Bến Tre có hơn 1.000 cán bộ lãnh đạo kiêm nhiệm
(ĐCSVN) – Ngày 23/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết việc thực hiện các mô hình kiêm nhiệm theo Kết luận số 34 ngày 7/8/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 02 ngày 12/4/2016 của Tỉnh ủy khóa X. Qua 2 năm thực hiện, toàn tỉnh có 1.017 trường hợp thực hiện kiêm nhiệm và nhất thể hóa.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ Phát biểu kết luận tại Hội nghị. (Ảnh: Hoàng Lam) |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã dành thời gian tập trung thảo luận, đánh giá kết quả sau 2 năm triển khai các mô hình kiêm nhiệm và đề xuất nhiều giải pháp trong thời gian tới. Đến nay toàn tỉnh có 1.017 trường hợp thực hiện kiêm nhiệm và nhất thể hóa, trong đó cấp tỉnh 2, cấp huyện 26, cấp xã 180, ấp, khu phố 809.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cho rằng: Việc thực hiện các mô hình kiêm nhiệm đã góp phần giảm các đầu mối, số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý và người hoạt động không chuyên trách, việc xử lý và triển khai thực hiện nhiệm vụ có đồng bộ và nhanh hơn so với trước.
Các mô hình thực hiện đều được các cấp ủy thảo luận thống nhất, lựa chọn địa bàn, nhân sự cơ bản đảm bảo đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu về trình độ, năng lực, uy tín để thực hiện và được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Đây là kết quả quan trọng thể hiện sự tập trung cao trong quá trình triển khai thực hiện Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa X.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện còn có những hạn chế nhất định, đó là: Một số cán bộ bố trí kiêm nhiệm trong lãnh đạo, điều hành chưa toàn diện; đôi lúc thực hiện nhiệm vụ còn lúng túng, sắp xếp thời gian chưa hợp lý, chất lượng và hiệu quả công việc chưa cao. Một số nơi chậm chấn chỉnh, bổ sung quy chế làm việc, quy chế phối hợp để thực hiện. Các cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục những hạn chế đã chỉ ra.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mô hình kiêm nhiệm theo Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị và các mô hình theo Đề án số 02-ĐA/TU ngày 28/9/2018 của Tỉnh ủy khóa X, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đề nghị: Các cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần xác định việc thực hiện chủ trương bố trí mô hình kiêm nhiệm là nhiệm vụ quan trọng để tạo sự đột phá trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là ở cơ sở.
Chú trọng đổi mới cách nghĩ, cách làm, quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo trong thực hiện; khi mô hình có hiệu quả thì phải mạnh dạn nhân rộng và thực hiện đồng bộ các mô hình Bí thư đồng thời là trưởng ấp, khu phố; những người hoạt động không chuyên trách kiêm những người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo phương châm “học tập điển hình”, “bắt kịp điển hình” và “vượt qua điển hình”...
Quan tâm kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện mô hình kiêm nhiệm, qua đó kịp thời phát hiện mô hình tốt để nhân rộng, đồng thời nghe phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để hỗ trợ. Định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm chỉ đạo chung.
Tiếp tục chỉ đạo quán triệt đầy đủ và tổ chức triển khai các mô hình theo Đề án số 02-ĐA/TU ngày 28-9-2018 của Tỉnh ủy “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” gắn với thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW.
“Để thực hiện tốt các mô hình kiêm nhiệm, nhất là chức danh kiêm nhiệm ở cơ sở, Bí thư kiêm trưởng ấp, khu phố, ngoài trình độ, năng lực, nhiệt tình và trách nhiệm, cấp ủy các cấp cần chú trọng về điều kiện kinh tế của gia đình để cán bộ, đảng viên an tâm công tác, tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao; thường xuyên quan tâm, động viên và hỗ trợ cho cán bộ đảm nhiệm kiêm nhiệm”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến cho biết, việc thực hiện mô hình nhất thể hóa và kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đã từng bước tinh gọn được bộ máy, giảm bớt được đầu mối, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp và giảm bớt khâu trung gian giữa việc tham mưu, ban hành chủ trương đến việc triển khai thực hiện; quá trình kiểm tra, giám sát cũng được thuận lợi, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Với cá nhân cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý thực hiện các mô hình kiêm nhiệm, tuy nhiệm vụ có nhiều hơn nhưng đa số đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, dành nhiều thời gian để đầu tư, nghiên cứu, bố trí, sắp xếp công việc một cách khoa học để đạt hiệu quả cao nhất; nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của cấp trên, kịp thời triển khai thực hiện trong đơn vị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến cho biết, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mô hình kiêm nhiệm, thời gian tới, Tỉnh ủy Bến Tre tiếp tục xác định mô hình kiêm nhiệm là nhiệm vụ quan trọng để tạo sự đột phá trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là ở cơ sở.
Cùng với đó, tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện mô hình kiêm nhiệm, kịp thời phát hiện mô hình tốt để nhân rộng, tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc./.