Bên khung cửi của người Tà Ôi
(ĐCSVN) – Sinh sống lâu đời trên vùng đất Thừa Thiên Huế, dân tộc Tà Ôi hình thành và lưu giữ một nền văn hóa đa dạng, phong phú, trong đó nghề dệt zèng (thổ cẩm) là một đặc trưng văn hóa phản ánh đậm nét đời sống tinh thần của người Tà Ôi.
Trong đời sống, văn hóa của người Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, zèng (thổ cẩm) là thước đo nhiều giá trị trong đời sống. Để làm ra loại thổ cẩm bền chắc, có họa tiết, hoa văn đẹp những người phụ nữ Tà Ôi phải trải qua những công đoạn công phu, cầu kỳ.
Để có nguyên liệu chế tác, vào tháng 9 hàng năm, người Tà Ôi thu hoạch bông trên rẫy và se sợi, sau đó đem nhuộm và hồ. Những tấm zèng có các màu chủ yếu: Đen, trắng, vàng, đỏ, xanh lá và tím. Mỗi màu được chế từ các loại cây, lá trong thiên nhiên như vỏ và lá cây ta-râm cho màu đen, củ cây a-rác cho màu vàng, màu đỏ lấy từ củ cây a-chất… Để sợi vải nhuộm giữ được độ bền màu sắc, đòi hỏi người nhuộm phải có kinh nghiệm chế tác, sử dụng nhiều loại phụ gia như vỏ ốc đá, bột sắn hoặc bột nếp khô…
Từ những sợi vải đã nhuộm màu, người phụ nữ Tà Ôi mới lên khung dệt vải. Để làm ra những tấm zèng theo cách truyền thống, người dệt phải thực hiện nhiều công đoạn như phân loại từng sợi vải có kích thước màu sắc đồng đều, phù hợp với mục đích sử dụng, ví như tấm zèng để may trang phục, cần chọn những sợi vải mỏng mịn. Loại sợi to và thô thì dùng để dệt thảm hay chăn. Để có một sản phẩm hoàn chỉnh, những người phụ nữ Cơtu phải làm việc cật lực trong nhiều ngày liền, thậm chí phải mất cả tháng.
Với người Tà Ôi, dệt zèng không chỉ là một nghề thủ công đơn thuần, còn là vật phẩm đánh giá nhiều giá trị trong đời sống người Tà Ôi. Đặc biệt zèng là thước đo để đánh giá tài năng, sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ dân tộc Tà Ôi; sử dụng trong các hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng; là vật đính ước của các cô gái với ý trung nhân hoặc để thể hiện lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ.
Khung dệt truyền thống của người Tà Ôi được làm bằng khung tre hoặc gỗ rời, khá đơn giản và gọn nhẹ. Nhờ vậy phụ nữ Tà Ôi có thể mang bộ khung dệt tới bất cứ đâu và dệt bất cứ khi nào thấy thuận tiện. Từ khung cửi đơn giản này người phụ nữ Tà Ôi có thể dệt ra những tấm zèng bền, đẹp.
Dệt zèng của người Tà Ôi. |
Nét đặc trưng nhất của thổ cẩm Tà Ôi so với các tộc người khác ở Thừa Thiên Huế là những tấm zèng có kích thước dài, có hệ thống hoa văn trang trí đa dạng, gam mầu sử dụng đặc trưng là màu đỏ và đen với kỹ thuật phối mầu tinh tế.
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, những hoa văn trên zèng được người làm giải thích là hình tượng mặt trời, ngọn núi, con sông, con dốc, loại cây, các loài muông thú hoặc linh vật. Nghề dệt zèng của người Tà Ôi khiến nhiều nhà nghiên cứu kỹ thuật dệt say mê, bởi sự "cổ xưa" kỳ lạ và sự độc đáo của nó. Những hoa văn cách điệu phản ánh cảm nhận trực quan của người phụ nữ Tà Ôi với môi trường sống.
Hoa văn trên thổ cẩm Tà Ôi phổ biến nhất là nhóm các hoa văn về đồ vật, như hoa văn hàng rào, cây chông hoặc nhà dài. Trong các kỹ thuật chế tác, những đôi bàn tay tài hoa của phụ nữ Tà Ôi còn sáng tạo chèn cườm lên zèng, tạo sự sinh động cùng hoa văn trang trí, tôn tạo thêm sự độc đáo của nghề “canh cửi” của người Tà Ôi.
Bên cạnh các mẫu hoa văn truyền thống, người dệt zèng có thể tự sáng tạo các mẫu hoa văn theo quan sát và trí tưởng tượng của riêng mình. Điều đó khiến những sản phẩm thổ cẩm do người Tà Ôi làm ra mang nét độc đáo, riêng có, đậm đà tính dân tộc mình.
Những tấm zèng không chỉ thể hiện sự khéo léo và cần mẫn, kiên trì của những người phụ nữ Tà Ôi mà còn góp phần tôn tạo, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Tà Ôi, đồng thời góp phần giới thiệu tới các dân tộc anh em khác những nét đẹp văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc của dân tộc mình.