong chỉ đạo, điều hành phải bao quát, toàn diện, chọn đúng trọng tâm, trọng điểm, kiên trì thực hiện những mục tiêu đã đề ra; coi trọng việc xây dựng mô hình và nhân rộng mô hình tốt, nhằm khơi dậy các lợi thế, tiềm năng có hiệu quả, tạo sự chuyển biến nhanh nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Bốn là, trong lãnh đạo phải xem trọng vai trò cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, đứng đầu tổ chức gắn với phát huy đầy đủ vai trò của tập thể. Đồng thời, cán bộ, đảng viên phải biết dựa vào dân, lấy dân làm gốc, thông qua nhân dân để tạo ra các nguồn lực, đi đôi với quan tâm chăm lo những lợi ích thiết thực cho Nhân dân.
Đại hội đề ra năm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: (1) Tập trung phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; trong đó công nghiệp là khâu đột phá; (2) Tiếp tục chăm lo phát triển văn hóa, xã hội; đảm bảo văn hóa phát triển đồng bộ và tương xứng với phát triển kinh tế; (3) Giữ gìn an ninh - quốc phòng; đảm bảo môi trường chính trị - xã hội ổn định; (4) Tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác vận động quần chúng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; (5) Đổi mới và tăng cường sự lãnh dao của Đảng.
Đại hội bầu 49 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2005 - 2010, bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí. Đồng chí Huỳnh Văn Be - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Văn Cồn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Cao Tấn Khổng - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ IX (2010 - 2015)
Họp từ ngày 18 đến ngày 20/10/2010, với 350 đại biểu chính thức. Đại hội đã thảo luận, đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng, thảo luận Báo cáo chính trị và Báo cáo kiểm điểm, tự phê bình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VIII trình tại đại hội. Đại hội đề ra mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy Nhà nước; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; động viên mọi nguồn lực, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững. Kết hợp chặt giữa tăng trưởng kinh tế với chăm lo phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội để Bến Tre kịp sánh vai cùng các tỉnh trong vùng”.
Trên cơ sở mục tiêu chung, Đại hội đã nêu lên 13 nhiệm vụ cụ thể: (1) Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, để công nghiệp thật sự là khâu đột phá, thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; (2) Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, đa dạng theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường; gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân; (3) Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch theo hướng đa dạng hoá, xã hội hoá; (4) Tập trung huy động vốn từ nhiều nguồn, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; (5) Tập trung công tác quản lý và điều hành ngân sách, đảm bảo hoàn thành vượt chỉ tiêu thu và quản lý chặt chẽ các khoản chi; (6) Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển; (7) Tập trung xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp và thân thiện; (8) Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ; coi trọng bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; (9) Gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá và bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; (10) Giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh; đảm bảo trật tự an toàn xã hội; (11) Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa tạo sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng nền tảng liên minh chính trị vững chắc; (12) Tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước; (13) Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đại hội bầu 55 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX, bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Hà Thanh Niên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Võ Thành Hạo - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X (2015 - 2020)
Được triệu tập từ ngày 12 đến ngày 14/10/2015, với 342 đại biểu chính thức đại diện cho ý chí nguyện vọng của trên 5 vạn đảng viên trong tỉnh. Đại hội đã kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX nhiệm kỳ 2010 - 2015, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 với chủ đề của Đại hội: Phát huy tinh thần Đồng khởi, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; tích cực huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Đại hội đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: (1) Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tập trung hai mũi nhọn là kinh tế vườn và kinh tế biển; (2) Tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để đẩy nhanh tốc độ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; (3) Phát triển đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch; (4) Tích cực huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; (5) Nâng cao chất lượng hoạt động tài chính, ngân hàng.... (6) Tập trung chăm lo phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội; đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động y tế, văn hoá, thể dục, thể thao; (7) Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ; (8) Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; (9) Tăng cường công tác xây dựng Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; (10) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; (11) Nâng cao hiệu quả công tác vận động Nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Đại hội bầu 52 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X, bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 16 đồng chí. Đồng chí Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách xây dựng Đảng; đồng chí Cao Văn Trọng - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh. Đến ngày 20/7/2019 đồng chí Võ Thành Hạo nghỉ hưu; ngày 26/7/2019 đồng chí Phan Văn Mãi được Ban Chấp hành Đảng bộ bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Ngọc Tam làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy./.