Bến Tre khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở bờ sông, bờ biển
(ĐCSVN) - Ngày 23/8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai do ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã đến tỉnh Bến Tre, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2023.
Bờ biển xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đang bị sạt lở nghiêm trọng (Ảnh: Nhật Trường) |
Ông Nguyễn Hải Anh đánh giá cao các cấp, ngành tỉnh Bến Tre triển khai toàn diện, nghiêm túc công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Bên cạnh đó, Bến Tre đã chú trọng xây dựng hiệu quả lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã với phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ); kiểm soát tốt quỹ phòng, chống thiên tai. Tỉnh ban hành, thực hiện hiệu quả các phương án, các giải pháp công trình, phi công trình trong phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu…
Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh để trình Ban Chỉ đạo quốc gia, trong đó có những giải pháp ứng phó thiên tai khẩn cấp, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Hải Anh đề nghị tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong phòng, chống thiên tai; xây dựng lực lượng xung kích cấp xã, quan tâm đầu tư củng cố nâng cao năng lực của đội ngũ này để giúp phòng ngừa, ứng phó kịp thời thiên tai từ cơ sở. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống thiên tai; tăng cường phương án cảnh báo sớm; chú trọng chỉ đạo các giải pháp xanh, thay đổi hành vi trong phòng, chống thiên tai; quan tâm ứng phó tình trạng nắng nóng, hạn hán trong mùa khô 2023- 2024.
Theo ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" đã được cụ thể trong các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai của tỉnh; thực hiện tốt các chế độ, chính sách hỗ trợ bố trí, ổn định dân cư tại các vùng sạt lở bờ sông, bờ biển; có chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;... Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Bến Tre đã triển khai 16 dự án/công trình phòng, chống sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 28km, kinh phí thực hiện 680 tỷ đồng; 6 dự án/công trình phòng, chống sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 9km, kinh phí thực hiện 464 tỷ đồng.
Ông Trần Ngọc Tam kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí để có giải pháp khắc phục khẩn cấp đối với các khu vực sạt lở. Đặc biệt, Bến Tre kiến nghị các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện, trường,… tiếp tục hỗ trợ tỉnh rà soát, đánh giá các khu vực đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở để khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp xử lý, khắc phục phù hợp; hỗ trợ tỉnh tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước, khép kín hệ thống đê nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô hàng năm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trên địa bàn Bến Tre, từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra 7 đợt dông, lốc xoáy làm một người chết, 103 căn nhà ở bị ảnh hưởng (trong đó sập hoàn toàn 12 căn); tốc mái một điểm trường; ngã, gãy 8 trụ điện... Bên cạnh đó là một số thiệt hại khác về nông nghiệp, kho xưởng của doanh nghiệp, chòi chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, hoa màu…
Sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh trong những năm qua diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường. Mức độ nhanh hơn gây mất đất sản xuất, rừng phòng hộ,... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh. Nhiều khu vực đã và đang diễn biến sạt lở nghiêm trọng như: bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; bờ sông Mỏ Cày; bờ sông Giao Hòa; khu vực các cồn: Tam Hiệp (huyện Bình Đại), Phú Đa (huyện Chợ Lách), Thành Long (huyện Mỏ Cày Nam)... Hiện, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 13km bờ sông và 8,5km bờ biển đang bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng nhưng chưa được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, ước tổng nhu cầu kinh phí thực hiện 730 tỷ đồng.